Lực lượng quân sự đầu tiên của cách mạng
LSO-Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhiều tên đất, tên người đã đi vào lịch sử như những mốc son chói lọi, Bắc Sơn là một địa danh như thế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cách đây 76 năm, quân và dân Bắc Sơn đã tiến hành trận đánh đồn Mỏ Nhài, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên của cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Tuổi trẻ Bắc Sơn tham quan hiện vật của Đội du kích Bắc Sơn trưng bày tại Bảo tàng Bắc Sơn Ảnh: ĐÔNG BẮC |
Ngày 22/9/1940, quân Nhật đánh vào Lạng Sơn, quân Pháp chống cự yếu ớt, rồi rút chạy qua Điềm He, Bình Gia, Bắc Sơn về Thái Nguyên. Nhân dân Bắc Sơn, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, không bỏ lỡ thời cơ, đã tự tổ chức việc thu nhặt vũ khí, tước khí giới của toán quân lẻ để tự vũ trang, sẵn sàng nổi dậy cướp chính quyền. Ngày 27/9/1940, với 20 khẩu súng trường, 8 súng kíp, đội tự vệ vũ trang cùng với khoảng 3.000 quần chúng thuộc các xã: Bắc Sơn,Tam Hoa, Hưng Vũ, Trấn Yên, Ngư Viễn mang theo giáo mác, gậy gộc kéo về châu lỵ Bắc Sơn, tiến đánh đồn Mỏ Nhài. Nghĩa quân chiếm được đồn, thu 10 súng trường, 6 khẩu súng kíp, 2 gánh đạn, 1 máy chữ và toàn bộ sổ sách, bằng triện của địch. Chính quyền cai trị bị tan rã, cuộc khởi nghĩa kết thúc thắng lợi. Hôm sau, ngày 28/9/1940, tự vệ Bắc Sơn còn phục kích tàn quân Pháp ở đèo Thâu Thông, nhân dân các xã Chiêu Vũ, Hưng Vũ đón đánh tàn quân thu thêm vũ khí ở đèo Nà Ty, Dập Dì.
Trước tình thế đó Pháp – Nhật thỏa hiệp với nhau để tập trung lực lượng đàn áp cuộc khởi nghĩa một cách dã man. Đội du kích phải chuyển sang hoạt động lẻ tẻ, phân tán. Trời cuối năm rét như cắt da, cắt thịt, mỗi người chỉ có một bộ quần áo chàm mỏng, lương thực thiếu, phải nhịn đói, gia đình bị khủng bố tàn sát, nhưng các chiến sĩ vẫn quyết chiến đấu đến cùng. Ngay sau khi được tin khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, Xứ ủy Bắc Kỳ đã cử đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp lên lãnh đạo phong trào và hướng cuộc khởi nghĩa vào mục tiêu xây dựng lực lượng để chiến đấu lâu dài. Giữa tháng 10/1940, Ban chỉ huy khu căn cứ du kích Bắc Sơn được thành lập và ngày 16/10/1940, cuộc họp tại khu rừng Tân Hương đã quyết định thành lập đơn vị du kích Bắc Sơn do đồng chí Trần Đăng Ninh làm chỉ huy trưởng. Sau khi nghe đồng chí Trần Đăng Ninh báo cáo, Hội nghị Trung ương lần thứ VII họp tại Đình Bảng (Bắc Ninh) đã quyết định duy trì và bồi dưỡng Đội du kích Bắc Sơn làm lực lượng quân sự đầu tiên cho cách mạng. Lực lượng đó phải được chuyển hướng từ hoạt động quân sự sang chính trị, gây cơ sở, thành lập căn cứ du kích lấy vùng Bắc Sơn – Võ Nhai làm trung tâm.
Tháng 12/1940, Trung ương cử đồng chí Lương Văn Tri, Xứ ủy viên Bắc Kỳ lên tăng cường cho căn cứ. Để củng cố và phát triển Đội Du kích Bắc Sơn, tháng 1/1941, lớp huấn luyện chính trị, quân sự ngắn ngày được tổ chức nhằm nâng cao trình độ chính trị, quân sự và ý thức tổ chức kỷ luật. Mục đích là đào tạo cán bộ cho khu căn cứ và cung cấp cán bộ cho các cơ sở khác. Ngày 14/2/1941, Đội Cứu quốc quân I, được chính thức thành lập ở khu rừng Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, châu Bắc Sơn do đồng chí Lương Văn Tri làm chỉ huy trưởng. Đồng chí Hoàng Văn Thụ, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, thay mặt Trung ương công nhận, trao nhiệm vụ và cờ đỏ sao vàng do Hội Phụ nữ phản đế Hà Nội tặng và trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ do Trung ương đề ra. Đội có 32 người, chia ra làm 3 tiểu đội, do dồng chí Lương Văn Tri và Chu Văn Tấn chỉ huy. Tinh thần cứu nước và ý thức kỷ luật của Đội được thể hiện ở các lời thề: “Không phản Đảng/Tuyệt đối trung thành/Kiên quyết chiến đấu và trả thù cho các đồng chí bị hy sinh/ Không hàng giặc/ Không hại dân”.
Khởi nghĩa Bắc Sơn là biểu hiện sự sáng tạo và tài thao lược trong chỉ đạo khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định ý nghĩa to lớn, góp phần xây dựng chính quyền nhân dân. Kỷ niệm 76 năm Ngày Bắc Sơn khởi nghĩa cũng là dịp tiến tới chào mừng 72 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944—22/12/2016), 27 năm ngày Quốc phòng toàn dân và quyết tâm đưa nghị quyết Đai hội lần thứ XII của Đảng và đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống. Quân dân các dân tộc Lạng Sơn phát huy truyền thống khởi nghĩa Bắc Sơn với lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tinh thần quật khởi, truyền thống đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
MAI TÙNG
Ý kiến ()