Luật hóa các quy định về quản lý phân bón
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, chiều ngày 13/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Trồng trọt.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, việc ban hành Luật Trồng trọt nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường; có cơ cấu quản lý, sản xuất, kinh doanh hợp lý; tạo lập được nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hoá, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế.
Dự thảo Luật gồm 7 Chương và 82 Điều.
Dự thảo Luật được rà soát, điều chỉnh, bổ sung và luật hoá những nội dung chưa được quy định hoặc quy định chưa phù hợp tại các văn bản luật, văn bản dưới luật để phù hợp với đặc thù của lĩnh vực trồng trọt.
Theo Bộ trưởng, dự Luật đã bổ sung các nguyên tắc quản lý trong lĩnh vực trồng trọt đảm bảo phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng, phát triển thị trường quốc tế trên cơ sở khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, doanh nghiệp, Nhà nước và lợi ích cộng đồng.
Bổ sung và luật hóa công tác xây dựng chiến lược phát triển trong lĩnh vực trồng trọt gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Bổ sung và luật hóa các chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư; hỗ trợ hoặc ưu đãi của Nhà nước cho các hoạt động cần ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phù hợp với yêu cầu phát triển trồng trọt trong giai đoạn mới bao gồm: Chính sách bảo vệ chất lượng đất trồng trọt; phát triển và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chính xác, công nghệ thông tin trong trồng trọt, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu chọn, tạo giống cây trồng chất lượng, chống chịu sâu bệnh và thích ứng biến đổi khí hậu; bảo tồn nguồn gen cây trồng quý hiếm; xây dựng ngân hàng gen cây trồng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Dự luật cũng luật hoá các quy định về quản lý phân bón, bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ hơn đối với các phân bón vô cơ hỗn hợp, ưu tiên phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ (không phải khảo nghiệm).
Đồng thời luật hóa quy định về hoạt động canh tác nhằm từng bước điều chỉnh hoạt động của các nhà quản lý, doanh nghiệp và người sản xuất theo hướng thay đổi quan hệ sản xuất, thiết lập mối liên kết sản xuất bền vững theo hình thức sản xuất có hợp đồng, tạo điều kiện để phát triển một nền sản xuất hàng hóa, có giám sát và cấp chứng nhận sản phẩm…
Thẩm tra dự Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá cao các nội dung đổi mới cơ bản của dự thảo Luật Trồng trọt. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ một số nội dung để bảo đảm tính khả thi khi Luật được ban hành. Cụ thể như: Lộ trình xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để kiểm soát được chất lượng giống, chất lượng phân bón; việc khai thác, sử dụng vật liệu nhân giống, nguồn gen từ các cơ sở bảo tồn nguồn gen giống cây trồng thuộc hệ thống cơ sở bảo tồn của Nhà nước để tránh lãng phí, thất thoát nguồn tài nguyên này; mối quan hệ giữa công nhận giống cây trồng với bảo hộ giống cây trồng trong Luật Trồng trọt và Luật Sở hữu trí tuệ để thuận tiện cho việc quản lý và áp dụng luật.
Ngoài ra, Ban soạn thảo cũng cần xem xét một số quy định trong dự thảo Luật cho phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh giống cây trồng hiện nay như: Quy định về trình độ người làm kỹ thuật ở cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán giống cây; quy định về cơ sở bảo quản, chế biến phải gắn với vùng nguyên liệu; quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại vùng canh tác trong khu đô thị và canh tác gắn với du lịch phải được phép của cơ quan quản lý chuyên ngành…
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, dự Luật liên quan đến nhiều luật khác do đó đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát về phạm vi điều chỉnh luật; tránh mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định của pháp luật hiện hành.
Góp ý cụ thể về nội dung dự Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhận xét, vấn đề cây trồng, giống biến đổi gen đang được xã hội quan tâm nhưng trong dự Luật vẫn chưa đặt vấn đề.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đặc biệt đề nghị cần nghiên cứu xây dựng chiến lược về quy hoạch, công tác dự báo, về phát triển đầu ra của sản phẩm. “Hiện nay ta trồng trọt tự phát. Năm nào cũng có tình trạng được mùa bất giá, chạy theo thị trường… Đầu ra không ổn định làm đời sống người dân vất vả, bấp bênh” – ông nói
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh, giống cây trồng cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng lớn. Do vậy ông bày tỏ băn khoăn khi dự Luật chưa đề cập đến vấn đề bảo tồn gen, bảo vệ giống. Quan tâm tới trách nhiệm quản lý nhà nước về trồng trọt, dẫn lại dự thảo quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để phát triển trồng trọt trên địa bàn, ông đặt câu hỏi: Vậy trách nhiệm Nhà nước như thế nào, tới đâu? Nếu không tiêu thụ được thì có bảo hộ không, ai chịu trách nhiệm trước người dân?. “Phải làm rõ nếu có chiến lược, UBND có hướng dẫn thì phải bảo hộ, khi đó sản phẩm ra thì phải mua” – ông đề nghị.
Ngoài những vấn đề trên, tại phiên họp, nhiều ý kiến thảo luận về quản lý phân bón; quản lý canh tác; quản lý thu hoạch, mua bán, bảo quản, sơ chế, chế biến, xuất nhập khẩu sản phẩm trồng trọt…/.
Ý kiến ()