Lương Năng: Bức xúc vì điện năng
LSO-Dọc theo quốc lộ 1B, Lương Năng là xã cuối cùng của huyện Văn Quan, giáp với huyện Bình Gia. Đây là địa phương mới thoát khỏi danh sách vùng III được vài năm trở lại đây nên còn rất nhiều khó khăn. Trong đó vấn đề điện năng hiện đang là nỗi bức xúc của rất nhiều người dân.
LSO-Dọc theo quốc lộ 1B, Lương Năng là xã cuối cùng của huyện Văn Quan, giáp với huyện Bình Gia. Đây là địa phương mới thoát khỏi danh sách vùng III được vài năm trở lại đây nên còn rất nhiều khó khăn. Trong đó vấn đề điện năng hiện đang là nỗi bức xúc của rất nhiều người dân.
Anh Dương Văn Viên, người thôn Bản Đú ngán ngẩm trước lưới điện hạ thế đã xuống cấp |
Anh Lộc Văn Cơ, Phó chủ tịch UBND xã Lương Năng cho biết: năm 1996, xã đã được các cấp, ngành quan tâm đầu tư xây dựng đường điện trung thế và 1 trạm biến áp 50kVA. Tuy nhiên, do một số khó khăn, xã chưa được đầu tư đường điện hạ thế 0,4kV. Dù vậy, trước nhu cầu thiết yếu về điện trong đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng như trong phát triển kinh tế xã hội, một số bà con ở quanh khu vực trạm biến áp đã tự vận động nhau đóng góp mỗi hộ trung bình từ 400- 800 nghìn đồng một số tiền tương đối lớn lúc bấy giờ- để mua cây làm cột, mua dây điện, xà sứ, công tơ… để tự kéo điện về dùng. Mặc dù vậy, do chỉ có 1 trạm biến áp công suất nhỏ nên chỉ có 3 thôn: Bản Đú, Bản Téng, Nà Thang ở gần trạm biến áp nhất là kéo được điện với khoảng trên 100 hộ được dùng điện, còn 4 thôn: Bản Chàu, Pá Hà, Nà Lượt, Bản Kình với khoảng 120 hộ dân dù muốn cũng không thể kéo được điện do ở quá xa trạm biến áp.
Đường trục hạ thế 0,4kv trên địa bàn xã đều do bà con tự đóng góp tiền để xây dựng nên hệ thống cột, đường dây, xà, sứ đều không đảm bảo chất lượng. Mặt khác, lưới điện này được xây dựng cũng đã lâu, lại không được đầu tư nâng cấp nên đã xuống cấp trầm trọng. Do 100% vị trí cột trên lưới hạ thế đều là cột gỗ nên đến nay nhiều vị trí cột đã bị mục nát hoặc đổ nghiêng, có vị trí lại không đủ độ cao cần thiết nên rất nguy hiểm trong quản lý vận hành. Tuy nhiên, điều đáng nói nhất là chất lượng điện năng ở đây rất kém. Những hộ ở cuối lưới hạ thế ngay cả ban ngày cũng khó mà xem được ti vi. Anh Dương Văn Viên, người thôn Bản Đú cho biết: ban đêm, hoặc ban ngày (giờ thấp điểm- PV) mới xem được ti vi chứ buổi tối điện còn không sáng được, dù chúng tôi chỉ thắp bóng tiết kiệm 15V, rất khó khăn cho sinh hoạt của người dân cũng như học hành của trẻ nhỏ. Vừa chỉ tay vào góc nhà, nơi có hàng chục chiếc bóng điện cũ nằm chỏng trơ, anh vừa phân trần: do điện yếu nên bóng điện thường xuyên bị cháy, không chỉ riêng nhà tôi mà hàng xóm quanh đây, nhà ai cũng có hàng chục, thậm chí vài chục bóng điện hỏng vì điện áp thấp, ảnh hưởng đến tuổi thọ của bóng. Ngoài ra, chuyện tivi, đầu đĩa hay các vật dụng khác cháy do điện áp yếu cũng là “chuyện thường ngày”.
Chúng tôi đã đem việc điện thiếu và yếu ở xã Lương Năng trao đổi với đại diện của ngành điện và một số cơ quan chức năng hữu quan khác thì được biết: chuyện điện yếu và thiếu tại xã Lương Năng đã tồn tại từ hơn chục năm nay. Sau khi ngành điện tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn đã xây dựng kế hoạch cải tạo lưới điện hạ thế tại xã, hiện đang trong giai đoạn triển khai thi công với tổng vốn đầu tư khoảng 1,4 tỉ đồng. Đối với các thôn chưa có điện, UBND tỉnh đã có Quyết định 1569-QĐ/UBND ngày 21/10/2013 về phê duyệt báo cáo kinh tế- kỹ thuật xây dựng công trình cấp điện các thôn thuộc xã Lương Năng, huyện Văn Quan với tổng vốn đầu tư khoảng gần 14,9 tỉ đồng. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015, khi đó 100% số thôn trong xã Lương Năng sẽ có điện.
HOÀNG HUY
Ý kiến ()