Lực lượng dân phòng: Xung kích chống “giặc lửa” ở cơ sở
– Khi xảy ra sự cố cháy nổ tại cơ sở, lực lượng dân phòng luôn có mặt trước tiên ở hiện trường và trực tiếp tham gia công tác chữa cháy. Đây là lực lượng có vai trò quan trọng, xung kích chống “giặc lửa”, góp phần phòng chống cháy, nổ tại cơ sở.
Địa bàn thôn Lũng Phầy – Khuổi Nà, xã Chí Minh, huyện Tràng Định giáp ranh với thôn Tục Ngã, xã Đức Xuân, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Những năm qua, địa bàn này vẫn còn tình trạng người dân phát thực bì rừng chưa đúng quy định nên tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.
Đội viên đội dân phòng phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn thực hành sử dụng bình chữa cháy dạng bột dập lửa
Bà Hà Thị Huệ, Đội trưởng Đội dân phòng thôn Lũng Phầy – Khuổi Nà cho biết: Đội dân phòng của thôn hiện có 10 đội viên. Đội được trang bị 8 bình cứu hỏa loại 4kg, 2 máy bơm nước, 18 mũ bảo hiểm. Hằng quý, chúng tôi phối hợp tuần tra, canh gác, bảo vệ rừng, phát đường băng cản lửa, xây dựng các phương án, tình huống chữa cháy rừng tại khu vực giáp ranh; Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Nhờ đó, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn không xảy ra vụ cháy, nổ nghiêm trọng nào. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn PCCC, tháng 12/2022, đội đã tham gia tổ liên kết bảo đảm an ninh trật tự, PCCC và cứu nạn cứu hộ với thôn Tục Ngã, xã Đức Xuân.
Không chỉ riêng đội dân phòng trên, hiện toàn tỉnh có 1.658 đội dân phòng tại 1.658 thôn, tổ dân phố, mỗi đội có từ 10 đến 30 đội viên. Đây là một trong 4 lực lượng nòng cốt tham gia hoạt động PCCC và cứu nạn cứu hộ ở cơ sở.
Theo số liệu của Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh, từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 94 vụ cháy. Trong đó, lực lượng dân phòng đã tham gia chữa cháy kịp thời 23 vụ cháy nhà dân và 53 vụ cháy rừng, giúp bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.
Ông Dương Doãn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn cho biết: Hiện xã có 9 đội dân phòng. Những năm qua, đội dân phòng đã phát huy tốt vai trò tuyên truyền người dân tham gia phong trào toàn dân PCCC. Tháng 12/2022, trên địa bàn thôn Đông Đằng xảy ra một vụ cháy rừng, lực lượng dân phòng của thôn cùng với các lực lượng đã nhanh chóng vận động gần 200 người dân góp sức phát băng cản lửa, dập tắt đám cháy ngay trong đêm, nhờ đó, vụ cháy không gây thiệt hại về người và tài sản.
Để lực lượng dân phòng phát huy tốt vai trò trong công tác đảm bảo an toàn PCCC ở cơ sở. Thời gian qua, Công an tỉnh, công an các huyện, thành phố đã tổ chức các lớp huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và cứu nạn cứu hộ, tập huấn kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC cho đội ngũ này.
Được biết, hiện nay, 100% đội viên dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ, cấp chứng chỉ PCCC. Qua huấn luyện, bồi dưỡng giúp đội ngũ này trang bị các kiến thức, kỹ năng sử dụng các phương tiện chữa cháy ban đầu khi có tình huống cháy, nổ xảy ra, chủ động làm tốt việc chữa cháy và cứu nạn cứu hộ ban đầu trước khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tới hiện trường, góp phần ngăn chặn không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại về người và tài sản.
Đồng thời, các đội viên đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân, hộ kinh doanh cách sử dụng, kiểm tra, bảo quản bình chữa cháy. Đơn cử như từ năm 2022 đến nay, lực lượng dân phòng đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng tuyên truyền cho trên 200.000 lượt người dân về kiến thức cơ bản trong PCCC, các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC; vận động ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC đối với gần 193.000 hộ dân, cán bộ, học sinh, sinh viên.
Thượng tá Bùi Huy Khánh, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh cho biết: Đội dân phòng là “cánh tay nối dài” của lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ trong công tác đảm bảo an toàn về PCCC tại cơ sở. Nhờ đó, giúp hiệu suất chữa cháy thành công cao, không để cháy lan, cháy lớn, giúp giảm thiệt hại về người và tài sản.
Để phát huy vai trò của đội dân phòng trong công tác PCCC tại khu dân cư, thời gian tới, các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho các đội viên.
Ý kiến ()