Lực mua mạnh trên thị trường khiến giá dầu tăng phiên thứ 7 liên tiếp
Kết thúc ngày giao dịch hôm qua, giá dầu duy trì đà tăng sang phiên thứ 7 liên tiếp, lên mức cao nhất trong 2 tuần. Giá dầu WTI tăng 1,24% lên 77,87 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,94% lên 82,77 USD/thùng.
Căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu và Trung Đông vẫn đang tiếp diễn, tiềm ẩn rủi ro gián đoạn nguồn cung tại hai khu vực xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới. Ngoài ra, triển vọng nhu cầu tích cực từ phía Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng là yếu tố thúc đẩy lực mua trên thị trường dầu.
Cụ thể, giá dầu WTI tăng 1,24% lên 77,87 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,94% lên 82,77 USD/thùng.
Hãng tin Reuters cho biết Mỹ đã bác bỏ đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về lệnh ngừng bắn ở Ukraine. Trong khi đó tại Trung Đông, các cuộc đàm phán liên quan đến Mỹ, Ai Cập, Israel và Qatar về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza đã kết thúc mà không có gì mới. Điều này cho thấy tính chất phức tạp của các cuộc xung đột và làm dấy lên mối lo ngại về cuộc chiến không hồi kết giữa các bên. Bất ổn địa chính trị còn tiếp diễn, tiềm ẩn rủi ro gián đoạn nguồn cung, vẫn đang là chất xúc tác chính hỗ trợ giá dầu.
Trong khi đó, trong báo cáo thị trường dầu thô tháng 2, OPEC vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng tương đối mạnh về nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2024 và 2025, ở mức lần lượt là 2,25 triệu thùng/ngày và 1,85 triệu thùng/ngày.
Đáng chú ý, trong báo cáo lần này, OPEC tiếp tục đánh giá lạc quan về triển vọng của nền kinh tế Mỹ, khi tổ chức này nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm nay lên 1,6%, từ mức 1%. Tiêu thụ dầu tại Mỹ năm 2024 và 2025 dự kiến đạt trung bình 20,48 triệu thùng/ngày và 20,52 triệu thùng/ngày, tăng so mức 20,41 triệu thùng/ngày và 20,45 triệu thùng/ngày theo ước tính trước.
Hơn nữa, Morgan Stanley cũng đang có có cái nhìn lạc quan hơn về thị trường dầu mỏ năm 2024. Với kỳ vọng thị trường dầu sẽ cân bằng trong năm nay, thay vì thặng dư như dự báo trước đó, tổ chức này đã nâng dự báo dầu Brent năm 2024 lên 80-85 USD/thùng, từ mức 75-80 USD/thùng.
Thêm vào yếu tố hỗ trợ giá, xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga đã giảm trở lại sau khi ghi nhận mức cao nhất trong 7 tháng. Cụ thể, lưu lượng xuất khẩu hằng tuần của nước này đã giảm khoảng 290.000 thùng/ngày xuống 3,49 triệu thùng/ngày trong tuần tính đến ngày 11/2.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 9/2 tăng mạnh 8,52 triệu thùng, so kỳ vọng tăng 2,6 triệu thùng của giới phân tích. Tuy nhiên, tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất lại ghi nhận mức giảm mạnh lần lượt 7,23 triệu thùng và 4,02 triệu thùng, điều này có thể khiến giá dầu giằng co.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()