Lúa vụ đông xuân năng suất cao, thu nhập nông dân thấp
Hiện nay, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch rộ lúa đông xuân 2021-2022. Theo ngành nông nghiệp một số địa phương, mặc dù lúa vụ này năng suất cao nhưng do chi phí đầu vào tăng nên lợi nhuận thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vụ đông xuân năm nay, các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long xuống giống khoảng 1,5 triệu ha lúa, đến nay nhân dân đã thu hoạch được hàng trăm nghìn ha.
Chi phí vật tư nông nghiệp cao
Vụ đông xuân 2021-2022, tỉnh Tiền Giang xuống giống gần 50.000 ha lúa. Những ngày này, nông dân trên địa bàn đã thu hoạch được hơn 40 nghìn ha, năng suất bình quân ước đạt 7,6 tấn lúa khô/ha, cao hơn vụ đông xuân trước 0,6 tấn/ha.
Theo ghi nhận, vụ đông xuân năm nay nông dân trúng mùa, nhưng giá bán không cao cộng chi phí đầu vào lại tăng khiến cho lợi nhuận thấp hơn so với các vụ trước. Gia đình ông Nguyễn Văn Kiên, xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông trồng 1,3 ha lúa, thu hoạch lúa tươi tại ruộng đạt 8 tấn/ha, cao hơn 1 tấn/ha so với vụ lúa đông xuân trước. Thế nhưng thời gian qua, giá bán lúa chỉ đạt 5.800 đồng/kg, thấp hơn 300 đồng/kg so với cùng kỳ.
Ngồi nhẩm tính, ông Kiên buồn rầu cho biết, “Vụ này, lợi nhuận thấp hơn nhiều so với vụ trước khoảng 30% do giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu, thuê nhân công chăm sóc, thu hoạch… đều tăng. Nếu vụ trước, với 1,3 ha lúa, gia đình tôi có lợi nhuận khoảng 32 triệu đồng thì nay giảm xuống còn 22 triệu đồng, mặc dù chúng tôi đã tiết kiệm phân, thuốc bảo vệ thực vật, giống và tận dụng công lao động trong gia đình”. Còn tại khu vực phía tây của tỉnh Tiền Giang, nông dân trồng lúa cũng kém vui hơn.
Bà Lê Thị Mỹ Duyên, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy tâm sự: “Vụ mùa vừa qua, gia đình tôi trồng 0,5 ha lúa, năng suất đạt được 8,5 tấn/ha nhưng giá bán lại thấp hơn 400 đồng/kg. Trong khi đó, tất cả chi phí cho vụ mùa đều tăng cao nên lợi nhuận chỉ bằng nửa so với năm trước. Gia đình tôi đang tính chuyển đổi ruộng lúa sang trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, nhiều loại cây ăn quả chủ lực ở khu vực này giá bán cũng đang ở mức thấp, khó tiêu thụ nên gia đình đang cân nhắc”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Nguyễn Chí Thiện cho biết, vụ lúa đông xuân 2021-2022, nông dân xuống giống gần 224.000 ha, hiện đã thu hoạch khoảng 50% diện tích, năng suất lúa khô ước đạt 64,2 tấn/ha. Bên cạnh đó, các huyện Tân Thạnh, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường đã gieo trồng được hơn 31.800 ha lúa hè thu 2022.
Theo tính toán của người dân, giá thành sản xuất lúa đông xuân này tăng gấp hai đến ba lần so với vụ lúa hè thu năm 2021. Trong đó, giá vật tư nông nghiệp, xăng dầu, công lao động tăng cao đã đẩy giá thành sản xuất lên gần 3.400 đồng/kg, trong khi giá bán lúa hàng hóa tại ruộng hiện ở mức khoảng 6.000 đồng/kg lúa chất lượng cao, lúa thường khoảng 5.500 đồng/kg… đã kéo lợi nhuận giảm hơn cùng kỳ năm trước khoảng 10 triệu đồng/ha.
Ông Trần Văn Vinh, xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa chia sẻ, “Gia đình tôi canh tác hơn 2 ha lúa đông xuân. Mặc dù năm nay thời tiết tương đối thuận lợi, hơn nữa sử dụng xác nhận nhiều nên đã hạn chế sâu, bệnh gây hại. Mặt khác, giá phân bón tăng cao nên nông dân áp dụng biện pháp sạ thưa, sạ hàng, cân đối phân bón để giảm chi phí, vì vậy năng suất lúa ước đạt khoảng 8 đến 8,5 tấn/ha lúa tươi. Tuy nhiên, do vụ sản xuất này giá vật tư nông nghiệp tăng hơn 100% so với vụ hè thu năm 2021 ngay từ đầu vụ nên ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận sau thu hoạch”.
Hướng đến sản xuất lúa thông minh
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, trong cơ cấu giá thành sản xuất lúa thì giống chiếm 9%, phân bón chiếm 22%, thuốc bảo vệ thực vật chiếm 16%, công lao động chiếm 28%… Vì vậy, việc nông dân lạm dụng quá nhiều các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đã làm tăng chi phí sản xuất.
Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, bón phân theo phương pháp thủ công thông thường, cây trồng chỉ hấp thụ được khoảng 50% hàm lượng dinh dưỡng, còn áp dụng kỹ thuật vùi phân có thể tăng tỷ lệ hấp thụ lên 80%, vừa giảm lượng phân bón thực tế mà vẫn đạt hiệu quả. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho rằng, lợi nhuận vụ lúa đông xuân năm nay thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 10 triệu đồng/ha, nguyên nhân chủ yếu là do chi phí vật tư nông nghiệp, công lao động tăng cao đã đẩy giá thành sản xuất tăng theo.
Trong khi, giá bán lúa hàng hóa lại thấp hơn vụ mùa năm trước gần 1.500 đồng/kg. Một nguyên nhân nữa là hiện nay người dân vẫn còn quen canh tác lúa theo kiểu truyền thống cũng khiến chi phí tăng cao. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân trồng lúa cần mạnh dạn áp dụng quy trình giảm giống, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và quản lý dịch hại để gia tăng lợi nhuận.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, trước tình trạng giá phân bón tăng cao, vụ lúa đông xuân 2021-2022, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai thí điểm mô hình sản xuất giảm phân bón ở xã Mỹ Tân, huyện Cái Bè và xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây.
Kết quả cho thấy, chi phí sản xuất giảm 4 đến 5 triệu đồng/ha do giảm lượng phân đạm từ 10 đến 20%, lúa ít sâu bệnh nên giảm thêm chi phí thuốc bảo vệ thực vật nhưng năng suất vẫn bảo đảm. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh cũng thực hiện các mô hình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” tại xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây.
Nông dân tham gia mô hình sử dụng giống lúa chất lượng cao, giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80 kg/ha (trước sử dụng hơn 120 kg/ha). Nhờ vậy, chi phí sản xuất đã giảm được 4 triệu đồng/ha, đồng thời còn góp phần bảo vệ môi trường do giảm đáng kể dư lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Nguyễn Chí Thiện cho biết, trước bối cảnh giá vật tư nông nghiệp đang ở mức cao, ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo nông dân giảm lượng phân đạm, kali trong một đến hai vụ, thực hiện bón vôi để kiểm soát phèn sẽ bảo đảm năng suất cho cây lúa, giảm chi phí.
Ngoài ra, khuyến cáo nông dân tận dụng các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để làm phân hữu cơ bón cho lúa; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp đúng kỹ thuật. Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát vật tư nông nghiệp kém chất lượng, nguồn giống chất lượng cao để phục vụ nhu cầu giống cho sản xuất của nông dân.
Về lâu dài, các bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh sản xuất lúa theo phương châm “1 phải, 5 giảm” (phải sử dụng giống lúa cấp xác nhận hoặc nguyên chủng; giảm lượng hạt giống gieo trồng, giảm phân bón, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch) và “3 giảm, 3 tăng” (giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả); đồng thời đẩy mạnh sản xuất lúa theo cánh đồng lớn nhằm tạo điều kiện cho cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất, nâng cao lợi nhuận cho nông dân…
Ý kiến ()