Chỉ còn vài tháng nữa, Đại hội Thể thao Ô-lim-pích và Pa-ra-lim-pích 2012 sẽ khai mạc tại Thủ đô Luân Đôn trong niềm háo hức mong đợi không chỉ của riêng nước Anh mà cả thế giới. Đây là sự kiện đặc biệt với Luân Đôn khi vinh dự trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới ba lần đăng cai tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này.Công viên Ô-lim-pích. Ảnh: London.com Công tác chuẩn bị cho Thế vận hội 2012 được bắt đầu từ bảy năm trước đã gần hoàn tất, với tổng chi ngân sách ước tính khoảng 9,3 tỷ bảng Anh. Công viên Ô-lim-pích, nơi diễn ra các hoạt động chính của Ô-lim-pích và Pa-ra-lim-pích, được xây dựng trên khu đất rộng 2,5 km2, phía đông Thủ đô Luân Đôn. Đây từng là nơi chứa rác thải công nghiệp. Năm 2007, hai năm sau khi giành quyền đăng cai Ô-lim-pích 2012, chính quyền thành phố Luân Đôn đã chọn khu đất này để xây dựng công viên Ô-lim-pích với mong muốn tái sinh vùng đất thành một công viên đô thị bền vững, giàu sức sống. Phía nam công viên là các...
Chỉ còn vài tháng nữa, Đại hội Thể thao Ô-lim-pích và Pa-ra-lim-pích 2012 sẽ khai mạc tại Thủ đô Luân Đôn trong niềm háo hức mong đợi không chỉ của riêng nước Anh mà cả thế giới. Đây là sự kiện đặc biệt với Luân Đôn khi vinh dự trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới ba lần đăng cai tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này.
Công viên Ô-lim-pích. Ảnh: London.com
Công tác chuẩn bị cho Thế vận hội 2012 được bắt đầu từ bảy năm trước đã gần hoàn tất, với tổng chi ngân sách ước tính khoảng 9,3 tỷ bảng Anh. Công viên Ô-lim-pích, nơi diễn ra các hoạt động chính của Ô-lim-pích và Pa-ra-lim-pích, được xây dựng trên khu đất rộng 2,5 km2, phía đông Thủ đô Luân Đôn. Đây từng là nơi chứa rác thải công nghiệp. Năm 2007, hai năm sau khi giành quyền đăng cai Ô-lim-pích 2012, chính quyền thành phố Luân Đôn đã chọn khu đất này để xây dựng công viên Ô-lim-pích với mong muốn tái sinh vùng đất thành một công viên đô thị bền vững, giàu sức sống. Phía nam công viên là các công trình phục vụ các hoạt động của Thế vận hội. Khu vực phía bắc được xây dựng theo hướng tạo không gian xanh, vừa ngăn lũ lụt, vừa là môi trường sống của hàng trăm loài động vật hoang dã. Sân vận động Ô-lim-pích, “trái tim” của các hoạt động tại Thế vận hội, nơi diễn ra lễ khai mạc và bế mạc, đã được hoàn thành ngày 29-3-2011, với tổng chi phí 486 triệu bảng Anh. Trưởng Ban quản lý xây dựng các công trình phục vụ Ô-lim-pích G.Ác-mít cho biết, sân vận động có sức chứa 80 nghìn chỗ ngồi. Ngoài ra, làng vận động viên đã được hoàn thành với 2.818 căn hộ phục vụ hơn 16.500 vận động viên và các quan chức đến từ 200 quốc gia. Khu vực giao lưu chính được thiết kế bảo đảm tiện nghi dành cho vận động viên và quan khách với rạp chiếu phim, trung tâm mua sắm, quán cà-phê, cửa hàng tạp hóa, ngân hàng, thẩm mỹ viện, điểm kết nối in-tơ-nét, bán đồ lưu niệm và trung tâm giải trí… Một nhà hàng hoạt động 24/24 giờ trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội, phục vụ 60 nghìn suất ăn mỗi ngày. Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Thế vận hội Ô-lim-pích Luân Đôn 2012 (LOCOG) X.Cô-ê khẳng định, làng vận động viên sẽ mang đến cho các vận động viên cảm giác thoải mái như ở nhà, để chuẩn bị tốt cho những thời khắc thi đấu quan trọng.
Tâm điểm của công viên Ô-lim-pích là tòa tháp Arcelor Mittal Orbit, cao 114,5 m, được xây giữa trung tâm thể thao dưới nước và sân vận động chính. Điểm nhấn của tháp Orbit là kết cấu thép chạy thành những đường quỹ đạo bao quanh thân tháp, lấy cảm hứng từ năm vòng tròn Ô-lim-pích. Tháp có đường đi bộ ngoài trời, cho phép mỗi giờ khoảng 700 khách du lịch lên chiêm ngưỡng vẻ đẹp toàn công viên. Công trình kiến trúc hiện đại này được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng đánh dấu sự kiện Ô-lim-pích năm 2012, là điểm tham quan thu hút khách du lịch tới Thủ đô nước Anh, không chỉ trong mà cả sau Thế vận hội.
Ngoài ra, thành phố Luân Đôn hứa hẹn mang đến một lễ khai mạc ấn tượng. Chính phủ Anh quyết định tăng gấp hai lần dự chi cho lễ khai mạc và bế mạc Ô-lim-pích và Pa-ra-lim-pích 2012 lên 81 triệu bảng. Bộ trưởng Thể thao Anh H.Rô-bớt-sơn cho biết, lễ khai mạc và bế mạc là cơ hội để thể hiện những gì tốt đẹp nhất với thế giới, tạo cho khách du lịch những ấn tượng đẹp nhất về nước Anh và Thủ đô Luân Đôn. Đạo diễn điện ảnh từng đoạt Giải Ô-xca 2009 Đ.Bô-lê, chỉ đạo nghệ thuật lễ khai mạc tiết lộ, màn khai mạc Thế vận hội mang tên Cơn Bão, tên vở kịch lừng danh của Sếch-xpia, ca ngợi tinh thần bất khuất của con người.
Để bảo đảm an ninh cho Thế vận hội, mặc dù kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, Chính phủ Anh vẫn “mạnh tay” tăng ngân sách cho an ninh từ 282 lên 553 triệu bảng. Đồng thời, tăng cường 13.700 nhân viên an ninh phục vụ hai hoạt động thể thao. Ban tổ chức cho biết, đến nay, có khoảng 70 nghìn tình nguyện viên tham gia phục vụ Ô-lim-pích. Một loạt các cuộc diễn tập nhằm sát hạch các kế hoạch bảo đảm an ninh cho Thế vận hội sẽ được thực hiện. Mới đây nhất, ngày 20-2, cảnh sát Luân Đôn đã tiến hành diễn tập kiểm tra phản ứng của hệ thống dịch vụ khẩn cấp trên mặt đất, cách thức các nhà lãnh đạo xử lý tác động của vụ tiến công, điều tra tội phạm và một loạt vấn đề như gián đoạn giao thông, biểu tình và tội phạm có tổ chức có thể ảnh hưởng Thế vận hội.
Thế vận hội Ô-lim-pích 2012 là thách thức lớn với nước Anh trên nhiều mặt như an ninh, hậu cần, tổ chức… Đồng thời, đây cũng là cơ hội lớn để xứ sở sương mù quảng bá hình ảnh đất nước tới bè bạn quốc tế.
Theo Nhandan
Ý kiến ()