Từ một vụ kiện dân sự liên quan quyết định xử phạt và truy thu thuế của Chi cục Thuế quận 1 (TP Hồ Chí Minh), nhiều vấn đề liên quan cách tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hoạt động sản xuất, gia công các sản phẩm bằng vàng, bạc, đá quý đã bộc lộ…
Khởi kiện
Sau khi tiến hành kiểm tra thuế năm 2008 tại Công ty TNHH Kim cương Ki Ta, ngày 1-9-2009, Chi cục Thuế quận 1 (TP Hồ Chí Minh) lập biên bản và ra Quyết định xử phạt số 3381/QĐ-CCT-KT2 ngày 3-9-2009, phạt Công ty Ki Ta 367 triệu đồng (làm tròn số), trong đó phạt 10% thuế GTGT khai sai là 31,4 triệu đồng, phạt chậm nộp thuế GTGT là 21 triệu đồng, truy thu thuế GTGT năm 2008 là 314,6 triệu đồng.
Theo quyết định này, Công ty Ki Ta là doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ đối với toàn bộ hoạt động kinh doanh, bao gồm cả chế tác vàng. Công ty Ki Ta kê khai tính thuế hoạt động chế tác nữ trang theo phương pháp trực tiếp là vi phạm Điều 9, Luật Thuế GTGT và khoản 3, Điều 8 của Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 7-6-2007 của Chính phủ. Sau đó Chi cục Thuế quận 1 lại tiếp tục ra Quyết định số 3902/QĐ-CCT-KT2 ngày 16-10-2009 điều chỉnh Quyết định 3381/QĐ-CCT-KT2 ngày 3-9-2009 về thay đổi điều khoản vi phạm làm căn cứ xử phạt nhưng vẫn giữ nguyên nhận định và mức phạt.
Không đồng ý với quyết định này, Công ty Ki Ta đã liên tục khiếu nại nhưng không kết quả. Cuối cùng, Công ty Ki Ta đã đưa vụ việc ra TAND quận 1 nhờ phân xử.
Đơn khởi kiện của Công ty Ki Ta cho rằng Chi cục Thuế quận 1 đã vận dụng pháp luật không chính xác, gây ảnh hưởng uy tín của doanh nghiệp. Công ty này viện dẫn: Khoản 1, Điều 2, Nghị định số 174/1999/NĐ-CP quy định rõ: Hoạt động kinh doanh vàng là “hoạt động sản xuất, gia công các sản phẩm bằng vàng; mua bán; xuất nhập khẩu vàng theo quy định”. Điểm 4.1, Mục II, Phần B Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14-6-2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế đã quy định về việc khai thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp trên GTGT là: “Hộ gia đình, cá nhân kinh doanh và người nộp thuế kinh doanh vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ lưu giữ được đầy đủ hóa đơn mua vào, hóa đơn bán ra để xác định được giá trị gia tăng thì áp dụng khai thuế giá trị gia tăng tính theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng”. Như vậy, hoạt động chế tác, mua bán vàng, bạc, đá quý của Công ty Ki Ta là thuộc trường hợp áp dụng khai thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp trên GTGT.
Ngày 12-7-2010, TAND quận 1 đã đưa vụ án ra xét xử. Căn cứ vào các văn bản pháp luật về thuế, TAND quận 1 đã chấp nhận yêu cầu của Công ty Ki Ta về việc hủy bỏ Quyết định xử phạt vi phạm pháp luật về thuế số 3381/QĐ-CCT-KT2 ngày 3-9-2009 và Quyết định số 3902-QĐ-CCT-KT2 ngày 16-10-2009 của Chi cục Thuế quận 1.
Rối rắm phương pháp khấu trừ
Ngày 20-5-2010, Công ty Vàng Bạc đá quý Sài Gòn – SJC có Công văn số 213/CV-CTY gửi Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đề nghị giải đáp thắc mắc, hướng dẫn về thuế. Công ty này thắc mắc, Thông tư số 129/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT và hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/NĐ-CP ngày 8-12-2008 của Chính phủ quy định rất khó hiểu tại tiết c, điểm 2.1 Mục III, Phần B về hoạt động kinh doanh mua bán, vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ: “Trường hợp cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế có hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý và hoạt động chế tác sản phẩm vàng, bạc, đá quý thì phải hạch toán riêng được hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý để được áp dụng theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT”. Cách nói như vậy rõ ràng là tách việc chế tác ra khỏi hoạt động kinh doanh vàng, bạc như Nghị định số 174/1999/NĐ-CP đã quy định và trái với Luật Quản lý thuế là luật chuyên về khai thuế.
Thắc mắc của SJC là đương nhiên. Theo Thông tư 129/2008/TT-BTC, hoạt động chế tác nêu như trên được hiểu như thế nào? Là chế tác cho khách hàng khi có yêu cầu công ty gia công sản phẩm vàng, bạc, đá quý hay là tự chế tác trong nội bộ công ty để có sản phẩm hoàn thiện hơn phục vụ mục đích kinh doanh. Nếu chế tác nội bộ thì tính theo phương pháp khấu trừ hay trực tiếp trên GTGT, vì phần lớn hoạt động của công ty là sản xuất, chế tác ra vàng thỏi, vàng miếng, vàng nữ trang, bạc, đá quý các loại. Doanh thu của SJC năm 2009 là 48.962 tỷ đồng, chỉ cần 40 nghìn tỷ đồng là doanh thu từ hoạt động chế tác được tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì số thuế GTGT phải nộp lên đến 4.000 tỷ đồng. Trong biên bản kiểm tra thuế năm 2009 tại SJC của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh (thực hiện theo Quyết định 595/QĐ-CT ngày 10-5-2010), hàng hóa, dịch vụ bán ra trong năm 2009 là 44.121 tỷ đồng, thuế GTGT phải nộp là 21,56 tỷ đồng, chiếm 0,049% trên doanh thu. Trong đó, doanh thu chịu thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp là 44.039 tỷ đồng, số thuế GTGT phải nộp là 13,38 tỷ đồng. Doanh thu chịu thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ chỉ có 82 tỷ đồng, số thuế GTGT phải nộp là 8,18 tỷ đồng. Như vậy, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã mặc nhiên công nhận hoạt động sản xuất, chế tác vàng, bạc bằng nguyên liệu của SJC được áp dụng theo phương pháp trực tiếp chiếm 99,81% doanh thu, chỉ tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ đối với hoạt động nhận gia công vàng bên ngoài cho khách hàng và một số hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT khác.
Vì vậy, cần xem xét tính khả thi của việc khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ đối với hoạt động chế tác vàng, bạc, đá quý.
Ý kiến ()