Lưu giữ nghề làm hương truyền thống
– Ngay giữa lòng thành phố Lạng Sơn, cụ thể tại khối 5,6,7 10 của phường Đông Kinh từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm hương truyền thống. Hương ở đây được người dân sản xuất quanh năm, tuy nhiên, nhộn nhịp nhất là vào thời điểm cuối năm, giáp Tết Nguyên đán. Để chuẩn bị đủ nguồn hàng đáp ứng nhu cầu của người dân, ngay từ cuối tháng 9 âm lịch hằng năm, các hộ đã bắt tay vào làm hương phục vụ tết.
Hiện tại, chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, thời điểm này, các hộ làm hương tại phường Đông Kinh đang tất bật thực hiện các công đoạn để sản xuất hương phục vụ nhu cầu dùng hương ngày tết của người dân.
NGỌC MAI
Việc sản xuất hương ở đây theo phương pháp thủ công. Nguyên liệu làm hương được người dân sử dụng từ tự nhiên như: tre, nứa, lá cây bầu hắt và nước... Sau khi mua tre, nứa về, các hộ chẻ tăm hương đều tăm tắp theo độ dài của từng loại hương rồi phơi khô để tiếp tục thực hiện những công đoạn sau
Lá cây bầu hắt (theo tiếng gọi địa phương) được các hộ làm hương phường Đông Kinh mua từ các hộ dân của xã Quảng Lạc (thành phố Lạng Sơn) và tại các huyện khác trong tỉnh với giá 6.000 đồng/kg lá tươi, 15.000 đồng/kg lá khô. Sau đó, hộ làm hương đem lá phơi khô trong khoảng 2 ngày (nếu trời nắng) rồi đem đi nghiền thành bột. Bột lá cây này có tác dụng kết dính các nguyên liệu khác trên cây hương
Tăm hương sau khi được nhúng vào nước sẽ được lăn qua lớp bột cây bầu hắt (bột màu xanh) sau đó sẽ được nhúng nước lần hai rồi lăn qua mùn cưa. Lăn tăm hương qua mùn cưa như vậy 4 đến 5 lần sẽ được que hương thành phẩm
Nghề làm hương khá vất vả bởi không chỉ đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng công đoạn mà người làm hương còn phải hứng chịu bụi bẩn từ bột lá cây bầu hắt và mùn cưa trong công đoạn lăn bột, se hương. Thế nhưng các hộ dân vẫn rất nhiệt huyết với nghề, bởi làm hương vừa giúp gia đình tăng thu nhập, nâng cao đời sống, vừa lưu giữ được nghề làm hương truyền thống
Phơi hương là công đoạn chiếm nhiều thời gian nhất, nếu trời nắng thì chỉ cần phơi một buổi là khô, nếu thời tiết âm u thì có thể mất đến 3 ngày hương mới khô
Những khoảng sân trống được người dân nơi đây sử dụng để phơi hương. Theo đó, khi hướng nắng thay đổi, người dân sẽ điều chỉnh mặt que hương để tận dụng được ánh nắng mặt trời giúp hương khô nhanh hơn và đều màu hơn
Bà Hoàng Thị Cáp, tổ 4, khối 6, phường Đông Kinh cho biết, làm hương là nghề truyền thống của gia đình bà, do vậy, từ 18 tuổi, bà đã học và làm thành thạo các công đoạn làm hương. Đến nay, bà đã có hơn 50 năm làm hương để bán. Từ làm hương, trung bình mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình bà hơn 30 triệu đồng
Để tạo màu cho chân hương, người làm hương nhúng một phần tăm hương vào phẩm màu. Để cho chân hương có màu sắc bắt mắt, người làm hương đã hòa một lượng bột màu thích hợp trong nước, nhúng chân hương vài lần rồi đem phơi khô là được que hương thành phẩm
Hương thành phẩm được người dân đếm từng que và bó thành từng bó gồm 100 que. Mỗi bó hương thành phẩm như vậy được người dân bán cho các mối buôn với giá từ 13.000 đồng đến 20.000 đồng tùy theo độ dài của que hương
Ý kiến ()