Lục Ngạn, mùa quả ngọt
Vải thiều được đưa đi tiêu thụ. Quãng giữa tháng sáu, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) vào chính vụ. Dự báo năm nay sản lượng quả đạt khoảng 65 nghìn - 75 nghìn tấn, bằng 60% so với vụ năm trước, giá bán cũng vì thế mà tăng gấp rưỡi đến gấp hai lần. Người dân trồng vải sẽ có một vụ bội thu.Chúng tôi đến Lục Ngạn khi vải thiều chính vụ đã bắt đầu chín đỏ đồi. Suốt dọc đường từ thị tứ Kim (xã Phượng Sơn) qua Chũ, Hồng Giang, Giáp Sơn... hàng trăm điểm tập kết xe tải hạng nặng treo biển thu mua vải đã chờ sẵn. Thương nhân miền nam nhanh chóng nắm bắt nhu cầu thị trường cũng như sản lượng quả vải năm nay thấp nên tìm đến đặt hàng, thuê điểm thu mua từ nửa tháng trước khi vải vào chính vụ. Tuy không có gì mới khi thị trường tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn năm nay vẫn chủ yếu là Trung Quốc và các tỉnh phía nam, nhưng do sản lượng thấp nên chắc chắn sẽ không có cảnh ép giá, dìm hàng như các năm trước. Đây...
Vải thiều được đưa đi tiêu thụ. |
Chúng tôi đến Lục Ngạn khi vải thiều chính vụ đã bắt đầu chín đỏ đồi. Suốt dọc đường từ thị tứ Kim (xã Phượng Sơn) qua Chũ, Hồng Giang, Giáp Sơn… hàng trăm điểm tập kết xe tải hạng nặng treo biển thu mua vải đã chờ sẵn. Thương nhân miền nam nhanh chóng nắm bắt nhu cầu thị trường cũng như sản lượng quả vải năm nay thấp nên tìm đến đặt hàng, thuê điểm thu mua từ nửa tháng trước khi vải vào chính vụ. Tuy không có gì mới khi thị trường tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn năm nay vẫn chủ yếu là Trung Quốc và các tỉnh phía nam, nhưng do sản lượng thấp nên chắc chắn sẽ không có cảnh ép giá, dìm hàng như các năm trước. Đây chính là điều người dân trồng vải “mong muốn” mỗi vụ thu hoạch.
Giữa cái nắng hè như đổ lửa, hàng nghìn người dân đổ ra đường cùng những thùng, sọt quả lặc lè, căng mọng. Do địa phương tổ chức lực lượng làm mạnh nên tình trạng tắc đường, chèo kéo mua bán, lấn chiếm lòng, lề đường đã giảm hẳn. Theo quan sát của chúng tôi, không còn những chiếc xe tải hạng nặng, xe công-ten-nơ đỗ nghênh ngang dưới lòng đường, cũng không còn cảnh các điểm cân lấn hết vỉa hè đóng hàng. Ở một số điểm tại Hồng Giang, Chũ treo biển cân vải VietGAP, người bán mang hàng đi đem theo cả giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng. Tất nhiên, giá thu mua vải ở các điểm này luôn cao hơn vải thường từ 4.000 đến 6.000/kg. Tuy nhiên, mới vào đầu vụ nên người dân chưa bán nhiều vải tiêu chuẩn VietGAP mà dành để cuối vụ, do loại vải này để được lâu, càng để mã hàng càng đẹp. Vải thiều loại này có mẫu mã, bao bì được cấp phát và có chứng nhận đàng hoàng do chính quyền địa phương và Hội tiêu thụ vải thiều huyện đứng ra tổ chức.
Chị Đức, chủ điểm thu mua tại khu Minh Khai (thị trấn Chũ) cho biết, chị đặt điểm cân từ đầu tháng sáu, thu gom vải sớm cho thương nhân Trung Quốc: “Vụ vải sớm, điểm của tôi đóng được hơn 300 tấn hàng, tiền hoa hồng chủ hàng trả cũng được gần hai chục triệu đồng. Đó mới là “khởi động” thôi, như năm ngoái tôi cân vải chính vụ hơn 5.000 tấn, cũng được hơn trăm triệu đồng”.
Gia đình anh Phương, ở Quý Sơn có hơn ba mẫu đất trồng vải, anh lại áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cho vụ quả năm nay nên dù sản lượng thấp hơn năm trước nhưng bù lại sẽ được giá. Từ lúc vải chớm đỏ, anh Phương đã nhận được những đề nghị đặt hàng thu mua trọn gói cả vườn. Tuy nhiên, anh chưa nhận lời vì cân nhắc giá thương nhân đặt là quá rẻ, “không được 12 nghìn một cân thì khó bán, đầu mùa còn được giá 14 nghìn một cân, mà là loại vải thường không có VietGAP”, anh Phương khẳng định. Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quý Sơn Ân Ngọc Lương, năm nay nông dân Quý Sơn đăng ký gần 100% diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, dự kiến sản lượng khoảng 7.500 tấn vải tiêu chuẩn VietGAP, ước giá trị đạt 10 tỷ đồng.
Những ngày này, hàng trăm chủ hàng từ khắp nơi trong nước cũng như thương nhân Trung Quốc chạy quanh các điểm cân hàng như mắc cửi. Tiếp xúc với chị Lanh, một thương nhân từ TP Hồ Chí Minh ra đóng hàng cho biết, đã thuê năm địa điểm cân hàng đồng thời thuê luôn cả nhân công địa phương với giá 200 đồng/kg/người để chuẩn bị chở hàng vào phía nam. Đội xe đông lạnh trọng tải lớn gần chục chiếc của chị sẽ chạy suốt ngày đêm trong cả tháng vụ vải. “Năm nay đóng hàng khó hơn, do sản lượng vải ít, số chủ hàng nhiều, trong khi thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước khá cởi mở. Địa phương cũng tạo điều kiện tốt nhất có thể cho hoạt động mua bán nhưng cái khó nhất cho chúng tôi là năm nay không được đóng hàng dưới lòng đường. Tuy đỡ tắc hơn nhưng chúng tôi bị động thời gian cho việc vận chuyển đi xa”, chị Lanh cho biết.
Thương nhân Lưu Vũ, người Vân Nam (Trung Quốc) đặt điểm cân tại ngã ba Hồng Giang – Biên Sơn cho biết, gần chục năm nay, năm nào cũng đóng chốt ở đây nhập hàng. Thường thì mua xong ban ngày, chập tối anh cho đóng hàng bốc lên xe chạy thẳng đi Vân Nam qua đường Hà Khẩu (Lào Cai). Lưu Vũ chỉ cân hàng tiêu chuẩn VietGAP, có chứng nhận, nhãn mác để về bên đó bán cho các siêu thị, trung tâm thương mại hoặc thấp hơn là đổ ở chợ đầu mối. Chị Thu, người cân hàng thuê cho nhóm thương nhân Trung Quốc kéo tôi ra một góc nói nhỏ: “Chủ hàng Trung Quốc chọn hàng kỹ lắm, giá cũng chặt, nhưng được cái ổn định. Họ ít điều chỉnh giá trong một ngày lắm, định ra rồi là cứ thế cân đầy xe thì thôi”. Riêng địa bàn xã Hồng Giang, có khoảng 15 nhóm thương nhân Trung Quốc đóng chốt cân hàng, có lẽ bởi khu vực này là đầu mối của vùng vải VietGAP lớn, mẫu mã đẹp và bảo đảm an toàn, do phía Trung Quốc thường xuyên cho người giám sát, kiểm nghiệm trong suốt quá trình chăm sóc đến lúc thu hoạch quả. Theo báo cáo từ Sở Công thương Bắc Giang, những năm gần đây, Trung Quốc là thị trường quan trọng, luôn chiếm đến 40% tổng sản lượng vải thiều toàn huyện Lục Ngạn bán ra thị trường.
Theo Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Văn Tuyến, vụ vải thiều năm nay có mẫu mã và chất lượng quả tốt nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân do thời tiết thuận lợi, phần lớn người dân đã tuân thủ quy trình chăm sóc vải như khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ cũng cởi mở hơn do địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến thương mại giữa các địa phương có cửa khẩu thông thương với Trung Quốc. Việc áp dụng thương mại điện tử cũng hạn chế được nạn ép giá giữa nông dân với thương nhân, thương nhân với các đối tác, nhất là đối tác nước ngoài.
Theo báo cáo của UBND huyện Lục Ngạn, năm nay diện tích trồng vải toàn huyện đạt 18 nghìn ha, trong đó có 6.500ha trồng theo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP. Tính theo giá thị trường thời điểm này tổng giá trị sẽ đạt gần 100 tỷ đồng, một con số không nhỏ đối với một huyện miền núi như Lục Ngạn. Ngoài ra, trong vòng một tháng thu hoạch vải cũng là thời điểm kích cầu cho các hoạt động thương mại, việc làm liên quan của người dân.
Cũng như mọi năm, cứ đến vụ vải là hàng nghìn người lao động từ các địa phương khác đến Lục Ngạn tìm việc. Công việc đơn giản nhất nhưng cho thu nhập không nhỏ là thu hái vải thuê cho các chủ vườn. Năm nay giá công lao động dao động từ 100 nghìn đến 150 nghìn đồng/ngày, tùy theo có nuôi ăn hoặc không. Do nhận biết nhu cầu thu hoạch sẽ không cao như năm trước, cho nên một số nhóm lao động đã cắt cử người tìm đến các mối quen để “nhận chỗ”. Ngoài ra, nhiều người còn nhận thêm việc đóng, bốc xếp hàng lên xe đông lạnh cho các chủ hàng khởi hành ban đêm cũng nhận được khoảng 100 nghìn đồng/lần lên hàng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()