Lưỡng viện Mỹ đồng ý gia hạn đạo luật do thám gây tranh cãi
Sau nhiều tháng tranh cãi nảy lửa, cuối cùng thì cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ đều thông qua Đạo luật do thám tình báo nước ngoài (FISA), vốn được những người ủng hộ coi là yếu tố then chốt trong việc bảo đảm an ninh quốc gia của Mỹ.
Tờ The Guardian cho hay, tối 19-4 (theo giờ địa phương), Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc gia hạn đạo luật FISA gây tranh cãi. Trước đó một tuần, vấn đề này cũng đã được Hạ viện Mỹ nhất trí.
“Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa và Dân chủ đã cùng nhau làm điều đúng đắn vì sự an toàn của đất nước. Chúng ta đều biết rằng, việc để FISA hết hạn là điều nguy hiểm. Đó là một phần quan trọng đối với an ninh quốc gia của nước Mỹ, nhằm ngăn chặn các hành động khủng bố, buôn ma túy và chủ nghĩa cực đoan bạo lực”, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer hồ hởi thông báo sau cuộc bỏ phiếu. Ông Schumer đánh giá quá trình gia hạn FISA không hề dễ dàng bởi có nhiều ý kiến khác nhau, đồng thời gửi lời cảm ơn các đồng nghiệp ở Thượng viện Mỹ đã cùng nhau thông qua việc gia hạn FISA.
The Guardian cho biết thêm, FISA đã đối mặt với những ý kiến chỉ trích từ một số nhà lập pháp thuộc cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa. Theo quan điểm của các nhân vật này, Điều khoản 702 trong đạo luật FISA cho phép Chính phủ Mỹ thu thập thông tin của những công dân nước ngoài ở bên ngoài lãnh thổ Mỹ mà không cần sự phê chuẩn của tòa án.
Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ nhiều khi thu thập cả dữ liệu của các công dân Mỹ liên lạc với những người bị theo dõi và do vậy sẽ vi phạm quyền riêng tư của người dân. Đây cũng là lý do khiến trong vòng 5 tháng qua, việc gia hạn FISA đã bị các nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ ngăn chặn tới 3 lần và chỉ được Hạ viện thông qua hồi tuần trước với 273 phiếu thuận và 147 phiếu chống.
Theo thỏa thuận đạt được giữa các nghị sĩ Cộng hòa và Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, FISA chỉ được gia hạn hai năm chứ không phải 5 năm như đề nghị ban đầu. Đảng Cộng hòa lý giải rằng việc chỉ gia hạn FISA thêm hai năm nhằm giúp cựu Tổng thống Donald Trump có thể xem xét lại đạo luật này nếu ông đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Bản thân ông Trump mới đây cũng kêu gọi các nghị sĩ Cộng hòa ngăn chặn việc gia hạn FISA do cho rằng đạo luật này bị lợi dụng để theo dõi chiến dịch tái tranh cử tổng thống của ông.
Trên thực tế, còn một điểm sửa đổi liên quan tới việc xin lệnh của tòa án trong một số tình huống Chính phủ Mỹ muốn thu thập thông tin của các công dân nước ngoài ở bên ngoài lãnh thổ Mỹ, song điểm sửa đổi này đã không được Hạ viện thông qua. Nhà Trắng và một số quan chức tình báo cho rằng việc phải xin lệnh của tòa án sẽ “làm hỏng” FISA và khiến nước Mỹ không thể phát hiện các nguy cơ khủng bố cũng như các rủi ro đối với an ninh quốc gia.
Sau khi được cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua, dự luật gia hạn FISA sẽ được chuyển tới đương kim Tổng thống Joe Biden ký ban hành.
Mặc dù vậy, đến nay vẫn còn một số nhân vật phản đối việc gia hạn FISA. Họ bày tỏ lo ngại rằng Điều khoản 702 trong đạo luật FISA sẽ tạo điều kiện cho tình trạng lạm dụng luật pháp, khiến quyền của người dân Mỹ bị xâm phạm ngay trên đất Mỹ.
Ý kiến ()