Lúng túng trước chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 10
Sự chưa sẵn sàng về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đang đặt ra nhiều khó khăn cho các trường trung học phổ thông và cả các học sinh, giáo viên trường trung học cơ sở khi có quá nhiều tổ hợp.
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ lần đầu tiên được triển khai ở lớp 10 trong năm học 2022-2023 tới đây. Khác với chương trình hiện hành là tất cả các học sinh đều phải học đủ 13 môn, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, từ lớp 10, các em sẽ được quyền chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp.
Đây là bước tiến của chương trình mới nhưng sự chưa sẵn sàng về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đang đặt ra nhiều khó khăn cho các trường trung học phổ thông và cả các học sinh, giáo viên trường trung học cơ sở.
Nguy cơ vỡ trận với 108 tổ hợp
Theo quy định của chương trình mới, ở bậc trung học phổ thông, ngoài 7 môn học bắt buộc (gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương), học sinh sẽ lựa chọn tổ hợp 5 môn học từ ba nhóm cụ thể: khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật); khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học); công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, nghệ thuật).
Với cách lựa chọn này, học sinh sẽ có thể có đến 108 cách chọn khác nhau và vì thế đã vượt ra ngoài khả năng đáp ứng của các trường trung học phổ thông.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng điều này đã tạo ra sự khủng hoảng lựa chọn của học sinh vì số tổ hợp quá nhiều. Học sinh bị rối còn các nhà trường thì không thể đủ nhân lực, cơ sở vật chất để thực hiện yêu cầu này. Đặc biệt, với các môn về nghệ thuật có tính đặc thù cao, đòi hỏi trang thiết bị riêng. “Có thể khẳng định không trường nào có thể đáp ứng hết được tất cả các tổ hợp nguyện vọng của các em học sinh,” thầy Bình chia sẻ.
Đây cũng là chia sẻ của cô Hồ Thị Dinh, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (thành phố Hải Phòng). Theo cô Dinh, các trường sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc sắp lớp học, bố trí đội ngũ. Phân tích cụ thể hơn, cô Dinh cho hay một lớp học thường có khoảng 45 học sinh. Đội ngũ giáo viên hiện nay cũng được phân bổ, tính toán trên số lượng này. Tuy nhiên, khi học sinh được chọn theo tổ hợp với rất nhiều loại tổ hợp khác nhau, sẽ phát sinh rất nhiều lớp và có những tổ hợp số lượng học sinh rất ít, không đủ để mở lớp.
Cũng trăn trở về vấn đề này, cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng các trường sẽ phải tính toán, cân đối hài hòa giữa nguyện vọng của học sinh và khả năng đáp ứng của trường.
Học sinh mù mờ thông tin
Theo các chuyên gia, để có sự cân đối này, các trường phải đưa ra được danh sách các tổ hợp có thể đáp ứng đào tạo trước khi học sinh đăng ký vào lớp 10 để học sinh có căn cứ lựa chọn trường phù hợp với mong muốn, định hướng nghề nghiệp của mình. Bên cạnh đó, các trường trung học cơ sở cũng phải tuyên truyền cho học sinh hiểu về chương trình đào tạo lớp 10 mới để em hiểu và đưa ra lựa chọn.
Trong khi chỉ còn hơn một tháng nữa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội cũng như các địa phương trên cả nước sẽ bắt đầu thì thông tin về chương trình mới ở lớp 10 vẫn khá mù mờ với các em học sinh lớp 9 khi thời điểm này, điều đang được các học sinh, phụ huynh, nhà trường ưu tiên hàng đầu là củng cố kiến thức sau thời gian dài phải học trực tuyến nhằm đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi.
Em Đỗ Xuân Lan, học sinh Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (Hà Nội) chia sẻ: “Điều em quan tâm nhất là học để củng cố lại kiến thức trong quá trình học online và vẫn chưa có nhiều thời gian để tìm hiểu về chương trình lớp 10 sắp tới.”
Ngay cả các giáo viên, lãnh đạo nhà trường cũng chưa nắm được chi tiết vấn đề này. “Việc cụ thể định hướng tổ hợp thì hiện giờ tôi và các con cũng chưa có định hướng chi tiết cụ thể nhiều cho vấn đề này,” cô Phùng Ngọc Lan, giáo viên Trường Trung học cơ sở Chu Văn An nói.
Tuy nhiên, với những học sinh có quan tâm đến vấn đề này thì thông tin để các em tìm hiểu cũng rất hiếm hoi khi đa số trường trung học phổ thông chưa đưa ra được các tổ hợp sẽ được triển khai trong năm học mới.
Bởi vậy, thầy Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chu Văn An cho rằng các trường trung học phổ thông cần có thêm các thông tin cụ thể về vấn đề này để học sinh có thể đưa ra lựa chọn phù hợp với nguyện vọng của các em và khả năng đáp ứng của các trường./.
Ý kiến ()