Luôn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Như thông lệ, bà con Việt kiều khắp nơi trên thế giới hội tụ về quê cha đất tổ để đón Tết cổ truyền. Chương trình Xuân Quê hương năm 2014 với chủ đề "Lạc Hồng vinh hiển", do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức đã diễn ra trong không khí đầm ấm và hân hoan chào đón năm mới. Nhân dịp này, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với một số bà con kiều bào và được chia sẻ niềm xúc động của bà con khi được về đón Tết trên quê hương.
Bà Orrgren Oanh, Việt kiều Thụy Điển
Xúc động được đón Tết ở quê nhà
Đây là lần đầu sau 15 năm tôi được về quê đón Tết và dự chương trình Xuân Quê hương dành cho kiều bào ở xa Tổ quốc về quê ăn Tết. Lần đầu được sống trong không khí xuân này, được gặp gỡ, giao lưu với kiều bào từ khắp nơi trên thế giới, tôi vô cùng xúc động và tự hào là người Việt Nam, là con Lạc cháu Hồng. Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện để kiều bào về quê đón Tết ấm áp tình quê hương. Đây là mối gắn kết tuyệt vời để bà con cảm thấy họ luôn được chào đón trong vòng tay yêu thương của quê hương. Đất nước mình đã thay đổi quá nhiều. Những công trình xây dựng mọc lên hiện đại và tôi ấn tượng về sự phát triển của các phương tiện truyền thông, in-tơ-nét ở Việt Nam. Đây cũng là cầu nối giúp bà con ở xa Tổ quốc thu hẹp khoảng cách địa lý với quê hương.
Sống ở Thụy Điển, nơi có ít cộng đồng người Việt sinh sống, nhưng những người Việt Nam vẫn tìm đến với nhau, gặp gỡ, đi chùa để vơi đi nỗi nhớ quê nhà. Trong gia đình, tôi vẫn cố gắng nói tiếng Việt với các con, các cháu, duy trì nền nếp truyền thống của người Việt Nam. Tôi luôn giáo dục con cháu phải lễ phép, biết kính trên nhường dưới như đạo lý truyền thống mà ông cha ta đã dạy. Chồng tôi là người Thụy Điển, nhưng ông ấy rất hiểu Việt Nam, mến yêu đất nước và con người Việt Nam qua những món ăn vợ nấu và qua các câu chuyện kể. Cứ mỗi khi đến Tết cổ truyền, dù ở nơi xa, nhưng năm nào cũng vậy, tôi luôn tổ chức các buổi hội ngộ với bạn bè, người thân và nấu những món ăn của Việt Nam. Với đầy đủ các món trên mâm cỗ ngày Tết, tôi muốn gia đình mình, dù có các cháu “tây”, nhưng vẫn gìn giữ truyền thống của Việt Nam.
Sang Thụy Điển năm 1988 với nghề y, giờ đã về hưu nhưng tôi tiếp tục làm về du lịch. Trong khả năng của mình, tôi đã giúp về thủ tục cũng như liên lạc kết nối cho các đoàn của Việt Nam sang Thụy Điển công tác. Tuy nhiên, Thụy Điển là một trong những quốc gia đắt đỏ, nên người Việt Nam sang đó du lịch chưa nhiều, tôi hy vọng một ngày nào đó, hợp tác du lịch giữa hai nước phát triển hơn.
Bà Lê Thị Kim Liên, Việt kiều ở Ăng-gô-la
Mong liên tục được cập nhật tin tức về quê hương
Là bác sĩ, chuyên gia y tế, tôi sang công tác và sinh sống ở Ăng-gô-la đã được 19 năm. Từng nhiều lần đi về Việt Nam, nhưng đây là lần thứ ba tôi đón cái Tết ấm cúng tại quê nhà. Mỗi lần về Việt Nam, tôi đều nhận thấy đất nước mình thay đổi rất nhanh, nhà cửa, phố xá, con người đều phát triển hiện đại hơn. Cộng đồng người Việt ở Ăng-gô-la dù phải lo làm ăn kiếm sống, song vẫn luôn mong ngóng đến ngày Tết để về quê ăn Tết. Cảm động lắm mỗi lần được đón Tết trên quê hương, được quây quần với người thân bên mâm cơm gia đình. Ở bên kia, vào dịp Tết cổ truyền dù ở xa quê hương, nhưng cộng đồng người Việt vẫn tìm cách gửi gạo nếp, đỗ xanh, rồi tìm lá chuối thay lá dong để làm bánh chưng. Dù xa quê hương nhưng chúng tôi vẫn có đầy đủ những món ăn truyền thống của mâm cơm ngày Tết. Tuy nhiên, với người Việt xa xứ, dù đủ đầy đến mấy thì họ vẫn đón Tết trong vui buồn lẫn lộn. Đêm giao thừa, chúng tôi tổ chức gặp nhau. Mỗi người kể một câu chuyện kỷ niệm về Tết ở Việt Nam. Chúng tôi hát, rồi khóc vì nhớ quê hương.
Số lượng người Việt ở Ănggô-la chỉ khoảng vài chục nghìn người, trong đó nhiều người phải vất vả làm ăn bươn chải vì cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhưng ở đâu, những con người Việt Nam vẫn phát huy tinh thần đoàn kết “lá lành đùm lá rách”. Cộng đồng người Việt ở Ănggô-la luôn có ý thức tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn. Cộng đồng cũng tham gia nhiều hoạt động hướng về Tổ quốc như tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào trong nước bị thiên tai, lũ lụt. Ở đất nước tận châu Phi xa xôi, chúng tôi gặp khó khăn để tiếp cận truyền hình VTV4 cũng như Đài Phát thanh từ Việt Nam. Bởi vậy, niềm mong mỏi của chúng tôi là liên tục được cập nhật tin tức về Việt Nam, để dù sống ở xa nhưng vẫn cảm thấy quê hương luôn thật gần gũi, thân thương.
Ông Lê Quang Vinh, Việt kiều Đức
Đất nước thay đổi về mọi mặt
Tôi sinh ra ở Thủ đô Hà Nội và sống ở TP Ve-niga-rô-đơ, thuộc tiểu bang Dắc-dền-an 2, miền bắc nước Đức, đã 27 năm. Ở xa quê hương nhưng năm nào tôi cũng về Việt Nam ăn Tết. Tôi rất nhớ tình cảm của người Việt Nam, nhất là khi về nước gặp lại họ hàng, người thân, bạn bè, ai cũng vui vẻ hỏi thăm và quan tâm đến nhau. Gần nơi tôi ở có khoảng 2.000 người Việt Nam, nhưng chúng tôi đi làm suốt ngày, ít được gặp nhau. Về Việt Nam ăn Tết, tôi thăm lại phố phường nơi tôi cất tiếng khóc chào đời, thăm bạn bè, người thân. Sau đó, tôi đi du lịch tại những vùng mà tôi yêu thích như Hạ Long, miền Tây… Qua những lần về thăm quê hương, tôi rất vui mừng thấy quê hương, đất nước mình ngày càng thay đổi về mọi mặt. Ấn tượng nhất là sự “thay da đổi thịt” của đường sá, các cửa hàng, cửa hiệu và nhất là con người… Theo tôi, Tết cổ truyền là dịp để người Việt Nam sum họp, đoàn tụ cùng gia đình, bạn bè và người thân sau một năm lao động vất vả, khiến ai ai cũng vui.
Thành phố bên Đức nơi tôi ở có khoảng 70 trẻ em Việt Nam. Cái mừng nhất là các em được những sinh viên Việt Nam đang theo học đại học tại đây dạy tiếng Việt. Tiếng Việt rất quan trọng vì nó nói lên nguồn gốc của người Việt Nam ta. Con em người Việt biết tiếng Việt thì sẽ luôn nhớ về cội nguồn. Tôi mong rằng, hằng năm, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, bà con Việt kiều mình dù ở nơi nào khi trở về Tổ quốc lại được Đảng, Nhà nước tổ chức các cuộc gặp mặt để cùng nhau ôn lại một năm đã qua, chia sẻ kinh nghiệm sống, làm việc ở nơi quê người. Làm được như vậy thì sẽ có một cái Tết vui vẻ, đầm ấm.
Ông Nguyễn Khắc Thành Việt kiều ở LB Nga
Gìn giữ nét đẹp Tết cổ truyền của dân tộc
Tôi sống ở TP I-vét-xtờ, LB Nga đã lâu. Tuy ở xa Tổ quốc nhưng mỗi năm Tết đến, Xuân về chúng tôi lại tổ chức gặp nhau, cùng nhau đoàn tụ đón Tết cổ truyền. Những nét đặc trưng Tết cổ truyền của dân tộc được chúng tôi gìn giữ: cũng có bánh chưng, dưa hành, xôi, gà… để thờ cúng tổ tiên. Từ khi đất nước ta mở cửa thì việc mua bán các sản phẩm phục vụ trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc dễ dàng hơn. Chúng tôi dạy bảo con cháu luôn hướng về quê hương, nguồn cội.
Mỗi dịp trở về, tôi đều cảm nhận được sự thay đổi và phát triển của đất nước ta. Ở bên Nga, mọi thông tin về đất nước chúng tôi đều nắm được. Chúng tôi rất vui mừng khi trong năm vừa qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng nước ta vẫn đạt được nhịp độ tăng trưởng kinh tế khá. Chúng tôi cũng vậy, việc làm ăn ở Nga cũng còn gặp nhiều khó khăn. Trong khó khăn, chúng tôi vẫn đoàn kết và cùng nhau tìm cách vượt qua. Tôi xin thay mặt chi hội người Việt tại TP I-vét-xtờ, LB Nga hứa sẽ thực hiện đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng chính sách, pháp luật của Nhà nước ta, đồng thời tuân thủ pháp luật của nước sở tại, đóng góp nhiều hơn nữa các hoạt động hướng về Tổ quốc, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Tôi mong kiều bào ta ở mọi miền trên thế giới ngày càng gắn kết hơn và cùng nhau hướng về cội nguồn.
Theo nhandan
Ý kiến ()