Phát biểu ý kiến tại cuộc họp báo thường ngày tại Viên (Áo), ông G.An-đru cho biết, hiện tại ở lò phản ứng hạt nhân số 1, số 2 và số 3 của nhà máy, mà phần lõi đã hư hỏng sau một loạt vụ nổ và cháy sau trận siêu động đất và sóng thần tuần trước, 'có vẻ tương đối ổn định' và đây là một dấu hiệu khả quan. Tuy nhiên, ông cho rằng, vẫn còn quá sớm để khẳng định điều gì đó lạc quan về sự cố này. Theo Roi-tơ ngày 18-3, ông Grê-gô-ri Giắc-cô, người đứng đầu Ủy ban điều chỉnh hạt nhân của Mỹ cho biết, phải mất nhiều tuần mới làm lạnh được các lò phản ứng hạt nhân ở Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma.
Tổng Giám đốc IAEA Y. A-ma-nô ngày 17-3 đã tới Nhật Bản để đánh giá tình hình và ông cho biết, khi trở lại Viên sẽ triệu tập cuộc họp đặc biệt Ban Giám đốc gồm 35 thành viên, dự kiến được tổ chức vào ngày 21 hoặc 22-3, để báo cáo và đánh giá sự cố hạt nhân ở Nhật Bản.
* Sáng 18-3, khói trắng hoặc hơi nước lại bốc lên từ lò phản ứng hạt nhân số 2. Cơ quan an toàn công nghiệp và hạt nhân Nhật Bản (NISA) cho biết, hiện tượng này có thể xuất phát từ bể chứa các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng hoặc từ một vụ nổ tại khoang điều áp. Công ty điện lực Tô-ki-ô (TEPCO) cho biết, các công nhân đang lắp dây cáp để khôi phục hệ thống cung cấp điện cho các hệ thống làm mát lò phản ứng hạt nhân. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản chuẩn bị nước bơm thêm vào các lò phản ứng bằng máy bay trực thăng và xe cứu hỏa. Theo NISA, lượng phóng xạ gần Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma đang có dấu hiệu giảm sau hàng loạt biện pháp được thực hiện nhằm làm mát các lò phản ứng hạt nhân.
* Bộ Ngoại giao Pháp cho biết, ngày 17-3 nước này đã điều một máy bay chở khoảng 100 tấn a-xít bo-rích, chất hạn chế tốc độ của quá trình phân hạch hạt nhân, cùng các thiết bị phòng hộ gồm 10 nghìn bộ quần áo, 20 nghìn găng tay và 3.000 mặt nạ tới giúp Nhật Bản xử lý sự cố ở Nhà máy Phư-cư-si-ma. Tập đoàn hạt nhân Areva và Tập đoàn năng lượng Pháp EDF đã dùng một máy bay chở các mặt hàng nói trên tới Nhật Bản. EDF cũng đang chuẩn bị cử các nhóm chuyên gia và gửi nguyên vật liệu tới hỗ trợ Công ty điện lực Tô-ki-ô (TEPCO), điều hành Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma. Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ cử chín chuyên gia tới Nhật Bản để giúp giải quyết sự cố hạt nhân và tiếp tục hợp tác với Nhật Bản, trong đó có thể xem xét triển khai thêm quân đội và nhân viên nếu cần thiết. Liên minh viễn thông quốc tế (IUT) đã gửi khẩn cấp các thiết bị viễn thông đến các khu vực bị tác động nghiêm trọng của động đất và sóng thần, triển khai khẩn cấp 78 thiết bị điện thoại vệ tinh Thuraya với công nghệ định vị toàn cầu, 13 thiết bị điện thoại vệ tinh Iridium và 37 thiết bị điện thoại Inmarsat băng rộng. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã khởi động hệ thống phản ứng khẩn cấp về môi trường để giám sát hướng gió và dòng chất phóng xạ thoát ra từ lò phản ứng hạt nhân bị hư hại ở Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư- si-ma. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã triển khai các chuyên gia tới những khu vực gặp thảm họa để tiến hành công tác cứu trợ khẩn cấp. WFP đã chuyển 60 nghìn chăn, nước uống, lương thực, thiết bị vệ sinh, thiết bị sưởi ấm đến các nạn nhân ở những khu vực nói trên. Nhóm đặc nhiệm của LHQ gồm các chuyên gia của Cơ quan phối hợp và đánh giá thảm họa và Cơ quan phản ứng trợ giúp khắc phục thảm họa của Mỹ đã đến các khu vực bị tác động của thảm họa để đánh giá thiệt hại tại chỗ và lập các phương án trợ giúp. Nhóm các nền kinh tế phát triển (G-7) đã nhất trí phối hợp can thiệp thị trường tiền tệ Nhật Bản lần đầu trong hơn mười năm qua, nhằm ngăn chặn tình trạng đồng yên tăng giá sau thảm họa động đất và sóng thần.
* Theo số liệu của Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản, tính đến ngày 18-3, số người chết trong trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản là 6.405 và 10.259 người mất tích.
Ý kiến ()