Luật thuế VAT về phân bón: Cần dung hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân
Ngày 9/4, tại Hà Nội, Hiệp hội Phân bón Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo Thực hiện Luật 71/2014/QH13 VAT về phân bón.
Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: M.P) |
Ngày 26/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đó, từ năm 2015, các mặt hàng: phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp… thuộc đối tượng không chịu thuế VAT từ nhập khẩu đến sản xuất, thương mại bán ra.
Tại Hội thảo ông Nguyễn Hạc Thúy – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, những tác động của Luật 71/2014/QH13 đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ khiến doanh nghiệp phải tính toán lại để tiếp tục tiết giảm chi phí đầu vào, hoặc tăng chi phí đầu ra của sản phẩm phân bón, khiến người nông dân phải mua phân bón với giá cao hơn. Theo tính toán của Hiệp hội phân bón Việt Nam, sản xuất phân bón trong nước khi áp dụng thực hiện Luật thuế 71/2014/QH13 thì giá thành các loại phân bón sẽ tăng hơn. Khi đó, dù người nông dân được miễn thuế VAT 5% nhưng ngược lại phải chịu cộng thuế các sản phẩm đầu vào khiến phân bón tăng bình quân hơn 7%.
Đại diện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng cho biết, trước khi thực hiện Luật 71/2014/QH13, khi tiến hành sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp mua nguyên vật liệu và các chi phí đầu vào khác với giá đã có thuế VAT để sản xuất phân bón, cuối kỳ được Nhà nước hoàn lại phần thuế VAT này. Khi bán các sản phẩm phân bón thì các doanh nghiệp sẽ bán với giá trước thuế cộng thêm 5% thuế VAT và số thuế VAT này doanh nghiệp sẽ nộp cho Nhà nước.
Tuy nhiên, khi triển khai Luật 71/2014/QH13 thì phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế VAT nghĩa là khi mua nguyên vật liệu các các dịch vụ đầu vào khác các đơn vị sản xuất vẫn phải mua với giá có thuế VAT mà không được Nhà nước hoàn lại phần thuế VAT đầu vào như trước; còn khi bán sản phẩm thì không được cộng thêm thuế VAT. Vì vậy, doanh nghiệp phải tính phần không được hoàn thuế VAT đầu vào giá sản phẩm để xây dựng giá bán. Như vậy, giá thành sản xuất phân bón sẽ tăng tương đương với phần thuế VAT đầu vào mà Nhà nước không hoàn lại doanh nghiệp như trước đây. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc cạnh tranh về giá thành giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước .
Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong những năm qua, mặc dù kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn nhưng Nhà nước vẫn chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất phân bón nhằm mục tiêu chủ động nguồn phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà không phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu. Nếu để phân bón nhập khẩu lấn lướt phân bón sản xuất trong nước thì sản xuất nông nghiệp sẽ phụ thuộc rất lớn vào hàng nhập khẩu. Khi đó, Nhà nước, doanh nghiệp và trước nhất là người nông dân phải chịu thiệt và an ninh lương thực quốc gia sẽ bị ảnh hưởng.
Tại Hội thảo ông các thành viên thuộc Hiệp hội đưa ra một số kiến nghị. Cụ thể, để tạo thuận lợi cho sản xuất của doanh nghiệp và lợi ích người dân, Chính phủ báo cáo Quốc hội xin bổ sung, sửa đổi Luật 71/2014/QH13 thuế VAT về phân bón. Đơn cử như đưa mặt hàng phân bón chịu thuế VAT chuyển sang đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất bằng 0%; Cho hoàn thuế VAT với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu đã đóng thuế trước năm 2015. Song song với việc điều chỉnh, sửa đổi luật 71/2014/QH13 cần ban hành Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện luật thuế mới. Có như vậy, lợi ích từ Luật 71/2014/QH13 mới dung hòa được lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()