Lực lượng quản lý thị trường tỉnh: Siết chặt quản lý kinh doanh thuốc lá
- Buôn bán thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện do tính chất ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe. Những năm qua, lực lượng quản lý thị trường tỉnh (QLTT) đã siết chặt quản lý địa bàn, chú trọng kiểm tra, xử lý đối với mặt hàng thuốc lá.
Ngày 6/1/2024, Đội QLTT số 4 (quản lý địa bàn 2 huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng) phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra xe ô tô tải, biển kiểm soát 29B-305.31, phát hiện trên xe có 67.800 chiếc đầu đốt dùng cho máy hút thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng trị giá hơn 2,3 tỷ đồng. Chủ sở hữu của số hàng hóa trên không xuất trình được hóa đơn chứng từ, giao dịch dân sự hay giấy chứng nhận kiểm nghiệm. Cục QLTT đã ra quyết định xử phạt hành chính 45 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm.
Sáng 8/8/2024, đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1 (quản lý địa bàn thành phố Lạng Sơn) đã tiến hành kiểm tra đối với hộ kinh doanh tại số 44 phố Muối, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện 20 sản phẩm thuốc lá điện tử đang được bày bán. Bao bì sản phẩm không có chữ tiếng Việt, tổng trị giá hàng hóa là 5,2 triệu đồng. Đội QLTT số 1 đã ra quyết định xử phạt đối với hành vi nhập lậu hàng hóa với số tiền phạt là 3 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm hành chính.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ vi phạm liên quan đến kinh doanh mặt hàng thuốc lá được lực lượng QLTT tỉnh phát hiện, xử lý. Từ năm 2023 đến nay, lực lượng QLTT tỉnh đã phát hiện xử lý 17 vụ với các hành vi vi phạm chủ yếu như: kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng hóa, dịch vụ mà không có giấy phép kinh doanh theo quy định. Qua đó, đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính hơn 420 triệu đồng, tịch thu hàng hóa vi phạm gồm: 129.000 chiếc đầu đốt dùng cho máy hút thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ, 172.800 chiếc đầu pod chứa tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử; 64 bao thuốc lá điếu nhập lậu; 6.615 kg lá thuốc lá sấy khô không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng cục QLTT, Cục QLTT tỉnh đã chủ động ban hành các kế hoạch chuyên đề, các giải pháp cụ thể về công tác chống buôn lậu, chống hàng giả lưu thông trên thị trường, trong đó có nhóm mặt hàng thuốc lá. Đồng thời, tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, chuyên đề có liên quan đến thuốc lá; phối hợp với lực lượng chức năng triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hành vi nhập lậu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá.
Theo đó, hằng năm, 8/8 đội QLTT đã bám sát địa bàn, xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ đối với các cơ sở kinh doanh (CSKD) thuốc lá truyền thống, các đại lý bán lẻ thuốc lá (kèm bánh kẹo, tạp hóa). Đồng thời, phối hợp lực lượng chức năng (công an, biên phòng, hải quan) triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm. Từ năm 2023 đến nay, lực lượng QLTT toàn tỉnh đã tổ chức, phối hợp kiểm tra được gần 2.000 cuộc, trong đó có các mặt hàng thuốc lá.
Ông Lê Trung Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1 thông tin: Trên địa bàn hiện có khoảng 20 CSKD, đại lý bán lẻ thuốc lá. Từ năm 2023 đến nay, đội đã kiểm tra, giám sát định kỳ 17 cuộc đối với các CSKD, đại lý bán lẻ thuốc lá, xử phạt vi phạm hành chính 8 vụ với số tiền 24 triệu đồng, tiêu hủy số hàng hóa vi phạm trị giá 21,4 triệu đồng. Nhờ đó đến nay, hầu hết các CSKD, đại lý bán lẻ thuốc lá chấp hành tương đối tốt các quy định của pháp luật.
Trong quá trình kiểm tra, lực lượng QLTT đã lồng ghép triển khai, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong kinh doanh thuốc lá, vận động thực hiện văn minh thương mại đối với các CSKD. Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng QLTT tỉnh đã tuyên truyền lồng ghép trong kiểm tra, kiểm soát thị trường cho gần 2.400 lượt tổ chức, cá nhân. Công tác tuyên truyền còn được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng. Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng QLTT tỉnh đã tuyên truyền lồng ghép tại 11 hội nghị về văn minh thương mại, hơn 1.000 lượt người; tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trang tin điện tử của đơn vị được hơn 500 lượt.
Qua đó, nhận thức của các tiểu thương, chủ CSKD ngày càng được nâng cao, tự giác chấp hành quy định của pháp luật. Bà Trần Thị Yến, chủ CSKD bánh kẹo Hùng Yến (thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình) chia sẻ: Nghe tuyên truyền trên báo, đài và được cán bộ trực tiếp hướng dẫn, tuyên truyền, tôi đã thực hiện kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật như: đăng ký kinh doanh mặt hàng thuốc lá, chỉ kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, dán thông báo không bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi.
Trước những diễn biến phức tạp của thị trường, nhất là các loại hình thuốc lá thế hệ mới, lực lượng QLTT trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát và đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để siết chặt quản lý, xử lý kịp thời, nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm, góp phần cùng với các cấp, ngành chức năng thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Ý kiến ()