Lương tối thiểu tăng nhanh hơn năng suất lao động
Theo tính toán từ bộ số liệu Điều tra doanh nghiệp (DN), trong giai đoạn 2004 - 2009, lương trung bình tăng chậm hơn năng suất lao động. Tuy nhiên, từ năm 2009, tốc độ tăng lương trung bình vượt tốc độ tăng năng suất lao động.
Đây là kết quả báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra tại Hội thảo “Tăng trưởng tiền lương và Năng suất lao động ở Việt Nam” diễn ra sáng 13-9, tại Hà Nội.
Việt Nam đã chứng kiến mức tăng lương tối thiểu tương đối nhanh trong những năm qua. Cụ thể, tăng ở mức trung bình hằng năm đạt hai con số trong giai đoạn 2007 – 2015, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng.
Trong giai đoạn này, tốc độ tăng lương tối thiểu cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Cụ thể, tỷ lệ lương tối thiểu trên năng suất lao động tăng nhanh, từ 25% (năm 2007) đạt mức 50% (năm 2015). Xu hướng này không giống các quốc gia khác như: Trung Quốc, Indonesia hay Thái-lan. Khoảng cách giữa tăng trưởng lương tối thiểu và tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam đã dãn rộng nhanh hơn so với các quốc gia khác.
Từ năm 2007 – 2015, lương trung bình tại Việt Nam tăng 1,5 lần (mức tăng là hai lần trong giai đoạn 2004 – 2015). Lương trung bình tăng nhanh đến năm 2010 nhưng chậm lại đáng kể trong giai đoạn 2010 – 2014, phần nào phản ánh sự suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Về mối quan hệ giữa lương trung bình và năng suất lao động tại Việt Nam, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết, trong giai đoạn 2004 – 2015, năng suất lao động của Việt Nam tăng đáng kể với mức tăng trung bình đạt 4,4%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân của lương (5,8%) vượt tốc độ tăng năng suất lao động.
Nhìn chung, xét về tổng thể nền kinh tế, tăng lương tối thiểu dẫn đến tăng lương trung bình, giảm việc làm và lợi nhuận. Trung bình, lương tối thiểu tăng 1% có thể khiến lương trung bình tăng 0,32% và lao động giảm 0,13%. Ngoài ra, khi lương tối thiểu tăng 100%, tỷ lệ lợi nhuận (đo bằng lợi nhuận trên doanh thu) sẽ giảm 2,3 điểm phần trăm. Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể về tác động của tăng lương tối thiểu đối với các thành phần kinh tế, phản ánh sự khác nhau về quy mô của thị trường lao động và năng lực công nghệ cũng như năng lực tài chính của các khối DN, nhằm đối phó với sự gia tăng các chi phí lao động.
Ngoài ra, phân tích ở mức độ DN với trọng tâm là các DN tư nhân và FDI trong các ngành chế biến chế tạo, TS Nguyễn Tiến Dũng, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) chỉ ra rằng, tăng lương tối thiểu làm giảm việc làm trong tất cả các ngành công nghiệp. DN có quy mô lớn (thể hiện qua số lượng lao động nhiều hơn) thì cắt giảm việc làm nhiều hơn. Về đầu tư máy móc, khi mức lương tối thiểu tăng, các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như: dệt may, sản phẩm gỗ và nội thất có xu hướng thay thế lao động bằng máy móc, trong khi các ngành công nghiệp thâm dụng vốn như: điện tử và sản xuất máy móc lại giảm đầu tư máy móc. Điều này cho thấy, DN chỉ tiếp tục mở rộng sản xuất và đầu tư máy móc (để thay thế lao động) trong những ngành Việt Nam đang có lợi thế so sánh tĩnh. Còn với một số ngành quan trọng khác, DN có thể không mở rộng vì lo ngại giá lao động sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, do đó mất đi lợi thế so sánh.
Trước thực trạng này, nhiều khuyến nghị được đưa ra như GS Kenechi Ohno, Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS) nhấn mạnh, phải có cơ chế xác định lương tối thiểu phù hợp với sự gia tăng của năng suất lao động. Không nên coi chính sách lương tối thiểu là chính sách phúc lợi xã hội; đề xuất phải có cơ quan hay viện nghiên cứu đánh giá tác động của lương tối thiểu tới nền kinh tế.
PGS, TS Hồ Đình Bảo, Trường đại học Kinh tế Quốc dân khuyến nghị, thông điệp quan trọng nhất là làm thế nào để cải thiện năng suất lao động của Việt Nam. Báo cáo tiếp cận từ góc độ của DN nhiều hơn so với góc độ của người lao động cũng như cơ quan hoạch định chính sách, nếu chúng ta có đánh giá từ nhiều khía cạnh sẽ thuyết phục hơn. Đồng tình với thông điệp của báo cáo đưa ra, PGS, TS Hồ Đình Bảo cho rằng, việc đưa ra các giải pháp cải thiện năng suất lao động Việt Nam mới là điều căn bản. Bản thân chính sách tiền lương tối thiểu là hướng đến xã hội. Đánh giá tác động của tiền lương tối thiểu cần nhìn ở nhiều góc độ khác nhau.
Ngoài ra, tại Hội thảo, các chuyên gia cũng khuyến nghị, Hội đồng tiền lương quốc gia nên có sự tham gia của các chuyên gia, có chuyên môn sâu về kinh tế vĩ mô và kinh tế lao động, có khả năng đánh tác động của mức lương tối thiểu đối với việc làm, thu nhập trước/sau khi điều chỉnh lương tối thiểu. Điều này khá phổ biến tại một số quốc gia trong khu vực, như: Nhật Bản, Indonesia, Malaysia…
Theo Nhandan
Ý kiến ()