Lương làm thêm giờ cần tính lũy tiến
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. |
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất tăng khung giờ làm thêm lên 400 giờ/năm, bỏ quy định giới hạn làm thêm giờ theo tháng. Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đồng ý với đề xuất này nhưng nhấn mạnh, người lao động phải được tính tiền lương làm thêm giờ theo phương pháp lũy tiến. Điều này giúp người lao động làm thêm giờ nhiều phải được hưởng lợi ích nhiều hơn.
Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về đề xuất tăng khung giờ làm thêm lên 400 giờ/năm trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) như đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mới đây?
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam: Đề xuất tăng thời gian làm thêm của người lao động là vấn đề cần phải xem xét kỹ lưỡng. Thực ra, xu hướng của thế giới hiện tại, cùng với sự phát triển là giảm giờ làm, giảm làm thêm giờ. Thí dụ, tại Hàn Quốc, trong tháng 2 vừa qua, Quốc hội nước này thông qua luật nhằm giảm giờ làm việc của người lao động. Theo đó, thời gian làm thêm trong một tuần trước đây ở nước này là 68 giờ, giờ giảm xuống còn 52 giờ.
* Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến vào kỳ họp thứ bảy (họp vào tháng 5 năm 2019) và thông qua tại kỳ họp thứ tám (họp tháng 10 năm 2019). |
---|
Tuy nhiên, ở Việt Nam, Bộ luật Lao động hiện hành đã quy định: Thời gian làm thêm giờ một ngày không quá 12 tiếng; một tháng không quá 30 giờ; một năm không quá 200 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nhiều doanh nghiệp cho rằng, quy định giới hạn giờ làm thêm của Việt Nam như vậy thấp, ảnh hưởng tới doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp gia công, chế biến xuất – nhập khẩu, khiến họ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động.
Tôi cho rằng, việc xem xét tăng giờ làm thêm từ thực tiễn cũng phải cân nhắc kỹ, vì làm thêm giờ tác động đến rất nhiều yếu tố. Đó là sức khỏe của người lao động, việc làm – thất nghiệp, tai nạn lao động, vấn đề kinh tế – xã hội. Làm thêm giờ nhiều khiến người lao động không có điều kiện chăm sóc gia đình, cũng gây ra những vấn đề xã hội khác. Điều này kéo theo một loạt những hệ lụy, chứ không đơn giản chỉ là nhu cầu làm thêm giờ của người lao động, nâng cao thu nhập như một số ý kiến đã nêu. Vấn đề này rõ ràng liên quan đến cả đời sống, tiền lương của người lao động.
Chúng tôi đồng ý nới giới hạn mức trần làm thêm giờ, có thể lên mức 400 giờ một năm như đề xuất trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi lần này. Tuy nhiên, người lao động phải được tính tiền lương làm thêm giờ theo phương pháp lũy tiến. Có nghĩa là, càng làm thêm giờ nhiều, người lao động phải được hưởng lợi ích nhiều hơn từ việc làm thêm giờ đó. Cùng với đó, khi huy động làm thêm giờ, doanh nghiệp cũng phải hết sức cân nhắc để có mức huy động người lao động cần thiết. Bản chất của làm thêm giờ là giải quyết những công việc cấp bách, đột xuất, không có kế hoạch trước. Tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chế độ làm thêm giờ để giảm chi phí sản xuất. Thí dụ, họ không tuyển dụng thêm lao động, chỉ tăng làm thêm giờ, để giảm các chi phí khác. Có tình trạng một loạt doanh nghiệp làm thêm giờ quanh năm, tháng nào cũng làm thêm giờ thì đó không phải là bản chất của làm thêm giờ.
Xin nhấn mạnh, đồng ý tăng giờ làm thêm đi cùng điều kiện tính lương cho người lao động theo phương pháp lũy tiến. Thí dụ, ngoài ngày làm việc bình thường, giờ làm thêm thứ nhất tính bằng 150%, nhưng huy động giờ thứ hai, phải tính 200%, giờ thứ ba tăng hơn nữa. Hoặc cũng có thể tính quy định sàn hiện nay là 200 giờ. Nếu trong năm, người lao động làm thêm 200 giờ trong ngày thường. Nhưng, nếu doanh nghiệp huy động hơn 200 giờ, phải tính mức cao hơn. Thí dụ, từ mức 200 đến 300 giờ thì phải tính 200% vào ngày thường. Từ 300 đến 400 giờ, tức là mức trần, phải tính cao hơn nữa. Điều này giúp người lao động làm thêm giờ cũng được hưởng lợi, và doanh nghiệp cũng phải cân nhắc hết sức mới huy động làm thêm giờ cao. Đó là quan điểm của cá nhân tôi.
Phóng viên: Ông có đề cập tới việc người lao động muốn làm thêm giờ để tăng thu nhập. Vậy ông có nắm được mức thu nhập từ làm thêm giờ của người lao động hiện nay không, thưa ông?
Ông Lê Đình Quảng: Năm vừa qua, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có thực hiện một khảo sát. Qua đó thấy một thực tế là, hầu hết người lao động đều làm thêm giờ, với mức thu nhập bình quân từ giờ làm thêm là gần một triệu đồng mỗi tháng. Đáng tiếc, đa số người lao động phải làm thêm giờ thì mới đủ trang trải cuộc sống.
Nhìn thấy thực tế này, chúng tôi rất băn khoăn. Đa số người lao động cho hay, nếu không làm thêm giờ, chỉ làm việc theo giờ cơ bản, thu nhập của họ không đủ trang trải cuộc sống. Cho nên, người lao động phải làm thêm giờ để trang trải cuộc sống. Điều này không giống như một số nước khác, tiền làm thêm giờ là tiền lương thực sự người lao động có thể tích lũy được. Đây là vấn đề cần giải quyết.
Phóng viên: Ông có thể thông tin thêm về phạm vi và đối tượng của khảo sát này như thế nào?
Ông Lê Đình Quảng: Chúng tôi đi khảo sát tại 150 doanh nghiệp ở 25 tỉnh, thành phố, và lấy phiếu khảo sát hơn 3.000 người lao động. Kết quả từ khảo sát cho thấy, mức thu nhập bình quân của người lao động là gần 6 triệu đồng, đạt khoảng 5,8 triệu mỗi tháng. Mức lương được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) là lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Chủ yếu hiện nay, doanh nghiệp đóng BHXH theo lương tối thiểu. Khi tăng lương tối thiểu, mức đóng BHXH cũng tăng. Doanh nghiệp sợ tăng lương tối thiểu bởi họ phải tăng chi phí đóng BHXH.
Phóng viên: Vậy theo ông, giải pháp nào hài hòa nhất để bảo đảm quyền lợi của cả hai bên trong việc tăng thời gian làm thêm?
Ông Lê Đình Quảng: Dưới góc nhìn cá nhân của tôi, phương án hài hòa là bỏ giới hạn làm thêm giờ trong tháng. Hiện nay, Bộ luật Lao động 2012 quy định giới hạn làm thêm 30 giờ trong một tháng. Nhưng trong thực tế sản xuất của doanh nghiệp, nhiều khi vào mùa vụ, có những đơn hàng cần hoàn thành trong thời gian nhất định nên phải huy động người lao động làm thêm giờ.
Với doanh nghiệp sản xuất bánh trung thu chẳng hạn, họ cần tăng khối lượng sản xuất trong một khoảng thời gian ngắn, nên cần người lao động làm thêm giờ. Còn khi hết mùa trung thu, doanh nghiệp sẽ bớt nhu cầu sản xuất. Do đó, quy định làm thêm 30 giờ tối đa một tháng gây khó. Trên thế giới, các quốc gia có giới hạn làm thêm giờ trong tháng cũng không nhiều. Thí dụ, khảo sát hơn 100 trong số 152 nước, chỉ hơn 30 quốc gia có giới hạn giờ làm thêm trong tháng. Tôi nghĩ, nên bỏ quy định này, mặc dù nó bảo vệ rất tốt cho người lao động, tránh việc doanh nghiệp huy động người lao động làm thêm giờ quá nhiều.
Thứ hai, có thể tăng giới hạn làm thêm giờ lên 400 giờ mỗi năm. Mức quy định hiện nay là 200 giờ trong một năm. Tôi biết, điều này đi ngược với xu hướng giảm giờ làm việc của thế giới, nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, tăng giờ làm thêm với điều kiện tiền lương cho người lao động khi làm thêm giờ phải tính theo mức lũy tiến. Càng làm thêm giờ người lao động càng phải được hưởng cao. Chúng tôi nghĩ đó là cách làm hài hòa cả hai bên.
Phóng viên: Và theo ông, cần những giải pháp như thế nào để ngày càng nâng cao đời sống của người lao động?
Ông Lê Đình Quảng: Người lao động làm việc trong doanh nghiệp vất vả lắm. Sáng sớm, họ đã phải dậy đi làm, tối khuya mới về nhà vì phải làm thêm giờ. Về nhà thì mệt, nghỉ một chút rồi đi ngủ luôn. Sáng mai lại đi làm, quy trình đó cứ lặp đi lặp lại, khiến họ không có nhiều thời gian dành cho bản thân và gia đình.
Một số nước quy định giờ làm việc chính thức rất thấp, chỉ 40 giờ/tuần. Trong khi, chúng ta đang quy định làm việc 48 giờ/tuần. Ngày nghỉ lễ của họ cũng nhiều hơn. Giờ làm việc chính thức của chúng ta một năm là 2.320 giờ, nhưng Hàn Quốc chỉ có 1.880 giờ mỗi năm. Quy định giờ làm việc chính thức của họ thấp hơn, nên mức trần làm thêm giờ của họ cao hơn. Do đó, tăng giờ làm thêm, bên cạnh thu nhập, còn phải tính đến nhiều yếu tố khác nữa, chứ không phải chỉ đơn thuần tăng giờ làm thêm do nhu cầu của người lao động. Người lao động muốn làm thêm vì thu nhập không đủ sống, chứ nếu thu nhập đủ sống, chắc ít người muốn đi làm thêm. Do đó, khi xây dựng chính sách, chúng ta cần có góc nhìn rộng hơn.
Xin cảm ơn ông!
* Điều 106 Bộ luật Lao động 2012 quy định: “Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày; không quá 30 giờ trong một tháng và tổng số không quá 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong một năm” * Khi tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm, người sử dụng lao động phải thông bảo bằng văn bản cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương theo quy định * Về tính tiền lương làm thêm giờ, Điều 97 Bộ luật Lao động 2012 quy định: Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau: – Vào ngày thường, ít nhất 150%; – Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; – Vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()