“Lục địa đen” với nhiều tiềm năng khởi nghiệp
Trên khắp châu Phi đang ghi nhận phong trào khởi nghiệp tuy còn non trẻ nhưng ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Văn phòng thống kê FDI Intelligence thuộc Tạp chí Financial Times và Công ty nghiên cứu thị trường Briter Bridges vừa cùng phối hợp công bố Báo cáo khởi nghiệp châu Phi. Hai đơn vị trên đã tiến hành khảo sát tại 17 quốc gia của châu lục này với hơn 50 công ty khởi nghiệp thu hút các khoản đầu tư từ 500.000USD trở lên trong giai đoạn 2019-2020.
Hãng thương mại điện tử Jumia của Nigeria trở thành công ty khởi nghiệp đầu tiên ở châu Phi được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán NYSE (Mỹ) vào tháng 4-2019. Ảnh: TechCrunch |
Theo báo cáo, Nam Phi đứng đầu danh sách về các mặt như tình trạng khởi nghiệp, môi trường thân thiện với doanh nghiệp và tiềm năng kinh tế. Từ khi khởi xướng Sáng kiến đổi mới và Công nghệ Cape vào tháng 10-2009, “đất nước cầu vồng” đã hỗ trợ hàng nghìn doanh nhân khởi nghiệp thành công và hiện tại trở thành “vườn ươm” khởi nghiệp hàng đầu châu Phi. Nếu tính theo tiêu chí số lượng, Nigeria đứng đầu với hơn 750 công ty khởi nghiệp. Trong khi đó, Ai Cập đang có chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) cho khởi nghiệp tốt nhất, còn Morocco và Tunisia được đánh giá cao khi thực hiện các cải cách hỗ trợ tăng trưởng khởi nghiệp.
Mặc dù đầu tư vào không gian khởi nghiệp của châu Phi còn rất khiêm tốn, chỉ hơn 2 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2020 so với 156,2 tỷ USD chỉ riêng năm 2020 ở Mỹ, nhưng “lục địa đen” vẫn cho thấy tiềm năng phát triển rất rõ ràng trong lĩnh vực này. Theo báo cáo hằng năm mới nhất của Quỹ đầu tư mạo hiểm Partech Africa thuộc Tập đoàn Partech (Mỹ), bất chấp sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trong năm 2020, số lượng nhà đầu tư khởi nghiệp quan tâm đến châu Phi tăng 24%, đồng thời các công ty khởi nghiệp ở châu Phi đã thực hiện 359 giao dịch, nhiều hơn bất cứ năm nào trước đó.
Ý kiến ()