“Lực hút” của các đảo quốc Thái Bình Dương
Việc Mỹ vừa công bố khoản tài trợ lớn tại các đảo Thái Bình Dương cho thấy khu vực này vẫn là một tâm điểm trên bản đồ địa chính trị thế giới. Với hàng chục nghìn đảo nhỏ nằm rải rác, cùng nguồn tài nguyên phong phú, các đảo ở Thái Bình Dương là địa điểm lý tưởng để các nước thúc đẩy hợp tác và mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực.
Bên ngoài khách sạn Grand Pacific, nơi tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương, ở thủ đô Suva, Fiji, ngày 11/7. (Nguồn: Reuters) |
Hội nghị cấp cao Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương lần thứ 51 diễn ra tại thủ đô Suva của Fiji từ ngày 11 đến 14/7. Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên kể từ năm 2019 giữa các nhà lãnh đạo của 18 đảo quốc thành viên, gồm cả Australia và New Zealand. Chủ đề chính của hội nghị là biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 và cạnh tranh địa chính trị gia tăng trong khu vực.
Trong bối cảnh khu vực chịu tác động do biến đổi khí hậu và dịch bệnh nặng nề hơn so với các nơi khác trên thế giới, hội nghị kêu gọi các đảo quốc láng giềng ở Thái Bình Dương cùng đoàn kết đối phó thách thức chung. Bộ trưởng Ngoại giao Australia nhấn mạnh rằng, các nước đều đang tìm cách vượt qua nhiều thách thức và sẽ tốt hơn nếu các nước gắn kết với nhau.
Điểm đáng chú ý trong hội nghị cấp cao của các đảo Thái Bình Dương lần này là những cam kết mạnh mẽ của Mỹ tại khu vực. Tuyên bố Chính phủ Mỹ sẵn sàng “khởi đầu một chương mới” tại Thái Bình Dương, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết, Mỹ cam kết khoản tài trợ 600 triệu USD cho khu vực Thái Bình Dương và quyết định mở thêm các đại sứ quán tại Tonga và Kiribata. Nhằm tăng cường sự hiện diện ở khu vực, Washington cũng sẽ chỉ định phái viên đầu tiên tại Thái Bình Dương và khởi động chiến lược mới đối với khu vực này.
Trên thực tế, đây không phải động thái mạnh mẽ đầu tiên thể hiện sự quan tâm của Mỹ đối với các đảo ở Thái Bình Dương. Các cam kết được Phó Tổng thống Mỹ đưa ra lần này được xây dựng dựa trên phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị của Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương năm 2021, cũng như chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đến Fiji hồi đầu năm 2022.
Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Mỹ đã bổ nhiệm đặc phái viên phụ trách đàm phán với ba đảo quốc Thái Bình Dương, còn gọi là nhóm các quốc gia liên kết tự do gồm Marshall, Micronesia và Palau, về việc gia hạn Hiệp định liên kết tự do. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã lên kế hoạch mời các nhà lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương tới Nhà trắng vào cuối năm nay.
Điều phối viên của Nhà trắng về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kurt Campbell cho biết sẽ có thêm nhiều quan chức cấp cao của Mỹ tới thăm các đảo quốc Thái Bình Dương, trong bối cảnh Washington tăng cường hợp tác với các nước tại khu vực chiến lược quan trọng này. Ông Campbell nhấn mạnh, Mỹ cần nhiều cơ sở ngoại giao hơn trên khắp khu vực, cũng như liên lạc nhiều hơn với các đảo quốc Thái Bình Dương.
Mỹ cũng có kế hoạch thúc đẩy giải quyết những vấn đề của các đảo quốc Thái Bình Dương bằng cách hợp tác với “các nước cùng chí hướng”. Cuối tháng 6 vừa qua, Mỹ cùng Australia, New Zealand, Anh và Nhật Bản, chính thức khởi động cơ chế hợp tác không chính thức với tên gọi Đối tác Thái Bình Dương xanh (PBP), nhằm tìm cách tăng cường hợp tác kinh tế giữa các đảo Thái Bình Dương và phần còn lại của thế giới.
Năm quốc gia đối tác cùng khẳng định quyết tâm chung trong việc mở rộng hợp tác để hỗ trợ và mang lợi ích cho người dân các đảo ở Thái Bình Dương, trên nguyên tắc bảo đảm chủ quyền, minh bạch và có trách nhiệm.
Các đảo quốc ở Thái Bình Dương đang cần rất nhiều vốn đầu tư nước ngoài để khai phá tiềm năng của khu vực. Sự cạnh tranh một cách lành mạnh có thể thúc đẩy nền kinh tế của các đảo Thái Bình Dương. Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama tuyên bố: Thái Bình Dương cần những đối tác thật sự chứ không phải những siêu cường chỉ tập trung vào quyền lực.
Ý kiến ()