Lượng hàng hóa phục vụ Tết tại Thủ đô tăng khoảng 10%
Tại hội nghị triển khai công tác phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, dự báo diễn biến thị trường cũng như nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô sẽ tăng cao trong dịp Tết đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; nông, lâm sản khô; bánh, mứt, hạt khô; rượu, bia, nước giải khát…
Do đó, để bảo đảm lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo và phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chuẩn bị lượng hàng hóa tăng khoảng 10% so với năm 2016. Dự kiến, tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn Thủ đô đạt hơn 23.500 tỷ đồng.
Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích dự trữ và dự kiến đưa ra thị trường lượng hàng hóa trị giá 4.500 tỷ đồng; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát… dự trữ lượng hàng hóa trị giá hơn 9.000 tỷ đồng. Các làng nghề tại Thành phố sản xuất kinh doanh các nhóm hàng hóa phục vụ Tết như nông sản thực phẩm, bánh, mứt, kẹo… với tổng giá trị gần 2.100 tỷ đồng.
Tại hội nghị, đa số các doanh nghiệp đồng tình với kế hoạch triển khai hàng hóa phục vụ Tết của Sở Công Thương Hà Nội. Đồng thời mong muốn, ngành chức năng cấp phép cho xe chuyên chở các mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu được hoạt động 24/24 giờ trong khu vực nội thành để bảo đảm vận chuyển kịp thời hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Trả lời một số câu hỏi của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất hàng hóa về mức ổn định giá và có quy định gì về giá trong dịp Tết, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dịp Tết sẽ khó tránh khỏi sự biến động về giá cả, nhưng trong kế hoạch triển khai công tác phục vụ Tết Nguyên đán năm 2017, Thành phố sẽ cố gắng giữ giá các mặt hàng ở mức ổn định.
Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cũng khẳng định, Sở sẵn sàng chịu trách nhiệm điều phối lưu thông hàng hóa giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối; tổng hợp và báo cáo UBND Thành phố xem xét tạo điều kiện cấp phép cho xe chở hàng hóa thiết yếu vào nội thành trong các ngày, giờ cao điểm.
Đồng thời triển khai các nhiệm vụ theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn; chịu trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành liên quan để giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.
Sở Công Thương cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các chợ trên địa bàn cần chủ động nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa, nguyên liệu hợp lý để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, bảo đảm lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường chất lượng và giá cả hợp lý.
Ý kiến ()