Lưu lượng Internet Việt Nam đi quốc tế đã trở lại bình thường
Kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế đã bình thường và hoạt động của tuyến cáp ổn định. Đối tác quốc tế đã hoàn thành cấu hình lại nguồn cho toàn bộ nhánh S1 để sửa lỗi trên tuyến cáp quang biển quốc tế châu Á-Mỹ AAG tối 23/1/2018. Như vậy, thời gian hoàn tất việc sửa chữa, khắc phục sự cố trên nhánh S1 của tuyến cáp quang biển AAG đã được thực hiện sớm hơn so với kế hoạch dự kiến là ngày 25/1/2018.
Trước đó, ngày 5/1/2018, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam được các đối tác quốc tế thông báo, từ 0h ngày 6/1 đến 22 giờ ngày 7/1/2018, hệ thống cáp quang quốc tế châu Á-Thái Bình Dương APG (Asia Pacific Gateway) tiến hành di chuyển cáp tại Singapore phục vụ việc mở rộng sân bay Changi của Chính phủ Singapore. Cùng với đó, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG, đối tác quốc tế đã lên kế hoạch cấu hình lại nguồn từ ngày 6/1/2018 và dự kiến hoàn thành vào ngày 9/1/2018.
Thực tế, cáp APG đã hoàn tất việc dịch chuyển và khôi phục đường truyền sớm hơn so với kế hoạch, hoàn tất việc dịch chuyển cáp vào 15 giờ 45 ngày 6/1/2018. Còn cáp AAG, đến ngày 8/1 cũng đã khôi phục được 90%. Tuy nhiên, do phát hiện lỗi mới trên cáp nhánh S1 nên ngày 19/1, đối tác quốc tế đã thông báo lại kế hoạch thực hiện cấu hình lại nguồn cho toàn bộ nhánh S1 trên cáp biển AAG để sửa lỗi. Khi đó, thời gian dự kiến được đối tác quốc tế đưa ra là bắt đầu từ 7h00 ngày 21/1/2018 dự kiến kết thúc ngày 25/1/2018.
Tuyến cáp AAG có tổng chiều dài 20.000km và dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Được chính thức đưa vào vận hành từ tháng 11/2009, tuyến cáp quang AAG bắt đầu từ Malaysia và kết cuối tại Mỹ, với các điểm cập bờ tại Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha (Thái Lan), Tungku (Bruney), Vũng Tàu (Việt Nam), Currimao (Philippines), South Lantau (Hong Kong), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ)… Nhánh cáp AAG rẽ vào Việt Nam nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314km./.
Ý kiến ()