Luật Thi đua khen thưởng: Khen thưởng dân chủ, công khai, đúng người
Từ khi có Luật Thi đua, khen thưởng và các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật, công tác khen thưởng đã đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật, chất lượng được nâng lên.
Cùng với các phong trào thi đua lan tỏa, công tác khen thưởng cũng có được những kết quả nổi bật sau 17 năm thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng.
Từ khi có Luật và các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật, công tác khen thưởng đã đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật, chất lượng được nâng lên; việc thẩm định hồ sơ khen thưởng và đề nghị khen thưởng của các cấp, các ngành đã đảm bảo thực hiện theo quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Các bộ, ban, ngành, địa phương đã chú trọng khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích, khen thưởng người lao động trực tiếp, góp phần động viên, giáo dục, nêu gương trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Khen thưởng đối với người trực tiếp lao động, sản xuất
Bộ Nội vụ cho biết các loại hình khen thưởng (khen thưởng thường xuyên, khen đột xuất, khen thưởng theo niên hạn, khen thưởng tổng kết các giai đoạn cách mạng và khen thưởng đối ngoại) được triển khai ở các cấp, các ngành kịp thời và thiết thực. Công tác khen thưởng thực hiện kịp thời, đảm bảo tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ theo quy định; việc bình xét khen thưởng được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo dân chủ, công khai, đúng người, đúng thành tích. Công tác khen thưởng đã có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc.
Những năm gần đây, công tác khen thưởng đối với người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu… đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, khen thưởng Bằng khen cấp bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chiếm gần 50%.
Khen thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động các hạng, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang chiếm 15%. Số liệu khen thưởng trong 13 năm (2004-2017) cho thấy, tỷ lệ khen thưởng theo công trạng và thành tích hàng năm đạt được chiếm 14,33%; khen thưởng theo niên hạn cho lực lượng vũ trang chiếm 63,15%; khen thưởng kháng chiến chiếm 20,66%, các danh hiệu vinh dự Nhà nước chiếm 1,35% trên tổng số khen thưởng; trong đó các hình thức khen thưởng của Chủ tịch nước chiếm 89,90%, các hình thức khen thưởng của Thủ tướng Chính phủ chiếm 10,10% ….
Trên cơ sở các quy định của Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành, các bộ, ban, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện công tác khen thưởng đảm bảo chính xác, kịp thời, bám sát các quy định về đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn và bảo đảm trình tự, thủ tục, hồ sơ đúng quy định theo tinh thần cải cách hành chính.
Các trường hợp được khen thưởng chủ yếu là những tập thể, cá nhân tiêu biểu, đạt thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị, chấp hành tốt chính sách, pháp luật. Nhiều tấm gương dũng cảm trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, những cá nhân có thành tích xuất sắc, đột xuất trong đấu tranh phòng, chống tội phạm đã được các cấp tổ chức trao thưởng ngay tại khu dân cư, kết hợp với tuyên truyền gương người tốt, việc tốt…
Đặc biệt, trong các đợt dịch COVID-19, rất nhiều tập thể, cá nhân đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tặng Bằng khen. Đơn cử, vào đầu tháng 9/2021, Chủ tịch nước đã quyết định truy tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho bà Trần Thị Phương Hằng, nguyên Điều dưỡng (hạng IV), Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và ông Trịnh Hữu Nhẫn, bác sỹ (hạng III), nguyên Trưởng Trạm Y tế xã Phước Lộc, Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 20/5 vừa qua, huyện Nhà Bè xuất hiện những ca mắc COVID-19 đầu tiên. Cùng với đội ngũ phản ứng nhanh, bác sỹ Trịnh Hữu Nhẫn và tất cả nhân viên trạm y tế thực hiện nhiệm vụ điều tra ca bệnh, truy vết và lấy mẫu. Gần 2 tháng xả thân vì công việc, ngày 11/7 vừa qua, bác sỹ Nhẫn có kết quả xét nghiệm PCR dương tính với SARS-CoV- 2 và ông đã qua đời ngày 4/8 vừa qua do viêm phổi nguy kịch, suy hô hấp, suy tim.
Còn điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng cũng là người không quản ngại khó khăn, xung phong nhận nhiệm vụ mới khi Bệnh viện Nhân dân Gia Định chuyển đổi công năng Khoa Hồi sức tích cực chống độc thành Khoa Hồi sức COVID-19. Điều dưỡng này bị nhiễm SARS-CoV-2 và đã không qua khỏi.
Giải quyết dứt điểm việc khen thưởng thành tích kháng chiến
Chính sách khen thưởng kháng chiến là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Việc khen thưởng thành tích thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945; trong kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ được Đảng và Nhà nước triển khai từ năm 1961 đến nay đã 60 năm.
Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo rà soát, giải quyết dứt điểm việc khen thưởng thành tích kháng chiến, đảm bảo các tập thể, cá nhân có thành tích trong kháng chiến, đủ tiêu chuẩn đều được khen thưởng theo quy định, không bỏ sót trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn chưa được khen thưởng.
Từ năm 2003 đến nay, Chủ tịch nước đã quyết định tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp cho 2.494 trường hợp; Huy chương Kháng chiến chống Pháp cho 30.678 trường hợp; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cho 106.622 trường hợp; Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cho 199.452 trường hợp. Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen thành tích kháng chiến cho trên 21 nghìn trường hợp.
Công tác xét, đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” được triển khai thực hiện. Từ năm 2013 đến nay, sau khi có Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung đã triển khai tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”cho trên 83.000 trường hợp.
Việc khen thưởng Huân chương Độc lập cho gia đình có nhiều liệt sỹ được triển khai từ những năm 1985 về cơ bản các gia đình có nhiều liệt sỹ hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc đều đã được ghi nhận, khen thưởng. Chủ tịch nước đã quyết định khen thưởng Huân chương Độc lập cho 14.392 gia đình có nhiều liệt sỹ.
Việc khen thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang đối với các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thực hiện đúng chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình thủ tục. Chủ tịch nước đã quyết định phong tặng, truy tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang thời kỳ kháng chiến cho 1.975 trường hợp, trong đó có 1.123 tập thể, 852 cá nhân (truy tặng 547 cá nhân, phong tặng 305 cá nhân).
Ngoài các nội dung khen thưởng trên, công tác khen thưởng cho các đối tượng làm nhiệm vụ quốc tế tại các nước bạn Lào, Camphuchia; khen thưởng cho cán bộ cách mạng bị địch bắt tù đày cũng được triển khai thực hiện đảm bảo không bỏ sót người có công. Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ tặng Huy hiệu Vì nghĩa vụ Quốc tế cho trên 10 nghìn trường hợp; Kỷ niệm chương Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày cho trên 55 nghìn trường hợp.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đến nay còn hơn 9.000 trường hợp hồ sơ khen thưởng chưa đủ căn cứ theo quy định đang xem xét, nghiên cứu để hướng dẫn người dân hoàn thiện. Các trường hợp nêu trên chủ yếu không có đủ giấy tờ, không có xác nhận làm căn cứ xét khen thưởng, có những hồ sơ đã trình đi, trình lại nhiều lần, khi xem xét giải quyết thường gặp khó khăn về căn cứ xác nhận thành tích.
Cũng theo Bộ Nội vụ, công tác khen thưởng đối với tập thể, cá nhân thuộc doanh nghiệp theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được các địa phương, bộ, ban, ngành triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Việc khen thưởng không phân biệt là doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước hay ngoài nhà nước, thực hiện theo nguyên tắc mọi tập thể, cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Thực tế, đã có nhiều tập thể, cá nhân thuộc các doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước trong đó có cả doanh nghiệp FDI đã được tặng thưởng các hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua, danh hiệu vinh dự Nhà nước như Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ Thi đua của Chính phủ, Danh hiệu Anh hùng Lao động.
So sánh giữa khu vực doanh nghiệp Nhà nước và ngoài Nhà nước, công tác khen thưởng với tập thể, cá nhân doanh nghiệp nhà nước được thực hiện tương đối bài bản, theo quy định, bởi doanh nghiệp Nhà nước trước đây đều có bề dày truyền thống, đều trực thuộc các bộ, ngành, ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố nên công tác thi đua, khen thưởng đã thành nền nếp; tuyến trình khen thưởng được xác định rõ ràng.
Việc áp dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa quản lý công tác thi đua, khen thưởng đã được quan tâm, triển khai từ Trung ương đến bộ, ban, ngành, địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng, giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị đề nghị khen thưởng./.
Ý kiến ()