Luồng gió mới cho thanh toán điện tử Đông Nam Á?
Theo Bloomberg, Singapore và Thái Lan đang thảo luận nhằm kết nối hệ thống thanh toán điện tử quốc gia để thành lập một liên minh chưa từng có trong khu vực.
Ảnh minh họa |
Giám đốc bộ phận chính sách hệ thống thanh toán của Ngân hàng Trung ương Thái Lan Naphongthawat Phothikit cho biết, liên kết này sẽ kết hợp 2 nền tảng thanh toán điện tử quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á, PayNow của Singapore và PromptPay của Thái Lan.
Đây là động thái mới nhất của các quốc gia châu Á nhằm hiện đại hóa quy trình thanh toán trong nước. Hiện nay, các chính phủ từ Ấn Độ cho tới Indonesia đều đang khuyến khích người dân thanh toán bằng thẻ, thiết bị di động hoặc các kênh thanh toán trực tuyến – những phương thức được cho là hiệu quả và dễ theo dõi hơn so với tiền giấy hoặc tiền xu.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Một nghiên cứu của Moody cho biết hệ thống thanh toán điện tử có tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế, cụ thể là GDP và tiêu dùng. Sử dụng các hệ thống thanh toán điện tử và các loại hình thẻ thanh toán sẽ tạo ra GDP tương đương 3,18 tỷ USD giai đoạn 2011-2015, tương đương với tạo ra việc làm cho khoảng 75.000 người mỗi năm trên thế giới. Lợi ích này khiến thanh toán không dùng tiền mặt đang là một mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới và tại Đông Nam Á.
Singapore luôn được biết tới với danh hiệu quốc gia thông minh. Mới đây nhất, quốc gia này có bước tiền gần hơn tới nền kinh tế không dùng tiền mặt thông qua triển khai hệ thống PayNow. Đây là hệ thống thanh toán chỉ yêu cầu số điện thoại, số chứng minh nhân dân. Người dùng chỉ cần đồng bộ số điện thoại, số chứng minh nhân dân với tài khoản ngân hàng.
Theo số liệu của MasterCard toàn cầu, Singapore là một trong 3 quốc gia có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt cao nhất thế giới và đang đi trước châu Âu từ 5-10 năm thanh toán điện tử.
Một khảo sát khác của Visa cho thấy 87% người tiêu dùng tại quốc đảo này ưa chuộng thanh toán điện tử thay vì tiền mặt. Hiện chỉ có 11% người Singapore sử dụng tiền mặt và chỉ dùng trong những giao dịch nhỏ, trong khi phần lớn những thanh toán điện tử vẫn được ưa chuộng hơn bởi độ an toàn.
Năm 2017, lượng người dùng thẻ tín dụng tại Singapore tăng 7% và nguyên nhân chủ yếu do sự phổ tiến của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Tại Thái Lan, dịch vụ thanh toán điện tử PromptPay do các ngân hàng phát hành hồi đầu năm, được giám sát bởi Ngân hàng Trung ương, hiện có 24 triệu đăng ký qua thẻ căn cước, tương đương 1/3 dân số, ông Naphongthawat cho biết.
Các giao dịch thanh toán điện tử, gồm chuyển tiền điện tử, ví điện tử, thẻ tín dụng và ngân hàng trực tuyến, ngân hàng di động tại Thái Lan, đã tăng khoảng 30% mỗi năm trong vào 5 năm qua, ông cho biết thêm.
Theo Bloomberg, các ngân hàng tại Đông Nam Á cũng đang chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh khi mà các hãng công nghệ khổng lồ của Trung Quốc như Alibaba đang triển khai kế hoạch phủ sóng dịch vụ thanh toán điện tử Alipay trong khu vực. Do đó, các ngân hàng Thái Lan cũng buộc phải thúc đẩy phương thức thanh toán điện tử “nhằm bảo đảm có thể cạnh tranh với các đối thủ tiềm năng từ nước ngoài, trong đó có Alipay và WeChat – 2 dịch vụ đang chỉ phục vụ du khách Trung Quốc tại Thái Lan”, Naphongthawat nói.
Tại Indonesia, số liệu từ Ngân hàng Trung ương Indonesia cho thấy số giao dịch điện tử trong năm 2016 đã chiếm 42% tổng số giao dịch trong toàn quốc, tăng đáng kể so với con số 28% của 2015. Tuy nhiên, tỷ lệ phổ cập Internet tại Indonesia hiện chỉ ở mức 20% trong khi như ở Malaysia là 70%.
Rất nhiều sáng kiến được đưa ra để thúc đẩy Indonesia thành một xã hội không dùng tiền mặt ví dụ cắt giảm phí khi thanh toán điện tử, hỗ trợ phát triển các hệ sinh thái thương mại điện tử từ cấp địa phương, tăng cường các nỗ lực an ninh mạng.
Một khảo sát năm 2016 của VISA cho thấy 74% người Malaysia đang dần không còn phụ thuộc vào tiền mặt và ưa chuộng các giao dịch điện tử hơn. Ngân hàng Trung ương Malaysia đặt tầm nhìn thúc đẩy thành quốc gia 100% không dùng tiền mặt vào năm 2020, tiết kiệm được một khoản tương đương 1% GDP quốc gia.
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Malaysia đã đưa ra những biện pháp cụ thể như đơn giản hóa việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, gia tăng các giải pháp thanh toán điện tử, đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ. Malaysia từ lâu đã có chính sách giảm phí cho các giao dịch điện tử, thanh toán trực tuyến, thanh toán điện tử.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()