Lũng Cò - sân bay quốc tế đầu tiên của Việt Nam
Tháng 6/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo đồng chí Đàm Quang Trung và đồng chí Lê Giản chọn địa điểm để xây dựng sân bay dã chiến nhằm tăng cường sự hợp tác giữa Mặt trận Việt Minh và quân đồng minh, tạo thuận lợi cho phong trào cách mạng Việt Nam.
Máy bay AD-5 được vận chuyển từ sân bay Biên Hòa ra trưng bày tại Khu di tích lịch sử Công an nhân dân (xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương) nhân dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ, tháng 6/2005.
Di tích sân bay Lũng Cò nay thuộc xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đây là sân bay đầu tiên do quân dân ta xây dựng và được coi là sân bay quốc tế đầu tiên của cách mạng Việt Nam, mở đầu cho thời kỳ hình thành và phát triển của ngành hàng không Việt Nam.
Tại đây, nhiều chuyến bay đã được thực hiện với nhiệm vụ đưa đón quân đồng minh và vận chuyển thuốc men, vũ khí từ Côn Minh (Trung Quốc) sang Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang). Sân bay được xây dựng và sử dụng trong thời gian gần 2 tháng (từ tháng 6/1945 đến tháng 8/1945).
Cánh đồng xóm Cò, nơi được lựa chọn để xây dựng sân bay Lũng Cò. |
Đại úy Nguyễn Như Trang, Trưởng Ban quản lý Khu di tích lịch sử Công an nhân dân cho biết, đầu năm 1945, máy bay của Trung úy Saw – phi công của lực lượng không quân Mỹ tại Côn Minh (Trung Quốc) bị lực lượng phòng không của Nhật bắn rơi, nhảy dù xuống Cao Bằng. Trung úy Saw được du kích ta cứu thoát và đưa về gặp Bác Hồ.
Trước sự việc ấy cùng với sự ngỏ ý muốn đặt mối quan hệ với Mặt trận Việt Minh của tướng Sê-nôn (Tư lệnh Đoàn không quân số 14), Bác Hồ đồng ý đưa Trung úy Saw sang Trung Quốc để trao trả cho quân Đồng minh.
Ngày 29/3/1945, tại Côn Minh, diễn ra cuộc gặp gỡ hữu nghị giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh-đại diện cho Mặt trận Việt Minh và tướng Sê-nôn, Tư lệnh Đoàn không quân số 14.
Trong buổi hội đàm, hai bên thỏa thuận: Về phía Việt Nam, sẽ tăng cường lực lượng du kích và mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng này; phía Mỹ có trách nhiệm đưa các phái đoàn sang giúp huấn luyện về quân sự, đồng thời trang bị vũ khí, điện đài và các trang thiết bị khác. Việc xây dựng một sân bay bảo đảm cho sự liên lạc giữa hai bên cũng được đặt ra từ đây.
Toàn cảnh di tích sân bay Lũng Cò. |
Tháng 6/1945, các đồng chí Đàm Quang Trung và Lê Giản được Bác Hồ giao nhiệm vụ tìm địa điểm thích hợp xây dựng sân bay dã chiến để có thể đón nhận viện trợ của quân Đồng Minh.
Vị trí được chọn là xóm Cò, xã Minh Thanh (trước kia là thôn Đồng Don, xã Thanh La) nơi đây cách căn cứ Tân Trào không xa, do vậy, có thể dễ dàng đi lại vận chuyển hàng hóa. Đây là một thung lũng được bao bọc bởi các dãy núi, trong thung lũng có những cánh đồng rộng, nông dân cấy lúa và nhiều cây dại mọc hoang… thuận lợi cho việc hạ cánh, cất cánh và ngụy trang máy bay.
Máy bay đồng minh hạ cánh xuống sân bay Lũng Cò (ảnh tư liệu Bảo tàng). |
Các đồng chí được giao nhiệm vụ đã vận động nhân dân các xã: Thanh La, Trung Yên, Tân Trào, Tú Trạc và một đơn vị bộ đội tham gia xây dựng sân bay.
Ban đầu mọi người dự định phải mất một tuần công việc mới hoàn tất, thế nhưng với tinh thần cố gắng nên chỉ sau 2 ngày phát dọn, san gạt, sân bay dã chiến đã hình thành.
Sân bay có chiều dài 400m, chiều rộng 20m, loại máy bay L5 của Mỹ có thể cất, hạ cánh được.
Chiếc máy bay đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Lũng Cò có hai sĩ quan quân Đồng minh và một số lương thực, thuốc men tăng cường cho lực lượng quân Đồng minh tại Tân Trào.
Trong suốt thời gian quân Đồng minh làm việc tại Tân Trào có thêm nhiều chuyến bay cất và hạ cánh tại đây. Nhiệm vụ chủ yếu của các chuyến bay là đưa đón quân Đồng minh và vận chuyển cho ta thuốc men, vũ khí từ Côn Minh sang Tân Trào.
Việc có một sân bay dã chiến ở chiến khu Việt Bắc vào giai đoạn đó của cách mạng là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử trong việc mở cửa thông thương với Đồng minh, góp phần bổ sung thêm trang thiết bị, vũ khí đạn dược cho quân đội, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa.
78 năm trôi qua, di tích sân bay Lũng Cò sẽ mãi là minh chứng lịch sử về tài năng, sự sáng tạo của người Việt Nam trong gian khó, từ đó chiến thắng mọi kẻ thù.
Sân bay Lũng Cò là sân bay đầu tiên ở chiến khu cách mạng vào thời điểm chưa giành được chính quyền đã để lại dấu ấn về quan hệ ngoại giao, quân sự ban đầu với Hoa Kỳ.
Nguồn: https://nhandan.vn/lung-co-san-bay-quoc-te-dau-tien-cua-viet-nam-post764346.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()