Thứ 7, 28/12/2024 04:47 [(GMT +7)]
Lúng túng chuyện tuyển thẳng học sinh các huyện nghèo
Thứ 7, 17/03/2012 | 13:05:00 [(GMT +7)] A A
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), điểm mới của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2012 là học sinh các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP được hưởng chính sách ưu tiên được tuyển thẳng vào ĐH, CĐ. Tuy nhiên, sau khi quy chế thi, tuyển sinh và hướng dẫn tuyển thẳng ĐH, CĐ được Bộ GD và ĐT ban hành, trong khi các địa phương có học sinh được tuyển thẳng thì phấn khởi, thì nhiều trường ĐH, CĐ lại lúng túng không biết sẽ xoay xở ra sao?
Theo quy định của Bộ GD và ĐT, thí sinh là người dân tộc thiểu số và thí sinh có hộ khẩu thường trú từ ba năm trở lên, tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, nếu học ba năm cuối cấp và tốt nghiệp THPT tại các huyện này, thì hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học. Những thí sinh này, sau khi nhập học, được học bổ sung kiến thức một năm, trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng các trường quy định. Quy định mới nói trên sẽ góp phần tăng cơ hội học tập cho học sinh sau THPT ở vùng khó khăn. Hiệu trưởng Trường THPT Pắc Nặm (Bắc Cạn) Lâm Văn Điển cho biết, phần lớn các huyện nghèo là vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ học sinh đỗ vào ĐH, CĐ rất thấp. Vì vậy, việc tuyển thẳng có ý nghĩa lớn. Ngay sau khi có quyết định của Bộ GD và ĐT về việc này, Ban Giám hiệu và học sinh nhà trường khá quan tâm. Khi nhận được cuốn Những điều cần biết, trường sẽ sớm tổ chức cho học sinh làm hồ sơ xét tuyển.
Năm học 2012, Trường THPT Pắc Nặm có 200 học sinh đang học lớp 12, với cơ chế tuyển thẳng, tỷ lệ các em đi học chắc chắn sẽ đông hơn. Tại tỉnh Hà Giang, địa phương đứng thứ hai về số huyện nghèo, theo Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Triệu Thị Liên, việc đặc cách cho thí sinh huyện nghèo là hết sức cần thiết, vừa giúp học sinh vùng sâu, vùng xa đỡ được cảnh “lều chõng”, vừa tạo điều kiện cho các em có thêm điều kiện học tập cao hơn.
Tuy nhiên, trái ngược với niềm vui của các địa phương, các trường ĐH, CĐ lại tỏ ra khá băn khoăn về cơ chế tuyển thẳng học sinh các huyện nghèo. Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính – Viễn thông Lê Hữu Lập cho rằng: Bộ GD và ĐT đưa ra chủ trương tuyển thẳng là hợp lý nhưng lại gây khó cho các trường. Vì thực tế, các trường rất thiếu thông tin về học sinh các huyện nghèo. Nếu cả trường chỉ có vài em đăng ký thì rất khó tổ chức bồi dưỡng kiến thức. Mặt khác, những trường như Học viện Công nghệ Bưu chính – Viễn thông là đào tạo ứng dụng thực hành, nay phải đào tạo văn hóa thì không biết “xoay” thế nào. Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên Nguyễn Tấn Vui cũng cho rằng, việc đào tạo một năm cho đối tượng được xét tuyển sẽ gây nhiều phiền phức cho các trường, nhất là đối với trường có số lượng xét tuyển ít. Nhiều bài toán đặt ra là sẽ đào tạo như thế nào? Giáo viên ở đâu? Kinh phí bao nhiêu? Dạy chương trình gì?…
Có thể nói, việc tuyển thẳng học sinh các huyện nghèo vừa tạo điều kiện cho học sinh vùng khó khăn tiếp cận với các trường ĐH, CĐ nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, vừa xóa bỏ được cơ chế “xin – cho” trong tuyển sinh học sinh vùng dân tộc thiểu số như quy chế trước đây. Tuy nhiên, ngay cả công văn hướng dẫn tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ được Bộ GD và ĐT gửi các trường ngày 9-3 mới đây cũng chỉ quy định chung chung và không tháo gỡ được bất cập trong việc bổ sung kiến thức một năm cho học sinh bằng cách nào. Vì vậy, dù đã đến ngày thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi nhưng phần lớn các trường ĐH, CĐ vẫn lúng túng. Theo Trưởng ban đào tạo Trường ĐH Thái Nguyên Nguyễn Quốc Tuấn, với đặc thù là ĐH vùng cho nên trường sẽ phải tập trung học sinh của tất cả các trường thành viên lại để bổ túc kiến thức một năm chứ không để từng trường thành viên thực hiện công tác này. Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ngoài công lập Trần Xuân Nhĩ cho rằng, Bộ GD và ĐT nên theo dõi, thống kê số lượng sinh viên thuộc huyện nghèo của từng trường, trên cơ sở đó, có thể hỗ trợ các trường bằng cách cho các sinh viên được cùng học tập tại một trường nào đó. Phó Giám đốc Học Viện Công nghệ Bưu chính – Viễn thông Lê Hữu Lập cũng cho rằng, Bộ GD và ĐT cần có giải pháp bổ túc kiến thức như vẫn làm với các lớp dự bị đại học của học sinh dân tộc thiểu số nói chung, rồi sau đó đưa về các trường ĐH, CĐ đào tạo thì mới thật sự phát huy được hiệu quả của công tác tuyển thẳng, nếu không các trường khó có thể thực hiện được.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()