Lực lượng cảnh sát Việt Nam - 20 năm gia nhập In-tơ-pôn
Đại diện Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) ký kết với đại diện Tổng cục Cảnh sát Bộ An ninh Lào về phòng, chống tội phạm. Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đầu tư, du lịch và quan hệ của nước ngoài trên nhiều lĩnh vực vào nước ta phát triển nhanh chóng. Ở nước ta, quan hệ quốc tế được mở rộng về kinh tế, văn hóa, xã hội. Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, mặt trái của mở rộng quan hệ quốc tế đã đặt ra nhiều thách thức trong đó có tội phạm xuyên quốc gia phát sinh, phát triển và gia tăng, đặc biệt là các loại tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy, tội phạm lừa đảo xuyên quốc gia, tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em, rửa tiền, tội phạm công nghệ cao, truy nã... Vì vậy, mở rộng hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế là một yêu cầu rất cấp thiết.Ngày 4-11-1991, tại kỳ họp lần thứ 61 của...
|
Ngày 4-11-1991, tại kỳ họp lần thứ 61 của Đại hội đồng In-tơ-pôn, Việt Nam chính thức được kết nạp, trở thành thành viên thứ 156 của tổ chức này. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa to lớn của lực lượng Cảnh sát Việt Nam, mở ra một cơ chế hợp tác đa phương trong thực thi pháp luật phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của thành viên In-tơ-pôn, lực lượng cảnh sát Việt Nam đã hợp tác có hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan bảo vệ pháp luật ở trong nước và các đối tác nước ngoài tại Việt Nam như UNODC, đại diện cảnh sát Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Anh, Đức, Hàn Quốc, Pháp, Nhật về nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia tại Việt Nam cũng như hỗ trợ, phối hợp cảnh sát các nước đấu tranh với tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam. Tiến hành rà soát, phát hiện ra những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội, an ninh trật tự để chủ động phòng ngừa, đấu tranh; xây dựng nhiều quy chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; triển khai đề án phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế (là một trong những đề án quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm).
Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, lực lượng cảnh sát đã phối hợp ngày càng sâu rộng và hiệu quả với các cơ quan thi hành pháp luật của các nước thành viên, các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương. Tiến hành xây dựng Trung tâm dữ liệu tội phạm xuyên quốc gia, nối mạng với Trung tâm dữ liệu tội phạm của In-tơ-pôn và cảnh sát nhiều nước để kịp thời trao đổi, truy cập, tra cứu thông tin tội phạm. Đã tiếp nhận và xử lý hơn 44.749 lượt thông tin, trong đó có 12.379 lượt thông tin liên quan đến công tác truy nã quốc tế, 12.714 lượt thông tin liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự xuyên quốc gia, 3.324 lượt thông tin liên quan đến tội phạm kinh tế và 2.990 lượt thông tin về tội phạm ma túy, 12.379 lượt thông tin liên quan đến hoạt động truy nã, dẫn độ và hơn 13.122 lượt thông tin liên quan đến tương trợ tư pháp hình sự. Qua kênh In-tơ-pôn, Cảnh sát Việt Nam đã bắt giữ và trao trả hơn 200 đối tượng truy nã cho cảnh sát các nước Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…; phối hợp cảnh sát các nước bắt giữ và dẫn độ 49 đối tượng của Việt Nam bị truy nã về nước. Trong đó có đối tượng Bùi Hữu Tài và Nguyễn Thành Thắng được FBI (Mỹ) xếp vào danh sách một trong 10 đối tượng nguy hiểm nhất của năm 1998; đối tượng Nguyễn Hải Nam phạm tội giết người ở Đức…
Từ năm 1991 đến nay, lực lượng cảnh sát Việt Nam đã phối hợp các cơ quan chức năng trong nước, cơ quan thi hành pháp luật nước ngoài xác minh làm rõ nhân thân lai lịch, tiền án, tiền sự, hoạt động phạm tội của hơn 1.000 đối tượng liên quan đến các chuyên án lớn về hình sự của các đơn vị nghiệp vụ, công an địa phương, cảnh sát các nước. Tham gia phối hợp điều tra, xác minh hơn 2.500 vụ việc liên quan đến hoạt động phạm tội giết người, cướp tài sản, nhập cư bất hợp pháp, mua bán người, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia…
Qua công tác phối hợp đấu tranh, đã phát hiện, điều tra, bắt giữ 991 đối tượng là người nước ngoài, 415 đối tượng cầm đầu là người nước ngoài phạm tội kinh tế. Xác minh làm rõ thông tin về hàng nghìn đối tượng, hơn 200 tổ chức có tư cách pháp nhân (là các công ty, ngân hàng, quỹ tín dụng…) liên quan đến các hoạt động tội phạm rửa tiền, buôn lậu, lừa đảo…
Trong đấu tranh chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia, đã bóc gỡ nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam, thu giữ một khối lượng lớn ma túy. Chỉ tính riêng từ năm 2006 đến 6-2011 phát hiện, bắt giữ 397 vụ, 820 đối tượng phạm tội ma túy có yếu tố nước ngoài.
Những năm gần đây, đã tiếp nhận và xử lý gần 60 vụ việc liên quan đến hoạt động của các đối tượng khủng bố hoặc nghi khủng bố, góp phần tích cực chủ động ngăn chặn, không để các tổ chức khủng bố quốc tế xâm nhập vào Việt Nam, không để xảy ra khủng bố tại Việt Nam.
Với sự trưởng thành và hội nhập nhanh chóng vào tiến trình hoạt động của in-tơ-pôn, đặc biệt quyết tâm, nỗ lực, kinh nghiệm cũng như thành tựu trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tại Kỳ họp lần thứ 78 (năm 2009), Đại Hội đồng In-tơ-pôn đã thống nhất để Việt Nam đăng cai tổ chức Kỳ họp Đại Hội đồng lần thứ 80 vào tháng 10-2011 tại Thủ đô Hà Nội – thành phố Vì hòa bình. Việc đăng cai tổ chức hội nghị In-tơ-pôn toàn cầu lớn nhất từ trước tới nay thể hiện Đại Hội đồng In-tơ-pôn tin tưởng vào thể chế chính trị ổn định, an ninh, an toàn được bảo đảm tuyệt đối. Với kinh nghiệm và uy tín Việt Nam sẽ thực hiện thành công hội nghị, nâng cao hơn một bước sự liên kết trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia của cảnh sát trên toàn thế giới. Kỳ họp lần này tại Việt Nam là cơ hội để bè bạn quốc tế chứng kiến sự thành công của công cuộc đổi mới, đường lối đối ngoại rộng mở chắc chắn sẽ giành được sự quan tâm về đầu tư, du lịch vào Việt Nam. Đối với lực lượng Cảnh sát Việt Nam đánh dấu sự trưởng thành, nâng cao vị thế, vai trò và hình ảnh trên trường quốc tế.
20 năm hội nhập Tổ chức In-tơ-pôn là một chặng đường đầy dấu ấn của sự thành công, bài học kinh nghiệm tạo tiền đề, mở ra hướng hợp tác mới trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, phục vụ đắc lực sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Trong những năm tới, các loại tội phạm xuyên quốc gia sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và gia tăng kể cả hành vi phạm tội, tính chất, thủ đoạn. Vì vậy yêu cầu hợp tác quốc tế trong đấu tranh càng phải được tăng cường hơn; lực lượng cảnh sát Việt Nam sẽ mở rộng quan hệ hợp tác song phương, đa phương, phát huy cao độ hợp tác qua kênh In-tơ-pôn. Triển khai tích cực, hiệu quả đề án phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2011-2015. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để tăng cường cho lực lượng phòng, chống tội phạm quốc tế, nâng cao năng lực, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, ngoại ngữ, công nghệ thông tin cho cán bộ chiến sĩ để đáp ứng được yêu cầu hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()