Lưu thông dòng vốn, cùng doanh nghiệp vượt khó
Nhằm đẩy mạnh lưu thông nguồn vốn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thời gian gần đây giữa ngân hàng, doanh nghiệp (DN) và chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn để tìm ra tiếng nói chung. Mong muốn của phần lớn các DN là ngân hàng cần phải tiếp tục hạ lãi suất, nới lỏng điều kiện vay vốn.
Nhằm đẩy mạnh lưu thông nguồn vốn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thời gian gần đây giữa ngân hàng, doanh nghiệp (DN) và chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn để tìm ra tiếng nói chung. Mong muốn của phần lớn các DN là ngân hàng cần phải tiếp tục hạ lãi suất, nới lỏng điều kiện vay vốn.
Ðặc biệt, cả hai bên cần nỗ lực hơn nữa để xóa tâm lý “ngân hàng ngại cho vay – DN ngại đi vay” đang lan rộng trong cộng đồng DN và cả hệ thống ngân hàng hiện nay.
Vốn tiếp sức doanh nghiệp
Tại các cuộc làm việc giữa lãnh đạo TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) diễn ra trong thời gian qua, phần lớn các DN đều bày tỏ sự ghi nhận những nỗ lực đóng góp của hệ thống ngân hàng trong việc hạ lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, tháo gỡ khó khăn cho DN.
Theo đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh), hiện mặt bằng lãi suất mà DN được các ngân hàng cho vay ở mức khá hợp lý. Cụ thể, DN đang được vay vốn ngân hàng với tổng số vốn hơn 3.400 tỷ đồng. Trong đó, DN vay chủ yếu ở ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) là 1.500 tỷ đồng với lãi suất 8,5%/năm, vay ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khoảng 400 tỷ đồng lãi với lãi suất 9%/năm, phần còn lại là tín chấp của một số ngân hàng khác. Còn theo Tổng Giám đốc Công ty Ðiện hơi công nghiệp Tín Thành (TP Hồ Chí Minh) Trần Ðình Quyền: DN Tín Thành được thành lập từ tháng 9-2009, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hơi công nghiệp cung cấp cho các nhà máy sản xuất trên địa bàn cả nước. Do đặc thù là một ngành nghề mới nên bước đầu hoạt động, DN rất khó khăn trong việc vay vốn. Nhưng sau đó, chi nhánh ngân hàng Agribank An Phú (TP Hồ Chí Minh) cho DN vay gần 400 tỷ đồng, với lãi suất hợp lý nên DN đã hoạt động hiệu quả. Ðến nay, DN chỉ còn nợ hơn 100 tỷ đồng. Sau ba năm hoạt động doanh thu tăng đều theo từng năm, trong đó doanh thu năm 2012 tăng 73% so năm 2011.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Vũ Thanh Sơn cũng cho biết, năm 2012, công ty này được hạn mức vay ngân hàng 3.000 tỷ đồng với lãi suất vay bình quân VND từ 11 đến 14%/năm. Theo đánh giá của ông Sơn, là một DN lớn, có uy tín, nên Hapro không hề gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng, thậm chí DN còn được vay tín chấp hàng chục tỷ đồng.
Gỡ rào cản vay vốn
Tuy nhiên, bên cạnh những DN luôn được ngân hàng tạo điều kiện vay vốn, vẫn còn một số lượng lớn các DN, nhất là các DN vừa và nhỏ (DNVVN), vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tín dụng này. Theo ông Vũ Thanh Sơn, hiện các DNVVN có vốn điều lệ thấp, ít tài sản để thế chấp ngân hàng thì việc tiếp cận nguồn vốn lại không hề đơn giản. Do đó, ngân hàng nên “nới” điều kiện cho vay để nguồn vốn không chỉ đến với những DN, tổng công ty lớn, mà còn có thể đến với những DNVVN.
Hơn nữa, mặc dù ghi nhận nỗ lực hạ lãi suất cho vay xuống mức 11 – 14%/năm trong bối cảnh hiện nay là một cố gắng lớn của các ngân hàng, nhưng ông Vũ Thanh Sơn cũng cho rằng, mức lãi suất này vẫn còn cao so nhu cầu của các DN. Bởi vậy, ông kiến nghị ngân hàng cần xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay xuống ngưỡng 10%/năm cho phù hợp khả năng DN hiện nay; có cơ chế “thoáng” hơn để các DN nhỏ, vốn điều lệ ít, nhưng có dự án tốt có thể tiếp cận vốn, thay vì phải thế chấp tài sản, kéo dài thêm thời gian giãn nợ đối với một số ngành hàng còn đang gặp khó khăn.
Tổng Giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn cũng chỉ ra một khó khăn khiến dòng vốn “chậm” lưu thông đó là trên thị trường hiện nay xuất hiện tâm lý “sợ cho vay – sợ đi vay” của ngân hàng và DN. Vì lẽ, hiện nay có một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo và cán bộ tín dụng của các ngân hàng lo lắng, sợ trách nhiệm (phát sinh nợ xấu) nên rụt rè trong việc quyết định các phương án cho vay của DN, khiến nhiều DN bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Mặt khác, không ít DN cũng tỏ ra ngần ngại, không dám vay vốn trong bối cảnh kinh tế khó khăn bởi họ vẫn chưa tìm thấy đầu ra cho sản phẩm, vẫn loay hoay với câu hỏi “không biết vay vốn để làm gì?”.
Cùng chung quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt 19-5 Hà Nội Ðỗ Văn Minh cho rằng, năm 2013 là một năm khó khăn với DN, nhất là những DNVVN vì không tìm được “đầu ra” cho sản phẩm, nhưng lại không thể vay vốn ngân hàng để trở lại sản xuất. Ông Ðỗ Văn Minh kiến nghị ngân hàng rà soát lại chế độ chính sách, có cơ chế để DN tiếp cận nguồn vốn nhanh hơn, điều chỉnh giảm lãi suất, kéo dài thời gian giãn nợ. Không chỉ hỗ trợ cho DN sản xuất, ngân hàng cần ưu đãi lãi suất cho vay tiêu dùng như vay mua xe, mua nhà…, vì có tiêu dùng mới có sản xuất.
Bên cạnh ý kiến của các DN, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cũng cho rằng: Mặc dù lãi suất đã được giảm nhiều lần, song vẫn còn cao so với mong muốn của DN. Thủ tục và điều kiện vay vốn vẫn còn những ràng buộc khiến một số DN thấy khó khăn khi tiếp cận vốn vay. Trong hệ thống ngân hàng nợ xấu vẫn còn cao và chưa được xử lý về cơ bản,… Do vậy, UBND thành phố Hà Nội đã có kiến nghị với NHNN cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho vay đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu về nhà ở tiếp cận được nguồn vốn tín dụng để mua nhà. Thực hiện chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho các DN tái cơ cấu lại tài chính, phục vụ sản xuất nhằm giảm các khoản nợ xấu hiện có, nhất là các DN hiện nay đang thiếu vốn lưu động do hàng hóa tồn kho nhiều (nhiều DN lượng tồn kho tăng 30-40% so cùng kỳ, tập trung ở nhóm vật liệu xây dựng và sản phẩm điện máy). NHNN phối hợp Bộ Tài chính nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi cơ chế chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNVVN tạo điều kiện bảo lãnh để các DN có thể tiếp cận được các nguồn vốn của ngân hàng. Ðồng thời các ngân hàng cần dành một nguồn vốn để cho Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho vay theo quy định của Chính phủ.
Khơi dòng tín dụng
Theo thông tin từ NHNN, tính đến cuối tháng 3-2013, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã tăng so cuối năm 2012 là 0,1%, tăng trưởng huy động vốn tăng 3,8%. Hai đầu tàu kinh tế lớn của cả nước là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng có báo cáo cho thấy tín dụng trên địa bàn đã có những tín hiệu phục hồi tăng trở lại.
Theo Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội Nguyễn Thị Mai Sương: Tính đến hết tháng 2, tổng nguồn vốn huy động đạt 857.473 tỷ đồng, trong đó, tiền gửi tiết kiệm dân cư tăng 4,69%; dư nợ đạt 616.600 tỷ đồng, chiếm 25% tổng dư nợ tín dụng của ngành cho nền kinh tế. Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh Tô Duy Lâm cũng báo cáo cho biết: Ước tính, đến cuối tháng 3-2013 tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 857,7 nghìn tỷ đồng, tăng 0,81% so tháng 2-2013 và tăng khoảng 0,26% so cuối năm 2012.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng tỏ ra lo ngại trước tình trạng huy động vốn tăng khá mạnh trong khi tín dụng tăng trưởng lại quá chậm. Theo số liệu của NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, hiện nay hệ số sử dụng vốn trung bình của các ngân hàng trên địa bàn trong ba tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 84,1%, so cuối năm 2012 là 86,1%. Trong đó, các ngân hàng thương mại cổ phần có tỷ lệ dư nợ trên tổng huy động vốn chỉ đạt 75,7%. Con số này cũng phản ánh tình trạng tín dụng huy động được vẫn đang nằm lại trong ngân hàng khá nhiều.
Như vậy, có thể thấy làm cách nào để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, khơi thông dòng vốn không chỉ là đòi hỏi cấp thiết của các DN mà còn là yêu cầu của cả hệ thống tín dụng. Trước những kiến nghị về giảm lãi suất cho vay, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, quan điểm điều hành của NHNN là dẫn dắt thị trường về thanh khoản, tỷ giá… nhằm tạo niềm tin cho xã hội, không chạy theo thị trường, bị thị trường chi phối. Với dự báo lạm phát trong năm 2013 sẽ được kiểm soát dưới mức 7%, Thống đốc cho rằng đây sẽ là tiền đề để các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp hơn. Theo nhận định của NHNN, lãi suất huy động có thể giảm thêm từ 0,5 đến 0,25%. Tuy nhiên, chính sách lãi suất cần có độ trễ, cho nên lãi suất không thể giảm ngay mà trong vòng 1,5 đến 3 tháng tới, mặt bằng lãi suất cho vay sản xuất – kinh doanh sẽ “rơi” xuống 9 – 11%/năm, các khoản vay cũ sẽ được đưa xuống dưới 13%/năm. Ðể làm được điều này, Thống đốc cũng kêu gọi các ngân hàng thương mại cần phải tiết giảm chi phí để làm cơ sở giảm lãi suất cho vay, chia sẻ với DN và nền kinh tế.
Về việc tháo gỡ khó khăn cho DNVVN, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, các ngân hàng sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho những DN có dự án kinh doanh tốt mà không cần tài sản bảo đảm. Song trước yêu cầu về “nới lỏng” điều kiện cho vay, Thống đốc cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Ngân hàng sẵn sàng cho vay với lãi suất 7 – 7,5%/năm chấp nhận hòa hoặc lỗ một chút để giữ khách hàng vay và giữ chân tiền gửi nhưng vẫn phải bảo đảm chuẩn tín dụng, dứt khoát không hạ chuẩn tín dụng.
Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()