Luồng gió mới cho sản phẩm văn hóa bản địa
Thay vì tiêu thụ sản phẩm văn hóa ngoại lai, các trò chơi du nhập từ nước ngoài, thế hệ trẻ Việt Nam đã và đang nhanh chóng bắt nhịp tiến trình sáng tạo sản phẩm lấy cảm hứng từ văn hóa bản địa, tạo nên một cộng đồng giải trí mới, đầy tự hào và hứng khởi.
Ra mắt dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, bộ trò chơi Cờ Mặt Trời của tác giả - đạo diễn Ninh Quang Trường lấy cảm hứng từ văn hóa dân tộc và kế thừa các đặc điểm của trò chơi dân gian Việt Nam, đã nhanh chóng thu hút người chơi. Cờ Mặt Trời là một sáng tạo mới lồng ghép yếu tố văn hóa bản địa, là trò chơi tạo ra bối cảnh để người chơi cờ tương tác, kết nối. Các quân cờ được thiết kế giống hình trống đồng thu nhỏ với họa tiết mặt trời đặc trưng. Bàn cờ hình vuông, quân cờ hình tròn tượng trưng cho trời và đất.
Đạo diễn Ninh Quang Trường chia sẻ: “Tôi đã dành 12 năm ấp ủ nghiên cứu, thử nghiệm từ khi hình thành ý tưởng cho đến khi hoàn thiện bộ Cờ Mặt Trời này. Dịp Tết năm 2012, tôi làm một chương trình nghệ thuật với ý tưởng “cầm-kỳ-thi-họa”, trong đó có hình ảnh bốn thiếu nữ thể hiện bốn kỹ năng tài hoa.
Bị mắc ở chữ “kỳ”, tôi không tìm được bộ cờ nào phù hợp vừa bảo đảm yếu tố Việt Nam vừa mang màu sắc truyền thống. Trong đầu tôi nảy ra mong muốn làm một bộ cờ mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và mọi người Việt Nam đều chơi được. Hành trình sáng tạo bộ cờ dành cho người Việt Nam và do người Việt Nam thiết kế bắt đầu từ đó”.
Tiêu chí đầu tiên của đạo diễn Ninh Quang Trường khi sáng tạo bộ cờ này là yếu tố truyền thống và hình ảnh dân tộc. Luật chơi phải đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với trò chơi hiện đại. Tạo hình của bộ cờ phải có cảm giác truyền thống. Theo chia sẻ của đạo diễn Ninh Quang Trường, anh đã thử hàng trăm bộ khác nhau để tìm ra được luật chơi nhanh chóng chỉ sau 1-2 phút đọc hướng dẫn.
Về tạo hình, sau nhiều thử nghiệm, các quân cờ được tạo hình giống hình tượng trống đồng thu nhỏ, đường kính khoảng 3 cm, di chuyển dễ dàng, chiều cao và chiều ngang hài hòa, tạo nên một tổng thể, bố cục chặt chẽ, trên bề mặt quân cờ có thiết kế hình tròn để đưa họa tiết mặt trời đặc trưng. Thêm nữa, hình tượng trống đồng được đưa vào quân cờ và hình dáng quân cờ thôi thúc người chơi muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.
Có thể thấy, việc đưa các yếu tố văn hóa truyền thống vào sản phẩm đương đại là cách thức mềm dẻo để chia sẻ và truyền tải câu chuyện văn hóa Việt Nam. Khoảng 10 năm trước, văn hóa board game (trò chơi trí tuệ tương tác) du nhập vào Việt Nam, trong đó Công ty TNHH Everjoy Publishing là đơn vị nhập khẩu và phát hành nhiều trò chơi mang văn hóa quốc tế.
Hiện nay, công ty đang sở hữu thương hiệu board game Việt Nam, nổi tiếng với trò chơi Thần Tích, khai thác câu chuyện hùng tráng về thần thoại và cổ tích Việt Nam với các nhân vật Lạc Long Quân, Âu Cơ; Sơn Tinh, Thủy Tinh. Thời gian đầu khi vào thị trường Việt Nam, công ty chủ yếu giới thiệu các sản phẩm văn hóa ngoại. Sau một thời gian, nhận thấy kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam vô cùng phong phú và đồ sộ, công ty đã tập trung phát triển các trò chơi bản địa, khai thác nội dung con người, văn hóa, lịch sử, lối sống của Việt Nam.
Đa dạng hóa các loại hình vật phẩm như bộ trò chơi, ấn phẩm, bộ mô hình sử dụng yếu tố bản địa, board game Việt hóa được cộng đồng quốc tế ưa thích và đánh giá cao. Tiêu biểu như bộ trò chơi gia đình Cuộc đua Sao Chổi, Cờ Ô Chữ, Chọi Chữ lấy cảm hứng từ thư pháp Việt Nam.
Bộ trò chơi nghệ thuật Tiệm cà phê sữa đá, lấy ý tưởng từ món đồ uống quen thuộc kết hợp những nhân vật truyện tranh nổi tiếng dễ thương như Pikalong, Vàng Xám, Mèo Mốc với bối cảnh uống cà-phê ở vỉa hè đặc biệt thu hút công chúng. Bà Hiền Đỗ, Giám đốc thương mại phát hành, sản xuất các sản phẩm văn hóa Việt Nam cho biết, những câu chuyện về văn hóa Việt Nam được chuyển tải qua trò chơi trở nên phổ biến với cách thể hiện nhẹ nhàng, vui vẻ, giúp người chơi vừa học vừa cảm nhận về văn hóa Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ mới và dần thay thế các nội dung quốc tế thành nội dung bản địa được cộng đồng board game trong nước đón nhận.
Dấn thân, thử nghiệm, những người sáng tạo trẻ đã biết chắt lọc, pha trộn chất liệu văn hóa Việt Nam trong các sản phẩm mới đương đại. Một trong những người đam mê, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm từ giấy dó là chị Lê Hồng Kỳ, sáng lập Chạm Dó, là nơi tổ chức workshop trải nghiệm các sản phẩm thủ công sáng tạo từ giấy dó truyền thống.
Chia sẻ về quá trình bén duyên với giấy dó, chị Kỳ cho biết: “Năm 2017, lần đầu tiên chạm vào giấy dó, ngay lập tức tôi cảm nhận sự kết nối đặc biệt với loại giấy truyền thống của Việt Nam. Tìm hiểu và sáng tạo các sản phẩm thủ công từ giấy dó, cho đến năm 2021, thương hiệu Chạm Dó ra đời, hướng tới sáng tạo các sản phẩm thủ công mới mẻ có tính ứng dụng cao, dễ sử dụng như sổ tay, bông tai, vòng tay, thiệp, bao lì xì, tranh hoa lá khô, đèn... Từ đó, ngày càng nhiều người biết đến loại giấy này hơn”.
Không chỉ tập trung sản xuất những sản phẩm thông dụng, Chạm Dó còn hướng đến những sản phẩm có giá trị cao như làm menu bằng giấy dó cho các khách sạn, quán trà, cà-phê, spa, đặc biệt là bộ sản phẩm quà tặng khách hàng cho các khách sạn 5 sao. Ở Chạm Dó thường xuyên diễn ra các workshop trải nghiệm làm giấy dó cùng nghệ nhân, làm sổ, thiệp, viết thư pháp trên giấy dó.
Để gìn giữ, tiếp nối, lan tỏa nghề làm giấy dó truyền thống, chị Lê Hồng Kỳ còn hợp tác nghệ nhân sản xuất các dòng sản phẩm giấy dó theo đơn đặt hàng. Đến bây giờ, giấy dó không còn bó hẹp dùng trong dòng tranh dân gian Đông Hồ, sắc phong, kinh sách mà đang được ứng dụng rộng rãi, pha trộn nét hiện đại và vẻ đẹp truyền thống riêng biệt...
Những yếu tố truyền thống đôi khi không còn phù hợp, nay được sống lại với những sáng tạo đầy mới mẻ. Được truyền cảm hứng từ kho tàng giá trị dân gian của cha ông, cộng đồng trẻ đã tham gia mạnh mẽ vào quá trình khai thác yếu tố bản địa, tạo nên các sản phẩm văn hóa, trò chơi “made in Vietnam”, tạo đà cho các khởi nghiệp liên quan đến di sản văn hóa dân tộc. Cách làm này đang góp phần giữ gìn, bảo tồn và lan tỏa văn hóa Việt Nam rộng rãi trong cộng đồng quốc tế.
Ý kiến ()