Luật Đất đai (sửa đổi): Một số nội dung cần rà soát để hoàn thiện hơn
Một số nội dung cần được rà soát để hoàn thiện sâu sắc hơn như việc quản lý tiết kiệm, hiệu quả, điều tiết giữa nguồn thu từ đất giữa Trung ương và địa phương; cách thức, thủ tục tính giá đất.
Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15, tại Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được thực hiện từ ngày 3/1/2023 đến ngày 15/3/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đăng tải nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các tài liệu liên quan trên website lấy ý kiến nhân dân (luatdatdai.monre.gov.vn). 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân.
Quá trình lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến nay, đã có hơn 12 triệu lượt ý kiến tập trung vào các vấn đề như bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tài chính đất đai, giá đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và nhiều nội dung khác. Việc tiếp thu ý kiến của nhân dân được thực hiện ngay trong quá trình lấy ý kiến, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan của Quốc hội, Chính phủ để nghiên cứu tiếp thu, giải trình.
Có thể khẳng định rằng việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, chuyên sâu, bảo đảm thực chất và hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến tận cơ sở xã, phường, thị trấn, khu dân cư, tổ dân phố, huy động được hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các giai tầng trong xã hội tham gia, thu hút được sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đã thực sự trở thành cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng, sự kiện chính trị-pháp lý quan trọng. Các ý kiến tham gia của nhân dân đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm.
Nhiều điểm mới về chính sách pháp luật về đất đai
Dự thảo Luật lần này đã có bước tiến rất quan trọng về chất lượng với nhiều nội dung được sửa đổi chi tiết, giải quyết được các vướng mắc thực tế trong quản lý, sử dụng đất đai. Trong đó, tiếp tục bổ sung nhiều điểm mới, phù hợp với các quan điểm, định hướng đổi mới chính sách pháp luật về đất đai theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII như bổ sung chính sách cho thuê đất thương mại dịch vụ theo hình thức thuê đất trả tiền thuê đất 1 lần cho cả thời gian thuê, mở rộng hơn các trường hợp Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất 1 lần cho cả thời gian thuê như đất khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao để khuyến khích các dự án sử dụng đất để sản xuất, đất thương mại dịch vụ để hoạt động du lịch nhằm thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của Nhà nước, khuyến khích thị trường bất động sản phát triển.
Bổ sung chính sách Nhà nước thu hồi đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm cả đất xây dựng công trình sự nghiệp công lập và đất xây dựng công trình sự nghiệp ngoài công lập, giải quyết mâu thuẫn giữa chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và chính sách đất đai để xây dựng các cơ sở giáo dục và đào tạo; bổ sung chính sách mới về áp dụng giá đất cụ thể, khắc phục hạn chế vướng mắc trong việc giao đất, cho thuê đất hoặc tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất bị chậm tiến độ do phải chờ ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất đang diễn ra phổ biến trong cả nước.
Bên cạnh việc đã tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp, Dự thảo Luật vẫn còn một số nội dung cần được rà soát để hoàn thiện sâu sắc hơn như việc quản lý tiết kiệm, hiệu quả, điều tiết giữa nguồn thu từ đất giữa Trung ương và địa phương; phương pháp, cách thức, trình tự thủ tục tính giá đất; việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi…
Dự thảo Luật cần tiếp tục được nghiên cứu cho phù hợp, đồng bộ với một số dự thảo luật đang trong quá trình sửa đổi như Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Giá…
Thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội
Tại Điều 79 “Thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” trong dự thảo Luật cũng là nội dung nhận được nhiều ý kiến của nhân dân. Trong đó, nhiều ý kiến tán thành với dự thảo Luật về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng đề nghị mở rộng thêm đối với các dự án xã hội hóa (y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường).
Có ý kiến đề nghị Nhà nước cần mở rộng các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội, kể cả các dự án sử dụng vốn đầu tư tư nhân; quy định rõ tiêu chí thu hồi đất phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để các địa phương dễ áp dụng, tránh lạm dụng các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; rà soát lại cách diễn giải thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng cho mạch lạc, ngắn gọn.
Tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã sửa đổi toàn bộ nội dung của điều này, trong đó quy định rõ các trường hợp thật cần thiết thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng gồm: Để thực hiện các công trình công cộng như giao thông, thủy lợi, năng lượng, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin… Để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp như trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, cơ sở văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; cơ sở y tế, dịch vụ xã hội, cơ sở giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, ngoại giao.
Để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng khác như: dự án nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm, dự án lấn biển, dự án nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho lực lượng vũ trang; thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư trúng thầu thực hiện dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10 ha trở lên tại khu vực nông thôn và 05 ha trở lên tại khu vực đô thị.
Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
Tại Chương VII “Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” gồm 21 điều (từ Điều 90 đến Điều 110), giảm 1 điều so với dự thảo lấy ý kiến nhân dân. Đây cũng là nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vừa phải bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, vừa phù hợp với đặc thù của từng vùng, miền, bảo đảm không để ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người có đất bị thu hồi và nguồn thu nhập có liên quan đến đất bị thu hồi.
Các ý kiến góp ý tập trung vào nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất; các khoản bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm, tái định cư; điều kiện của nơi tái định cư.
Dự thảo Luật đã được nghiên cứu, rà soát tiếp thu quy định cụ thể, luật hóa một số quy định trong các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai hiện hành đã được thực tế chứng minh là phù hợp để quy định trong dự thảo Luật đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi, tạo sự đồng thuận, giảm khiếu nại, khiếu kiện; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương dễ áp dụng, đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư./.
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/luat-dat-dai-sua-doi-mot-so-noi-dung-can-ra-soat-de-hoan-thien-hon/865758.vnp
Ý kiến ()