Lực lượng Công an nhân dân: Đổi mới nội dung, nhân rộng mô hình giáo dục pháp luật hiệu quả
Thời gian qua, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an luôn coi trọng, quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về an ninh-trật tự (ANTT).
Bộ Công an đã chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật về ANTT, tạo khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn chỉnh để lực lượng công an nhân dân (CAND) thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các tiểu ban, tổ soạn thảo đã tập trung nghiên cứu xây dựng, trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua các dự án luật, như: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Ngoài ra, Bộ Công an đã chủ động nghiên cứu, đề xuất nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đề xuất đàm phán, ký kết hoặc gia nhập các điều ước quốc tế song phương, đa phương về phòng, chống tội phạm, tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.
Trong những năm gần đây, Bộ Công an đã thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực, địa bàn. Các chuyên gia, giảng viên đã nghiên cứu, chỉnh lý hệ thống giáo trình pháp luật; tăng thời lượng giảng dạy pháp luật tại các học viện, trường CAND. Bên cạnh đó, lực lượng CAND đã tiên phong trong phát triển ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy vai trò của cơ quan báo chí, truyền thông CAND trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ANTT.
Học viện Chính trị Công an nhân dân tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh vùng cao (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). |
Đặc biệt, công an các đơn vị, địa phương đã có nhiều mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hoạt động hiệu quả với những biện pháp, phương thức tuyên truyền hay. Điển hình như Công an TP Hà Nội với cách tuyên truyền trên mạng xã hội về các hành vi vi phạm và chế tài xử lý đối với người vi phạm pháp luật. Công an quận Hai Bà Trưng sử dụng hệ thống loa phát thanh và các nhóm Zalo để cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo mới của tội phạm.
Từ tháng 11-2020 đến nay, công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức hơn 500 hội nghị phổ biến, quán triệt, tập huấn chuyên sâu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ANTT cho gần 132.100 lượt cán bộ, chiến sĩ; tổ chức 142 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hơn 8.100 lượt cán bộ, chiến sĩ; tổ chức gần 2.400 cuộc sinh hoạt đơn vị phổ biến cho hơn 125.300 lượt cán bộ, chiến sĩ về các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật; biên soạn, in ấn, cấp phát hơn 20.000 cuốn sách, tạp chí, tài liệu pháp luật; gần 2.200 băng, đĩa có nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật đến các đơn vị, địa phương thuộc quyền để tổ chức triển khai thực hiện.
Bên cạnh nhiệm vụ tuyên truyền, công an các đơn vị, địa phương luôn chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật về ANTT. Ngoài việc nêu gương, biểu dương cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật trong thực thi nhiệm vụ. Ngành công an quyết đấu tranh phòng, chống biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong xây dựng pháp luật, cải cách hành chính, tư pháp.
Sau khi phát động triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng CAND giai đoạn 2021-2027”, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an yêu cầu công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới các khâu, quy trình công tác; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đặc biệt, thời gian tới, công an các tỉnh, thành phố sẽ tích cực tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân về quyền, nghĩa vụ của công dân trong việc thực hiện thu thập, cập nhật thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử. Qua đó, góp phần xây dựng dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao nhằm cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về ANTT, phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về ANTT.
Ý kiến ()