LSO-Lương Văn Tri sinh ngày 17-8-1910 (ngày 13 tháng 7 năm Canh Tuất 1910) tại làng Bản Hẻo, xã Mĩ Liệt, tổng Mĩ Liệt, châu Điềm He, tỉnh Lạng Sơn (nay là xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) trong một gia đình nông dân thuần phác, dân tộc Tày. Bố Lương Văn Tri là ông Lương Lợi Tiên, mẹ Lương Văn Tri là bà Hoàng Thị Liềm đều là nông dân cần cù, chất phác.Năm 1917, lên 7 tuổi, khi mẹ mất 1 năm, Lương Văn Tri đã được đi học trường làng. Thời đó, 7 tuổi đi học là được học sớm. Cũng thời đó, gọi là trường làng nhưng thực ra chỉ là một lớp học của dăm bẩy học trò cùng lứa, học tại nhà do mấy gia đình quyên góp tiền nuôi thầy giáo dạy chữ nghĩa cho con mình. Năm đầu, Tri học chữ Hán – Nôm. Năm sau, Tri cùng các bạn học thêm chữ Quốc ngữ. Thông minh từ bé lại chăm học, Tri học giỏi, nhất là môn toán. Tri viết chữ nắn nót và giữ gìn sách vở sạch sẽ. Không chỉ chăm học, Tri còn chăm chỉ...
LSO-Lương Văn Tri sinh ngày 17-8-1910 (ngày 13 tháng 7 năm Canh Tuất 1910) tại làng Bản Hẻo, xã Mĩ Liệt, tổng Mĩ Liệt, châu Điềm He, tỉnh Lạng Sơn (nay là xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) trong một gia đình nông dân thuần phác, dân tộc Tày. Bố Lương Văn Tri là ông Lương Lợi Tiên, mẹ Lương Văn Tri là bà Hoàng Thị Liềm đều là nông dân cần cù, chất phác.
Năm 1917, lên 7 tuổi, khi mẹ mất 1 năm, Lương Văn Tri đã được đi học trường làng. Thời đó, 7 tuổi đi học là được học sớm. Cũng thời đó, gọi là trường làng nhưng thực ra chỉ là một lớp học của dăm bẩy học trò cùng lứa, học tại nhà do mấy gia đình quyên góp tiền nuôi thầy giáo dạy chữ nghĩa cho con mình. Năm đầu, Tri học chữ Hán – Nôm. Năm sau, Tri cùng các bạn học thêm chữ Quốc ngữ. Thông minh từ bé lại chăm học, Tri học giỏi, nhất là môn toán. Tri viết chữ nắn nót và giữ gìn sách vở sạch sẽ. Không chỉ chăm học, Tri còn chăm chỉ lao động chân tay, giúp bố mẹ làm vườn, gánh nước, lấy củi, chăn trâu. Khi đi chăn trâu, Tri thường cho em Hành hoặc em Nhàn (em cùng cha khác mẹ) đi theo hái sim, chơi trò ú tim trên đồi. Không ham mê trò chơi đánh khăng, đánh cù như bạn bè, Tri ham mê cung nỏ, nhảy cao, nhảy xa, chọi chim, chọi dế mèn và chơi trò đánh trận giả. Tri giao ước, chơi trò đánh trận giả, bạn nào thua thì bị bắt làm tù binh, phải canh không cho trâu ăn lúa, ngô, chiều đó phải lùa cả đàn trâu về làng. Được Tri cầm đầu, các bạn Tri rất thích trò chơi này. Vui chơi như vậy nhưng Tri không sao nhãng việc học.
|
ĐVTN ghi cảm tưởng tại Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri Ảnh: Bảo Vy |
Sau 3 năm học trường làng, Lương Văn Tri cùng các bạn Lương Văn Khai, Nông Văn Châu, Bế Văn Hợp, Bế Hữu Ích rời xã nhà, vượt đèo, qua suối, ra châu Điềm He cách nhà tới 20 km, học trường huyện. Lớp Tri học có khoảng 20 học trò, trong đó, xã Mĩ Liệt có 5 học trò. Vẫn chăm học, ngoài giờ học trên lớp, Tri ít khi đi chơi mà miệt mài, chăm chú học. Vẫn học giỏi, Tri tận tình giúp bạn cùng lớp, nhất là các bạn cùng quê Mĩ Liệt giải toán, làm văn. Sau 2 năm chăm học và học giỏi, Tri đỗ thủ khoa, môn Toán Pháp, Quốc ngữ, tiếng Pháp đều đạt điểm giỏi. Với kết quả này, Tri được gọi nhập học trường Tiểu học Pháp – Việt Lạng Sơn tại thị xã Lạng Sơn.
Ngày 4-8-1924 (ngày mồng bốn tháng bẩy năm Giáp Tý 1924), đang còn tang ông, Lương Văn Tri vái vong linh ông rồi lên đường ra tỉnh học, được bố Lương Lợi Tiên dẫn đến tận trường Tiểu học Pháp – Việt Lạng Sơn nhập học. Tại trường này, Lương Văn Tri và Hoàng Văn Thụ cùng học một lớp, hai anh đều học giỏi. Các bài kiểm tra của hai anh đều được phê là tốt hoặc rất tốt. Khi trọ học ở nhà bà Tài Chu, số 37 phố Chính Cai, Kỳ Lừa, ngoài giờ học, hai anh tranh thủ giúp việc nhà bà Tài Chu, kèm cặp dạy chữ cho hai anh em Quang Hồng, Quang Hòa, con bà Tài Chu. Thấy Lương Văn Tri và Hoàng Văn Thụ đều chăm học, chăm làm, học giỏi, bà Tài Chu rất mến hai anh. Đã có lần bà Tài Chu nói với Lương Văn Tri rằng: “Tôi sẽ về Hải Phòng mở một hiệu buôn, anh làm kế toán cho tôi, lời lãi chúng ta chia nhau”. Không làm theo lời đề nghị của bà Tài Chu, Lương Văn Tri chọn hướng đi của cuộc đời mình theo con đường cách mạng. Tại thị xã Lạng Sơn, năm 1924, 1925 đã xuất hiện luồng không khí yêu nước, chống thực dân Pháp. Không khí ấy cuốn hút học sinh, trong đó có Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Tri quan tâm tìm hiểu, tham gia hoạt động yêu nước. Sau tiếng bom vang dội của người thanh niên yêu nước Phạm Hồng Thái mưu giết tên toàn quyền Méc – Lanh ở Sa Điện, Quảng Châu, Trung Quốc cuối năm 1924, các phong trào đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Phan Bội Châu năm 1925 và để tang chí sĩ Phan Chu Trinh năm 1926 đã dấy lên phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Là những học sinh mẫn cảm, nhận biết những chuyển biến mới mẻ của tình hình, sau khi tham gia phong trào đấu tranh của thanh niên học sinh do Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội tổ chức tại thị xã Lạng Sơn, Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Tri cùng các bạn học của mình đã tổ chức nhóm thanh niên yêu nước trong trường Tiểu học Pháp – Việt Lạng Sơn. Kỳ nghỉ hè 1926, Lương Văn Tri và Hoàng Văn Thụ đã đi tầu hỏa về Hà Nội để bắt liên lạc với các tổ chức yêu nước, cách mạng. Tại Hà Nội, hai anh gặp Hoàng Đình Giong (dân tộc Tày, quê Hòa An, Cao Bằng) là học sinh trường Bách Nghệ Hà Nội đã tham gia Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Hai anh được Hoàng Đình Giong tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, khuyên nên tìm đường sang Trung Quốc dự các lớp huấn luyện của tổ chức thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Kỳ nghỉ hè 1927, rời trường tiểu học Pháp – Việt Lạng Sơn, hai anh về quê Nhân Lý, Văn Uyên và Mĩ Liệt, Điềm He. Sau đó, ngày 2-12-1927 (mùng 9 tháng 11 năm Đinh Mão 1927) Lương Văn Tri và Hoàng Văn Thụ tạm biệt gia đình, người thân lên đường, dấn thân vào con đường cách mạng.
Năm nay, kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lương Văn Tri (17-8-1910 – 17-8-2010), ôn lại thời học sinh trường làng, trường huyện, trường tỉnh của Lương Văn Tri, nhân dân Lạng Sơn, nhất là tuổi trẻ Lạng Sơn chúng ta noi gương Lương Văn Tri chăm làm, chăm học, học giỏi, đoàn kết, thương yêu, tận tình giúp đỡ bạn, càng nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, xứng đáng là người kế tục sự nghiệp cách mạng của các thế hệ cha ông, của đồng chí Lương Văn Tri, xây dựng quê hương Lạng Sơn giầu đẹp, văn minh.
Trung Thành
Ý kiến ()