Lưu ý khi chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước và sau khi sinh
LSO-Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, để cho ra đời những đứa trẻ thông minh, khỏe mạnh thì các bà mẹ phải được chăm sóc sức khỏe liên tục từ khi có ý định mang thai cho đến khi em bé được sinh ra. Bất kỳ giai đoạn nào khi người mẹ mắc bệnh đều có sự ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như sự phát triển của đứa trẻ. Chính vì vậy, chăm sóc bà mẹ trong quá trình thai nghén là hết sức quan trọng giúp giảm rủi ro trong quá trình mang thai và làm tăng cơ hội an toàn và khỏe mạnh trước và sau khi sinh.
Khám thai định kỳ cho người phụ nữ mang thai tại Bệnh viên đa khoa tỉnh Lạng Sơn |
Trong quá trình mang thai, các chị em phụ nữ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung các dưỡng chất quan trọng như acid folic, sắt, canxi và các vi chất cần thiết. Loại bỏ thói quen uống rượu, bia và hút thuốc lá. Không ăn quá mặn, quá cay và lao động, làm việc theo khả năng, xen kẽ nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng. Đặc biệt, chỉ sử dụng thuốc khi có sự chỉ định của bác sỹ chuyên khoa, thực hiện tiêm phòng uốn ván đầy đủ, đúng lịch để phòng uốn ván sơ sinh.
Quá trình mang thai của người mẹ được chia thành 3 giai đoạn là: giai đoạn 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Trong đó giai đoạn 3 tháng đầu là đặc biệt quan trọng. Trong giai đoạn này cùng với việc hình thành và phát triển hình hài của thai nhi, thì người mẹ lại xuất hiện các dấu hiệu ốm nghén khiến cho cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, dễ dẫn đến cơ thể không được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng. Đồng thời, do sự thay đổi của nội tiết tố trong cơ thể khiến phụ nữ mang thai trong giai đoạn này dễ mắc các bệnh nhiễm vi rút như: cúm, sởi, rubella… gây nên những bất thường cho thai nhi. Chính vì vậy, người chồng và những người thân trong gia đình cần quan tâm, động viên phụ nữ mang thai để có tinh thần thoải mái, nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng.
Bác sỹ Vũ Vân Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Lạng Sơn cho biết: Trong quá trình mang thai, cần đặc biệt quan tâm tới việc thực hiện khám sức khỏe định kỳ, kịp thời phát hiện những bệnh lý ở mẹ cũng như thai nhi để có được sự can thiệp về y tế phù hợp. Thông thường trong 9 tháng mang thai, người mẹ cần đi khám ít nhất là 3 lần vào các tháng thứ 3, thứ 6 và thứ 9 của thai kỳ. Tuy nhiên, đối với người mẹ mang thai được coi là có nguy cơ cao vì tuổi tác hay sức khỏe thì sẽ phải thực hiện thăm khám thường xuyên hơn, thậm chí phải cần đến sự chăm sóc đặc biệt. Ngoài ra trong quá trình mang thai, người mẹ cần tiêm ngừa uốn ván 2 lần, lần thứ nhất vào khoảng tháng thứ 4 của thai kỳ, lần 2 cách lần thứ nhất ít nhất 1 tháng và chậm nhất là trước khi sinh 1 tháng để chủ động phòng ngừa uốn ván sơ sinh.
Để tránh hiện tượng ốm nghén, dẫn đến cơ thể không được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần, đồng thời uống đủ nước, hạn chế các loại thực phẩm nhiều chất béo và cholesterol.
Sau khi sinh, sản phụ không nên ăn kiêng khem quá mức, sẽ làm mất sức và không đủ sữa cho bé bú. Các bà mẹ không nên ăn khô, ăn mặn, kiêng rau theo quan niệm xưa mà cần ăn đa dạng, đầy đủ chất dinh dưỡng và uống nhiều nước để có nhiều sữa cho con bú.
Ngoài ra, sản phụ sau khi sinh cần nằm ở phòng thoáng mát, sáng sủa, tránh gió lùa, tắm rửa hằng ngày bằng nước ấm. Nghỉ ngơi hoàn toàn trong tháng đầu, khi bắt đầu hoạt động trở lại thì cần bắt đầu bằng các hoạt động nhẹ nhàng, tránh lao động và các hoạt động nặng nhọc đòi hỏi thể lực cao. Các chuyên gia về y tế cũng khuyến cáo: Sau 7 đến 10 ngày, sản phụ nên đi khám lại để đảm bảo cơ thể hồi phục an toàn, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
MINH MẠNH
Ý kiến ()