Cách đây tròn 65 năm, ngày 28-8-1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã ra Tuyên cáo trước quốc dân đồng bào và với toàn thế giới về việc thành lập Chính phủ của nước Việt Nam mới. Ngày 28-8-1945 cũng đã đánh dấu sự ra đời của bộ máy giúp việc cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cơ quan tiền thân của Văn phòng Chính phủ ngày nay. Để ghi nhớ sự kiện lịch sử này, ngày 19-4-2001, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy Ngày 28-8 hằng năm là Ngày truyền thống Văn phòng Chính phủ.
Kể từ ngày thành lập đến nay, trải qua 65 năm với nhiều tên gọi khác nhau, Văn phòng Chính phủ luôn tự hào là cơ quan trực tiếp và gần gũi nhất, luôn gắn liền và gánh vác trọng trách là cơ quan tham mưu tổng hợp và giúp việc cho Chính phủ và Người đứng đầu Chính phủ. Trong suốt quá trình đó, Văn phòng Chính phủ luôn tuyệt đối trung thành, tận tụy, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, không ngừng vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao phó. Văn phòng Chính phủ cũng hết sức tự hào vì mỗi giai đoạn phát triển của mình đều gắn với những dấu mốc lịch sử của sự nghiệp cách mạng do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo.
Vinh dự trực tiếp giúp việc Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo kháng chiến, kiến quốc
Ngay từ ngày đầu thành lập, Văn phòng Chủ tịch phủ – tiền thân của Văn phòng Chính phủ ngày nay, đã vinh dự được trực tiếp giúp việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ của nước Việt Nam mới, lãnh đạo, điều hành đất nước tại Trụ sở chính thức đầu tiên ở Bắc Bộ phủ cũ, số 12 Ngô Quyền, Hà Nội. Mặc dù hoạt động trong tình thế lúc đó như “ngàn cân treo sợi tóc”, biên chế chỉ có vài chục người nhưng với khí thế của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, Văn phòng Chủ tịch phủ đã có nhiều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ phục vụ hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Hội đồng Chính phủ và Chủ tịch Chính phủ, góp phần bảo vệ được thành quả Cách mạng, giữ vững được chính quyền nhân dân.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến, ngày 19-12-1946, Văn phòng Chủ tịch phủ bước vào một thời kỳ hoạt động mới – theo Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lên Chiến khu Việt Bắc, để lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Với bộ máy gọn nhẹ, trong suốt chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, cán bộ và nhân viên Văn phòng Chủ tịch Chính phủ và sau đó là Văn phòng Thủ tướng phủ đã làm việc hết sức mình, không quản ngại khó khăn, gian khổ của thời chiến, giúp Chính phủ, trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo và phối hợp hoạt động của các bộ, địa phương và hoạt động chung của Chính phủ và các cơ quan Chính phủ đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cuộc kháng chiến của dân tộc; đồng thời, triển khai nghiên cứu các vấn đề đặt ra cho công cuộc kiến thiết đất nước sau ngày kháng chiến thắng lợi.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, từ Chiến khu Việt Bắc, Văn phòng Thủ tướng phủ trở về lại Thủ đô Hà Nội, đội ngũ cán bộ, viên chức văn phòng được tôi luyện và trưởng thành trong kháng chiến đã bắt tay ngay vào công việc phục vụ Trung ương Đảng, phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lãnh đạo đất nước bước sang giai đoạn cách mạng mới, giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất nước nhà.
Phục vụ sự nghiệp xây dựng XHCN và đấu tranh thống nhất đất nước
Tại miền bắc, Văn phòng Phủ Thủ tướng luôn luôn quán triệt chủ trương phát triển kinh tế vững mạnh, đưa miền bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm đời sống của nhân dân và làm tròn nghĩa vụ quốc tế; đồng thời, chi viện có hiệu quả cho cách mạng miền nam. Văn phòng Phủ Thủ tướng đã luôn cải tiến lề lối làm việc, bám sát các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị do Hội đồng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành, giúp Hội đồng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc triển khai các lĩnh vực công tác ở hậu phương; nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, từng bước thể chế hóa công việc điều hành của Nhà nước theo các Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, Văn phòng Phủ Thủ tướng luôn chú trọng tham gia công tác chi viện cho chiến trường miền nam, tăng cường cử cán bộ đi cơ sở, ra tiền tuyến. Văn phòng Chính phủ đã đưa một bộ phận cán bộ vào miền nam công tác. Có những đồng chí đã hy sinh; một số đồng chí đã trở thành cán bộ cao cấp của Trung ương Cục và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Đế quốc Mỹ tiến hành leo thang chiến tranh ra miền bắc. Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ quyết định chuyển hướng xây dựng đất nước sang điều kiện có chiến tranh phá hoại ở miền bắc, tiếp tục chi viện cho miền nam đánh giặc Mỹ xâm lược. Trong bối cảnh đó, Văn phòng Phủ Thủ tướng đảm nhận thêm nhiều công việc mới như: theo dõi và đôn đốc công tác phòng không nhân dân, sơ tán các cơ quan, xí nghiệp, trường học và nhân dân ra khỏi các thành phố, thị xã, địa điểm quan trọng thường bị địch đánh phá, tăng cường bảo vệ an ninh, trật tự, nhằm bảo đảm ổn định hậu phương. Bộ máy của các cơ quan Chính phủ và chính quyền các cấp thay đổi theo hướng chuyển mạnh sang xây dựng tiềm lực kinh tế vững mạnh kết hợp với tăng cường tiềm lực quốc phòng, tập trung mọi nguồn lực của đất nước để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Ở miền nam, dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, được sự chi viện ngày càng có hiệu quả của miền bắc, phong trào cách mạng của nhân dân ta tiếp tục giành được những thắng lợi to lớn, liên tiếp đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” và “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, đưa cách mạng miền nam bước sang một thời kỳ mới. Tháng 6-1969, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam cùng các lực lượng yêu nước khác đã họp Đại hội Đại biểu quốc dân miền nam, nhất trí bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Văn phòng Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ Chính phủ và Hội đồng cố vấn Chính phủ trong điều kiện vô cùng khó khăn, ác liệt của chiến tranh; đã phải di chuyển nơi làm việc hàng chục lần, tham gia xây dựng nhiều căn cứ tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, bảo đảm bí mật, an toàn cho Chính phủ cách mạng lâm thời.
Bộ máy tin cậy giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành đất nước
Đại thắng mùa Xuân 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền nam, mở ra thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam, thời kỳ đất nước độc lập, thống nhất và cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Ngày 20-9-1982, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 161-HĐBT, về nhiệm vụ và quyền hạn của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, quy định Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng là bộ máy làm việc của Hội đồng Bộ trưởng, có nhiệm vụ phục vụ sự quản lý tập trung thống nhất của Hội đồng Bộ trưởng, phục vụ sự chỉ đạo và điều hành công việc hằng ngày của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Với sự đóng góp tích cực về công sức và trí tuệ của đội ngũ cán bộ, chuyên viên, nhân viên, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng đã giúp Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết và quyết định quan trọng, sửa đổi cơ chế, chính sách quản lý đối với sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế tư nhân, từng bước xóa bỏ cơ chế bao cấp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12-1986) đã quyết định tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các địa phương giúp Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo việc triển khai thực hiện Kế hoạch 5 năm đầu tiên của thời kỳ đổi mới (1986 – 1990), ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ các khó khăn, ách tắc để thực hiện thắng lợi ba chương trình kinh tế lớn mà Đại hội VI đề ra là: Chương trình sản xuất lương thực, thực phẩm; Chương trình sản xuất hàng tiêu dùng; Chương trình sản xuất hàng xuất khẩu. Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng đã tham mưu, giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng theo dõi, đôn đốc giải quyết những vấn đề mấu chốt để phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là bảo đảm vật tư, nguyên liệu cho sản xuất; xử lý tình hình giá cả, tiền lương và ổn định đời sống; đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
Ngày 6-8-1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 50/CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Chính phủ, trong đó xác định Văn phòng Chính phủ là cơ quan ngang bộ, nhiệm vụ, quyền hạn được tăng cường và bổ sung phù hợp với tình hình mới.
Ngày 19-3-2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ. Theo đó, Văn phòng Chính phủ tiếp tục là cơ quan ngang bộ, là bộ máy giúp việc của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, có chức năng tham mưu tổng hợp, bảo đảm hậu cần phục vụ, trực tiếp giúp việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội.
Trong những năm gần đây, theo các Nghị quyết của Đảng, đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, vận hành cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, nhất là thời gian qua, công cuộc phát triển của đất nước có nhiều cơ hội, thuận lợi đan xen với nhiều khó khăn, thách thức, Văn phòng Chính phủ đã có sự đổi mới tích cực, chuyển biến mạnh mẽ về chất để theo kịp phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, nổi bật ở một số mặt công tác chủ yếu sau:
Thứ nhất, đã tham mưu đắc lực cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội, kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng hợp lý; bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh – quốc phòng; tăng cường hoạt động đối ngoại, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt, hơn một nửa thời gian thực hiện Kế hoạch 5 năm 2006 – 2010, nước ta chịu những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu, Văn phòng Chính phủ đã chủ động phối hợp cùng các cơ quan, các bộ, ngành bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; Nghị quyết của Quốc hội, tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có những quyết sách ứng phó kịp thời, góp phần đưa đất nước ta vượt qua giai đoạn đầy thách thức, khó khăn tìm cơ hội cho sự phát triển. Nhất là sự phối hợp kịp thời, liên tục, toàn diện giữa Văn phòng Chính phủ với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội trong việc thực hiện chương trình công tác, trong đào tạo bồi dưỡng cán bộ, trong phối hợp các hoạt động nghiệp vụ và giao lưu văn hóa thể thao.
Thứ hai, cùng với việc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trong hoạt động tham mưu tổng hợp, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, Văn phòng Chính phủ đã triển khai có chất lượng công tác hậu cần, đã phục vụ hiệu quả và bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phục vụ các hoạt động đối ngoại, tiếp khách quốc tế, cho các chuyến công tác của lãnh đạo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tại nước ngoài, phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng trong nước và quốc tế tổ chức tại Việt Nam, điều này đặc biệt có ý nghĩa khi Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu, rộng và toàn diện.
Thứ ba, để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác trong hoàn cảnh mới, Văn phòng Chính phủ đã đi đầu trong việc tiến hành công cuộc cải cách hành chính trước hết bằng việc chủ động sắp xếp lại bộ máy tổ chức, giảm từ 25 xuống còn 19 đầu mối, cùng với những chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ và đào tạo, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm cơ sở vật chất cũng như ngân sách Nhà nước…, góp phần tạo ra không khí đoàn kết, nhất trí và khí thế mới trong hoạt động theo chức năng nhiệm vụ được giao. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Văn phòng Chính phủ luôn trung thành, tận tụy, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, xây dựng Văn phòng Chính phủ trở thành một cơ quan hành chính Nhà nước gương mẫu theo hướng một nền hành chính hiện đại.
Văn phòng Chính phủ cũng đã đi đầu trong việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đã thực hiện kết nối mạng tin học từ Trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, ngành liên quan; triển khai phương thức họp giao ban, làm việc qua phương tiện truyền hình trực tuyến, góp phần bảo đảm thông suốt, hiệu quả và kịp thời sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã trở thành phương tiện, công cụ hữu hiệu trong quản lý, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cung cấp kịp thời, chính thống các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tình hình kinh tế xã hội của đất nước, của các bộ, ngành, địa phương, đến các tầng lớp nhân dân cả trong, ngoài nước và bạn bè quốc tế, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân ta vào Đảng và Nhà nước.
Thứ tư, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì thực hiện Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước (Đề án 30) với cách làm mới, khoa học, hiệu quả, triển khai đồng loạt tại các bộ, ngành, địa phương. Kết quả là lần đầu tiên ở nước ta đã tập hợp, xây dựng được Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính áp dụng tại các cấp chính quyền được đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, với mục tiêu cắt giảm tối thiểu 30% thủ tục hành chính và 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Lợi ích của việc đơn giản hóa thủ tục hành chính là rất lớn, có thể tiết kiệm chi phí xã hội hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ đầu tiên trong cải cách thủ tục hành chính thời gian qua, nhất là thủ tục đối với người dân và doanh nghiệp, đã mang lại những bài học kinh nghiệm tốt trong tiến trình cải cách hành chính ở nước ta.
Với những thành tích đạt được trong chặng đường 65 năm qua, Văn phòng Chính phủ đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến công hạng ba, Huân chương Lao động các hạng và nhiều Cờ Thi đua, Bằng khen… Đó là những phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước đã ghi nhận về những đóng góp thiết thực và hiệu quả của Văn phòng Chính phủ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kỷ niệm trọng thể 65 năm Ngày truyền thống, tập thể cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng Chính phủ thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Nhà nước ta, người đã thành lập và trực tiếp rèn luyện, dìu dắt Văn phòng Chính phủ ngay từ những ngày đầu tiên; thành kính tưởng nhớ các vị lãnh đạo tiền bối của Đảng, Nhà nước đã dày công vun đắp, xây dựng và phát triển Văn phòng Chính phủ.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng Chính phủ hôm nay trân trọng tôn vinh, thành tâm tri ân các thế hệ lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ qua các thời kỳ cách mạng cũng như các giai đoạn trưởng thành của Văn phòng Chính phủ đã rèn luyện và đào tạo các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng Chính phủ luôn luôn tận tụy, gương mẫu, sáng tạo và “là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”, như Bác Hồ kính yêu đã dạy.
Văn phòng Chính phủ trân trọng biết ơn các tầng lớp nhân dân, các lực lượng vũ trang, các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể trong hệ thống chính trị đã đùm bọc, giúp đỡ, phối hợp và hỗ trợ Văn phòng Chính phủ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong suốt 65 năm qua.
Cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng Chính phủ nói riêng, văn phòng các cơ quan hành chính Nhà nước nói chung nguyện ra sức khắc phục những yếu kém, hạn chế, không ngừng phấn đấu giữ gìn, phát huy và bồi đắp thêm truyền thống vẻ vang của Văn phòng Chính phủ trưởng thành trong thử thách, đấu tranh cách mạng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều trung thành với sự nghiệp của Đảng và Nhà nước, của nhân dân, làm việc với tinh thần tận tụy, sáng tạo, viết tiếp trang sử 65 năm truyền thống vẻ vang của Văn phòng Chính phủ.
Ý kiến ()