Lực lượng sung sức đi đầu khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp tháng 3 năm 1945, Thành bộ Việt Minh Hà Nội đã tuyển chọn những đoàn viên thanh niên cứu quốc nhiệt tình, dũng cảm, khoẻ mạnh vào các đội tự vệ và đội tuyên truyền xung phong và lập ra Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Những đội viên này đã tham gia tích cực và góp một phần quan trọng làm nên những trang sử hào hùng của Hà Nội trong cuộc Tổng khởi nghĩa toàn dân giành lại độc lập dân tộc 70 năm trước.
Đội Ngô Quyền
Đội Ngô Quyềncủa những học sinh trường Bưởi(Trường THPT Chu Văn An ngày nay) được thành lập từ tháng 8-1940, ban đầu chỉ có tám người. Đó là những học sinh yêu nước, sớm được giác ngộ và hoạt động dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản. Họ là những hạt nhân đầu tiên của phong trào thanh niên học sinh Hà Nội trong “đêm trước” của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Cùng với những hoạt động công khai, hợp pháp trong nhà trường như giúp nhau học tập, rèn luyện trí lực, thể lực, tổ chức tham quan các di tích lịch sử nổi tiếng…, các đội viên Đội Ngô Quyềnbí mật tìm đọc sách báo của Đảng, tham gia Mặt trận Việt Minh, hòa mình vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc đang dâng cao. Đến đầu năm 1945, số đội viên Đội Ngô Quyềnđã lên tới hơn bốn mươi người.
Trong khí thế sục sôi chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ giành chính quyền, các tổ chức thanh niên yêu nước phát triển rộng khắp ở nhiều trường học, ở các đường phố, ở các xã ngoại thành Hà Nội như Chèm, Dịch Vọng, làng Cót (Hạ Yên Quyết), Láng, Mọc, Bạch Mai, Thịnh Liệt… Các anh, chị em đội viên tìm mọi cách trang bị vũ khí cho mình và luyện tập quân sự rất hăng hái.
Báo Hồn nước
Giữa năm 1944, Ban cán sự Đảng Hà Nội mở lớp huấn luyện đảng viên mới lấy tên là lớp đảng viên Hoàng Văn Thụ noi gương chiến đấu hy sinh bất khuất của đồng chí Hoàng Văn Thụ vừa bị thực dân Pháp xử bắn ngày 24-5-1944. Lớp học tổ chức tại nhà đồng chí Vũ Oanh ở Cẩm Giàng (Hưng Yên) do đồng chí Lê Quang Đạo trực tiếp phụ trách. Sau lớp học, đồng chí Lê Quang Đạo giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Đức Vân tìm cách xuất bản một tờ báo riêng của thanh niên Hà Nội lấy tên là báo Hồn nước – Tiếng nói của nam nữ thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu.
Tham gia nhóm làm bá o Hồn nướccòn có các đồng chí Nguyễn Kim Chi, Mai Luân, Trần Thư, Nguyễn Hải Hùng. Sau một thời gian chuẩn bị, cuối năm 1944 báo Hồn nướcđã ra số đầu tiên. Tờ Hồn nướcsố 1 in bằng đá ẩm, bốn trang, khổ nhỏ. Bài xã luận quan trọng Một ngày bằng hai mươi nămdo đồng chí Lê Quang Đạo viết rồi chuyển đến cho anh em nhà in ở nhà số 11 Hàng Phèn. Từ số 2, báo Hồn nướcđược in li-tô (in trên đá cứng) vừa đẹp hơn vừa tăng được số lượng bản in so với in bằng đá ẩm. Tờ Hồn nướcsố 1 chỉ in được hơn 50 bản, đến số 2 đã tăng lên 200 bản. Các số sau đều in được từ 200 dến 300 bản.
Tờ Hồn nướcsố 5 ra đời ngày 1-7-1945. Ở trang 2 đăng bài thơ Khởi nghĩacủa tác giả Văn Mạc (Hội Văn hóa Cứu quốc) và lời kêu gọi Hãy sửa soạn mở tuần lễ du kích hưởng ứng lời hô hào của báo Cứu quốc. Ngoài ra báo Hồn nướccòn đăng nhiều tin, bài, tranh cổ động… hô hào giành độc lập, ủng hộ Việt Minh.
Ngoài báo Hồn nước, anh em còn in được nhiều truyền đơn và những tập sách tuyên truyền khổ nhỏ: Chương trình Việt Minh, Cách đánh du kích… cùng hai tờ áp-phích khổ lớn: Ủng hộ dân quân đánh đuổi Nhật – Phápvà Tên chó săn Võ Văn Cẩm phải đền tội… Những tài liệu này được tung ra kịp thời đã có tác dụng lớn.
Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, 9-3-1945, theo tinh thần của chỉ thị “ Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Thành bộ Việt Minh Hà Nội đã thành lập Uỷ ban Quân sự thành phố và tuyển chọn những đoàn viên thanh niên cứu quốc nhiệt tình, dũng cảm, khoẻ mạnh vào các đội tự vệ và đội tuyên truyền xung phong.
Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệuđược thành lập gồm ba liên đội. Đồng chí Hà Minh Tuân làm đội trưởng; đồng chí Vũ Oanh, thành ủy viên; rồi sau đó đồng chí Nguyễn Quyết, Bí thư Thành uỷ, trực tiếp lãnh đạo. Các đội viên thanh niên cứu quốc hoạt động sôi nổi, dũng cảm và sáng tạo: In và rải truyền đơn, dán khẩu hiệu, áp-phích; tổ chức và bảo vệ thắng lợi các cuộc mít tinh ở Mễ Trì ngày 20-4-1945, ở chợ Canh ngày 24-4-1945; phá kho thóc ở làng Mọc Quan Nhân (nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) tháng 4-1945; phá cuộc mít-tinh do Đại Việt tổ chức trong vườn Bách Thảo ngày 17-6-1945; diễn thuyết tại các rạp hát Tố Như, Quảng Lạc, Hiệp Thành; hai lần dán áp-phích khổ lớn ủng hộ Việt Minh lên sườn tàu điện tuyến Bờ Hồ – Cầu Giấy và Bờ Hồ – Hà Đông; trừng trị những tên tay sai đắc lực của phát-xít Nhật…
Những hoạt động của Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệucó tiếng vang rộng lớn trong quần chúng đã góp phần không nhỏ đưa khí thế cách mạng ở Hà Nội ngày càng dâng cao trong những ngày tiền khởi nghĩa.
Đêm 15-8-1945, khi được tin phát-xít Nhật đầu hàng, mặc dù Chỉ thị của Trung ương chưa tới nhưng Xứ ủy Bắc Kỳ vẫn quyết định ra lệnh tiến hành Tổng khởi nghĩa trong các tỉnh do Xứ ủy phụ trách.
Ngày 17-8, các đội viên Thanh niên cứu quốc đã táo bạo chiếm diễn đàn, biến cuộc mít-tinh do Tổng hội viên chức tổ chức thành cuộc biểu tình tuần hành biểu dương lực lượng của Việt Minh. Ngay tối hôm đó, tại nhà bà Hai Nhã (thôn Dịch Vọng tiền, nay thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy), Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội đã họp và quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội vào ngày 19- 8. Các đội viên thanh niên cứu quốc ở Dịch Vọng đã canh gác bảo vệ an toàn cho cuộc họp quan trọng này.
Sáng 19-8, những đội viên Thanh niên cứu quốc với đủ mọi loại vũ khí tự trang bị, dẫn đầu những đoàn biểu tình đông đảo với băng, cờ, khẩu hiệu và khí thế cách mạng đang hừng hực bốc cao, từ Dịch Vọng, từ Chèm, từ Thịnh Liệt, từ Ngã Tư Sở, vượt qua nhiều trạm gác của lính Nhật, tiến vào trung tâm thành phố. Quảng trường Nhà hát lớn là tâm điểm hội tụ của các đoàn người.
Hà Nội tràn ngập màu cờ đỏ trong ngày hội của nhân dân và thanh niên Hà Nội – Ngày hội giành độc lập. Sau khi nghe lời hiệu triệu của Ủy ban khởi nghĩa, các đoàn biểu tình tỏa đi chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn. Tại những vị trí then chốt như Phủ Khâm sai, tòa Thị chính, trại Bảo an binh… lực lượng cách mạng đều nhanh chóng làm chủ tình hình.
Khi viết về thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, nhà sử học Pháp Phi-lip De-vi-le (Phillip Devillers), trong cuốn sách của mình: Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952đã nhận định: “Nó còn là kết quả logic của Việt Minh trong mọi khu vực của đời sống đất nước”. Một trong những “khu vực của đời sống đất nước” khá quan trọng khi đó đã được Đảng lãnh đạo và khéo léo đưa lên tuyến đầu của cuộc đấu tranh chính là lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh yêu nước trong các đô thị lớn: Thanh niên tiền tuyếnở Huế, Thanh niên Tiền phongở Sài Gòn.
Khác với Huế và Sài Gòn, lực lượng thanh niên yêu nước đều hoạt động bán công khai, “tương kế tựu kế”, lợi dụng những âm mưu của địch để hoạt động cho cách mạng, ở Hà Nội, Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệuhoạt động bí mật dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy, của Việt Minh. Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, họ là lực lượng sung sức đi đầu khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi “làm gương mẫu” cho các địa phương khác.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()