Lưu giữ và quảng bá văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông
Một hoạt động trong chương trình “Tết Mông xuống phố” năm 2018 của nhóm AHD.
Với những ai quan tâm tới văn hóa các dân tộc thiểu số, hẳn đã quen với nhóm AHD (Action for Hmong Development), nơi tập hợp những người trẻ là con em đồng bào dân tộc Mông đang nỗ lực đóng góp vào công cuộc bảo tồn, gìn giữ và quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Chỉ sau gần ba năm hoạt động, fanpage (kênh chia sẻ thông tin cộng đồng, kết nối người dùng) của nhóm AHD trên mạng xã hội Facebook đã thu hút gần 6.000 người thích và hơn 6.000 người theo dõi. Ở đó, dễ dàng tìm thấy những lý giải, thảo luận thú vị về nét độc đáo trong phong tục, đời sống sinh hoạt của người dân tộc Mông như: Tại sao có tục kéo vợ, những cách đưa tiễn người mất sang thế giới bên kia, những bài hát, bài thơ bằng tiếng Mông, những câu chuyện bên bếp lửa và cả những kinh nghiệm người Mông đúc kết trong lao động sản xuất hay ứng xử với môi trường. Ðây chính là diễn đàn hiếm hoi hiện có để các bạn trẻ người Mông ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung được kết nối, cùng nhau thực hành văn hóa, ngôn ngữ của chính dân tộc mình. Mạng xã hội chỉ là một trong nhiều “kênh” AHD lựa chọn để bảo vệ, lan tỏa văn hóa dân tộc.
Nói về lý do thành lập AHD, Khang A Tủa, chàng trai 9X (thế hệ sinh ra những năm 1990) đến từ Mù Cang Chải (Yên Bái) cũng là trưởng nhóm cho biết: Nhóm ban đầu có 12 thành viên là những thanh niên trẻ người Mông sinh ra ở nhiều tỉnh như Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang… cùng sinh sống và học tập tại Hà Nội. Họ tình cờ gặp gỡ khi nhận lời làm tình nguyện viên cho một dự án kéo dài sáu tháng của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường vào năm 2015. “Ðược kết nối khiến chúng tôi có cơ hội trao đổi, chia sẻ về nhiều điều trong cuộc sống, học tập và thấy cần thiết phải duy trì một không gian để thường xuyên thực hành ngôn ngữ, văn hóa dân tộc Mông. Ðây cũng là mong muốn của nhiều bạn trẻ người Mông”, Khang A Tủa chia sẻ. Thế nên, tháng 8-2015, AHD đã được thành lập và hai tháng sau đó, trang facebook của nhóm AHD chính thức ra mắt.
Khang A Tủa chia sẻ, mục đích ban đầu của nhóm chỉ là để các bạn trẻ người Mông có không gian gặp gỡ, kết nối, hỗ trợ nhau. Nhưng sau đó, họ nhận ra bản thân văn hóa truyền thống dân tộc mình cũng đang đứng trước nhiều nguy cơ mai một. Một số bạn trẻ người Mông không còn nói được tiếng dân tộc mình, những ông bố, bà mẹ trẻ không biết tìm ở đâu những câu chuyện cổ tích của người Mông để kể cho con, trong khi những sản phẩm văn hóa dân gian dần biến mất theo sự ra đi của những già làng… Vậy là bằng tất cả tâm huyết và sức trẻ, AHD nghĩ đến việc cần phải có những hoạt động thiết thực để tìm kiếm, lưu giữ và lan tỏa những giá trị đẹp trong văn hóa người Mông. Ðây là lý do sau đó hàng loạt buổi trò chuyện, giao lưu đã được AHD tổ chức với sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ; như: Talkshow “Văn hóa Mông và những điều bạn chưa biết”, Giải mã thang bậc giá trị phụ nữ Mông, Kẹo ngọt cho ai… Ðiều thú vị là tham gia những buổi trò chuyện này không chỉ có con em đồng bào dân tộc Mông mà còn có nhiều bạn trẻ người các dân tộc khác. Từ đây, nhiều nét đặc sắc về đời sống, văn hóa dân tộc Mông đã được hé mở và lý giải. Chẳng hạn, tục kéo vợ của người Mông (kéo tượng trưng chứ không phải cướp vợ như biến tướng phản cảm) chỉ xảy ra trong trường hợp trai gái thật sự yêu nhau mà gia đình không đồng ý hoặc bị thách cưới quá cao, khi đó người con trai kéo được người con gái về làm “ma nhà mình” thì phải cho cưới. Hơn nữa, người Mông cũng quan niệm dù yêu đến mấy, người con gái cũng phải được người yêu kéo về mới có giá. Trong những hoạt động mà AHD khởi xướng và tổ chức, ấn tượng nhất phải kể tới “Tết Mông xuống phố”- chương trình hằng năm mô phỏng trải nghiệm Tết truyền thống của người Mông ở giữa lòng Hà Nội thu hút sự quan tâm, tham gia của hàng nghìn người trẻ.
Mới đây nhất, giữa tháng sáu vừa qua, AHD đã cho ra mắt tuyển tập truyện cổ tích của người Mông Chuyện bên bếp lửa với phần minh họa của họa sĩ Nguyễn Thế Linh. Tập truyện giới thiệu ba tác phẩm kinh điển đại diện cho ba thể loại truyện dân gian phổ biến: Thiên nhiên và con người; lịch sử người Mông và nhân loại; lý giải các thực hành văn hóa của người Mông. Tập truyện cũng xây dựng hệ thống chú thích, phụ lục vô cùng chi tiết nhằm lý giải, phân tích những tình tiết truyện và văn bản chữ Mông để bạn đọc dễ tham khảo. Ðây là dự án được nhóm tập trung thực hiện trong suốt hơn một năm qua, khởi đầu bằng những chuyến điền dã của các thành viên về với những bản làng người Mông nằm rải rác khắp núi rừng miền bắc, tìm đến những người già nhất trong buôn làng để nghe những câu chuyện cổ tích, ghi âm lại lời kể và tiến hành sưu tầm, biên dịch. Bước đầu, tập truyện đã được in 200 bản, chia sẻ miễn phí cho những độc giả quan tâm. Nói về những khó khăn trong quá trình thực hiện, nhóm đang phải đối mặt với không ít vấn đề, đó là thực trạng mất dần những không gian văn hóa kể chuyện bên bếp lửa khi truyền hình, điện ảnh phủ sóng khắp các bản làng, cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều dị bản truyện, sự thiếu nhất quán trong phương ngữ, chữ viết… Tuy nhiên, càng nhiều khó khăn lại càng thôi thúc những người Mông trẻ tuổi quyết tìm lại những di sản văn hóa thuộc về chính mình. Ðến nay, AHD đã có trong tay khoảng 15 truyện kể dân gian và vẫn đang tiếp tục thực hiện sưu tầm, dịch, biên soạn để hoàn thành tuyển tập.
Nhiều sự kiện về văn hóa người Mông vẫn được nhóm trẻ AHD ấp ủ, lên kế hoạch thực hiện với sự hỗ trợ tích cực từ cộng đồng. Quan trọng hơn, với họ, quá trình tổ chức các hoạt động cũng là quá trình làm giàu thêm tri thức về văn hóa dân tộc trong chính mình. Và rõ ràng, qua những hành động của họ, một không gian mà những người tham gia đều quan tâm đến văn hóa người Mông đã được hình thành. Ðó chính là động lực để những bạn trẻ dân tộc Mông tiếp tục nỗ lực tìm ra những giải pháp gìn giữ, lưu truyền, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc mình trong cuộc sống hôm nay.
Theo Nhandan
Ý kiến ()