Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tăng kỷ lục trong năm 2017
Biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng trầm trọng và thực tế này đã được chứng minh qua số liệu thống kê cụ thể trong Báo cáo Khí hậu hằng năm của Mỹ do Hội Khí tượng cùng Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia nước này công bố ngày 1/8.
Theo báo cáo trên, trong năm 2017, ba loại khí thải hàng đầu gây biến đổi khí hậu gồm carbon dioxide (CO2), mêtan và nitrous oxide (NO2) đều tăng kỷ lục.
Trong số đó, mật độ trung bình khí CO2 trên bề mặt Trái Đất hàng năm đã tăng lên 405 ppm – mức cao nhất trong kỷ lục đo lường khí quyển hiện đại và số liệu ghi chép về lõi băng trong 800.000 năm qua.
Căn cứ trên số liệu tính toán này, lượng khí thải CO2 toàn cầu đã tăng gần gấp 4 lần so với đầu những năm 60 của thế kỷ trước.
Báo cáo nêu rõ mặc dù 2016 là năm nóng kỷ lục của thế giới hiện đại, song nhiệt độ trong năm 2017 cũng không kém, trong đó tình trạng nóng bất thường xảy ra tại hầu hết khắp nơi trên thế giới.
Trong năm 2017, một loạt nước như Argentina, Bulgaria, Tây Ban Nha và Uruguay đều đồng loạt trải qua thời tiết nóng kỷ lục, trong khi đó Mexico là nước có nhiệt độ tăng kỷ lục trong 4 năm liên tiếp.
Nhiệt độ cao nhất thế giới trong năm này được ghi nhận tại thành phố Turbat của Pakistan ngày 28/5 là 53,5 độ C.
Báo cáo cũng tổng hợp số liệu cho thấy 10 năm nóng nhất thế giới đều xảy ra từ năm 1998 và 4 năm nóng nhất ghi nhận từ năm 2014. Năm 2017 cũng là năm nóng thứ 2 hoặc thứ 3 kể từ giữa thế kỷ 19 và đây cũng là năm nóng nhất mà nguyên nhân không phải do chịu tác động của hiện tượng El Nino.
Về tình trạng tan băng, số liệu trong báo cáo cho thấy nhiệt độ bề mặt băng Bắc cực trong năm 2017 đã tăng 1,6 độ C so với nhiệt độ trung bình giai đoạn 1981-2010.
Do đó, tình trạng tan băng vẫn tiếp diễn, đánh dấu năm thứ 38 liên tiếp xảy ra tình trạng này, khiến mất đi một lượng băng tương đương một đỉnh băng cao 22 mét. Tại vùng biển Nam cực, diện tích băng đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Do tình trạng tan băng, mực nước biển toàn cầu cũng dâng lên mức cao nhất trong năm 2017 và đây là năm thứ 6 liên tiếp ghi nhận tình trạng này.
Cũng theo báo cáo trên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiệt độ tại các đại dương tăng cao đã làm tăng độ ẩm trong không khí, gây ra hiện tượng thời tiết đối lập bất thường ở nhiều nơi trên thế giới như mưa nghiêm trọng, hạn hán kéo dài, ảnh hưởng lớn đến sự sống của các loài động, thực vật trong môi trường biển và khô cạn.
Báo cáo Khí hậu hàng năm của Mỹ được hơn 450 nhà khoa học khảo sát số liệu thống kê ở hơn 60 nước trên thế giới.
Trong báo cáo năm 2017 dài 300 trang, Hội Khí tượng cùng Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ đã sử dụng cụm từ “bất thường” hàng chục lần khi đề cập đến các trận bão, hạn hán, thời tiết nóng mực và diện tích băng thấp kỷ lục, một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến trầm trọng hơn.
Mỹ hiện là nước phát thải lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump năm 2017 đã quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, làm dấy lên quan ngại thế giới khó đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải trên toàn cầu, từ đó ảnh hưởng đến nỗ lực kiềm chế nhiệt độ Trái Đất tăng cao./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()