LSO-Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới có hệ thống cửa khẩu rất thuận lợi cho giao thương hàng hóa. Đó là những lợi thế rất lớn để phát triển một nền kinh tế thương mại – dịch vụ. Tuy vậy, bên cạnh các ưu thế cũng nảy sinh nhiều khó khăn, phức tạp, nhất là trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Nhiều năm qua, lực lượng công an tỉnh đã luôn phát huy tốt vai trò xung kích trong công tác này.
|
Lực lượng công an phối hợp thu giữ hàng nhập lậu tại thị trấn Đồng Đăng – Ảnh: Khánh Ly |
Từ nhiều năm qua, những cửa khẩu, đường mòn, đường tắt xuyên biên giới trên địa bàn Lạng Sơn luôn được giới buôn lậu tận dụng để vận chuyển hàng giá rẻ của Trung Quốc về Việt Nam. Do sự phức tạp, khó kiểm soát triệt để của lực lượng chức năng và mục tiêu lợi nhuận, tình hình buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại qua biên giới Lạng Sơn có lúc, có nơi gia tăng mạnh, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất – kinh doanh trong nước. Phương thức hoạt động chủ yếu của các chủ buôn lậu là tập kết hàng hóa sát biên giới, khi có sơ hở của lực lượng chức năng kiểm soát biên giới, chúng thuê người mang vác hàng lậu qua các đường mòn, đường tắt rồi cho các xe máy vận chuyển về tập kết tại khu vực gần biên giới. Sau đó, hàng lậu được các chủ hàng xé lẻ rồi thuê khoán cho các nhóm đối tượng, vận chuyển qua nhiều chặng vào nội địa, về các tỉnh phía sau tiêu thụ.
Với chức năng của mình, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện các biện pháp phù hợp, đồng bộ. Bên cạnh đó, gắn với việc phát động phong trào quần chúng nhân dân tích cực tham gia phòng chống tội phạm nhất là ở khu vực biên giới, lực lượng công an còn định kỳ tổ chức cho nhân dân ký cam kết không tham gia vận chuyển, chứa chấp, tiếp tay cho buôn lậu; đề xuất các chính sách cải thiện đời sống nhân dân ở khu vực biên giới, hướng dẫn nhân dân chấp hành nghiêm túc quy định về xuất nhập cảnh.
Nhằm chủ động ngăn chặn, kịp thời có các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa với các vi phạm, Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nghiệp vụ, tuần tra kiểm soát đấu tranh; cũng như thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch của Bộ Công an, Ban Chỉ đạo 127 tỉnh về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Bên cạnh việc tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp, lực lượng công an đã tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung phát hiện, đấu tranh, xử lý các đường dây, tổ chức hoạt động buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện sơ hở, bất cập trong công tác quản lý hoạt động thương mại biên giới với Trung Quốc.
Bằng các biện pháp đồng bộ, quyết liệt, từ năm 2001 đến nay, lực lượng công an Lạng Sơn đã phát hiện, bắt giữ 4.476 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý theo quy định lượng hàng hóa trị giá 129 tỷ đồng; phát hiện, bắt giữ 2.250 vụ buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép, động vật hoang dã quý hiếm với tang vật gần 2.000 m3 gỗ các loại và gần 6.7 tấn động vật hoang dã quý hiếm; bắt giữ 751 vụ buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm nhập lậu với tang vật gần 318 tấn gà thịt, hơn 70 vạn con gà giống. Đáng chú ý là Công an tỉnh đã khởi tố điều tra 25 vụ, 37 bị can về tội buôn lậu.
Theo thượng tá Dương Công Mạnh, Phó trưởng phòng PC 46 Công an tỉnh, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế thường xuyên triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nâng cao chất lượng công tác nắm tình hình, mở nhiều đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn toàn tỉnh. Thời gian gần đây, Công an tỉnh đã tập trung triển khai nhiều biện pháp quyết liệt đấu tranh với tình trạng lợi dụng chính sách đối với cư dân biên giới để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu, song, để giải quyết hiệu quả thực trạng này, cần tiếp tục có sự chỉ đạo sát sao của tỉnh và sự phối hợp đồng bộ hơn nữa của các ngành chức năng trong kiểm tra, kiểm soát, quản lý chế độ hóa đơn chứng từ, nguồn gốc hàng hóa nhập khẩu qua địa bàn.
Ý kiến ()