Lương y người Dao Đặng Thị Nguyệt tận tâm với nghề
– Dù còn trẻ tuổi nhưng lương y Đặng Thị Nguyệt, dân tộc Dao, sinh năm 1993, thôn Pá Lét, xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc thăm khám, bốc thuốc nam chữa bệnh. Thừa kế từ bài thuốc gia truyền 4 đời của gia đình, những năm qua, chị đã cứu hàng trăm người khỏi bệnh bằng bài thuốc dân gian của người Dao.
Chị Đặng Thị Nguyệt kiểm tra cây thuốc trước khi đóng gói
Được sự giới thiệu của Hội Đông y xã Nhất Tiến, chúng tôi đến thăm gia đình lương y Đặng Thị Nguyệt. Pha chén trà nóng mời khách, chị Nguyệt tâm sự: Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm thuốc nam nên ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã theo chân bố mẹ lên rừng hái các cây thuốc, phụ việc cho bố mẹ. Khi mới 10 tuổi, tôi đã am hiểu tường tận từng loại cây và tác dụng chữa trị của chúng đối với từng loại bệnh.
Bằng kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức được học thông qua các lớp đào tạo ngắn hạn, năm 2020, chị Nguyệt tham gia Hội Đông y xã và được cấp chứng chỉ hành nghề bốc thuốc nam. Cũng trong năm 2020, gia đình chị mở phòng khám Đông y và được Sở Y tế cấp phép hoạt động, trung bình mỗi tháng, gia đình chị đón tiếp hơn 100 lượt bệnh nhân đến phòng khám để thăm khám, điều trị. Ngoài ra, chị còn nhận gửi đơn thuốc cho khách hàng trong và ngoài tỉnh với các bài thuốc gia truyền của gia đình chữa các bệnh như: xương khớp, dạ dày, sỏi thận, gan, thuốc ngâm chân,…
Chị Nguyệt chia sẻ: Đối với tôi, người thầy thuốc phải đặt cái tâm lên trên hết thì làm nghề mới bền lâu, quan trọng nhất là chẩn đoán đúng bệnh thì mới bốc được đúng thuốc và nhanh khỏi bệnh. Bởi vì chỉ cần lấy sai một vị thuốc là đã phản tác dụng, thậm chí còn ảnh hưởng đến sức khỏe sau này.
Chị Hoàng Thị Huệ, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên là một trong hàng trăm bệnh nhân được chị Nguyệt chữa trị chia sẻ: Năm 2018, trong một lần lên huyện Bắc Sơn chơi tôi biết đến lương y Đặng Thị Nguyệt và được chia sẻ về các bài thuốc nam của người Dao. Khi đó tôi mua hộ chị hàng xóm ở gần nhà một thang thuốc chữa bệnh dạ dày và chỉ hơn một tháng sau khi sử dụng chị đã đỡ dần nhờ uống thuốc đều đặn. Còn đối với bản thân tôi bị đau xương khớp lâu năm, đi lại gặp khó khăn, đã đi khám ở nhiều bệnh viện và uống nhiều thuốc nhưng không khỏi hẳn, năm 2020, tôi mua của chị Nguyệt một liệu trình thuốc uống 21 ngày, đến nay, tôi cũng đã đỡ dần và đi lại dễ dàng hơn.
Sau mỗi lần chữa bệnh, chị Nguyệt đều rút kinh nghiệm và đưa ra phương thuốc hiệu quả nhất đối với từng bệnh nhân. Ngoài ra, để chủ động nguồn thuốc chữa bệnh và góp phần bảo tồn, gìn giữ các loại dược liệu quý, chị Nguyệt đã mang các cây thuốc quý về trồng tại vườn của gia đình. Đến nay, trong vườn thuốc của gia đình chị có khoảng 50 loại dược liệu khác nhau như: an xoa, xạ đen, trinh nữ hoàng cung… Bên cạnh đó, hằng năm chị còn chủ động tham gia từ 2 đến 3 lớp tập huấn đào tạo đông y chuyên sâu của Hội Đông y huyện, tỉnh tổ chức để nâng cao tay nghề.
Ông Dương Công Nguyên, Chủ tịch Hội Đông y xã Nhất Tiến nhận xét: Chị Đặng Thị Nguyệt là hội viên trẻ tuổi nhất của hội. Hiện nay, cơ sở khám chữa bệnh của gia đình chị Nguyệt cũng là cơ sở duy nhất trên địa bàn xã được Sở Y tế cấp phép hoạt động khám chữa bệnh, ngoài ra, từ năm 2022, gia đình chị được UBND xã hướng dẫn làm hồ sơ xây dựng sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) với sản phẩm thuốc nam người Dao. Hiện nay, gia đình chị đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ để sản phẩm được công nhận OCOP. Cùng với niềm say mê và tình yêu dành cho các cây thuốc nam, chị luôn nhiệt tình giúp đỡ các hội viên khác, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua của hội, hằng năm, chị đều được Hội Đông y huyện khen thưởng vì có nhiều thành tích trong hoạt động khám chữa bệnh.
Ý kiến ()