Thứ 4, 25/12/2024 13:21 [(GMT +7)]
Lúa lai LS1: Hành trình đến đồng đất Xứ Lạng
Thứ 4, 16/11/2011 | 08:39:00 [(GMT +7)] A A
Ông Bình cho biết: đây là loại giống ngắn ngày, nếu đưa vào sản xuất trong vụ mùa thì quá tốt, sẽ giúp đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu mùa vụ để chống rét và hạn cuối vụ. Như ở Bắc Sơn, mùa sớm sử dụng LS1 đạt tới hơn 7 tấn/ha. Các mô hình do cán bộ khuyến nông thực hiện ở tất cả 11 huyện thành phố trong tỉnh, năng suất đều ở mức trên 6 tấn/ha. Việc tìm ra những giống lúa mới phù hợp như LS1 là nền tảng quan trọng để Lạng Sơn củng cố an ninh lương thực, tạo động lực cho nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững.
LSO-Giờ đây giống lúa lai LS1 không chỉ được sử dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn mà còn “chiếm lĩnh” ra các tỉnh miền núi phía Bắc như Tuyên Quang, ên Bái, Hà Giang… Nhưng không nhiều người biết, để đến được với đồng đất Xứ Lạng, LS1 phải trải qua một hành trình khá dài với tâm huyết của những người làm công tác giống và sự hỗ trợ đắc lực của cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh.
Mô hình lúa lai LS1 cho năng xuất cao hơn 7 tấn/ha trong vụ xuân 2011 ở xã Vân An (Chi Lăng) |
Ông Phan Minh Hiệp, Giám đốc Công ty Cổ phần giống cây trồng Lạng Sơn kể về giống lúa lai LS1 một cách trìu mến như nói về đứa con của mình. Nếu xét về điều kiện canh tác lúa so với các tỉnh đồng bằng, Lạng Sơn có quá nhiều thua kém. Chỉ xét riêng về điều kiện khí hậu, trải từ Tràng Định tới Đình Lập, từ Hữu Lũng qua Bắc Sơn…, Lạng Sơn có tới 5 tiểu vùng khí hậu, trong khi đó hạn hán luôn là mối đe dọa thường trực đối với nông nghiệp, còn trình độ thâm canh của nhân dân vẫn còn ở mức thấp…
Chính vì vậy, việc tìm ra giống lúa tốt, có ưu điểm nổi trội như chịu hạn, năng suất cao và chất lượng tốt luôn là trăn trở đối với những người làm công tác giống trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Năm 2005, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Lạng Sơn đưa vào khảo nghiệm hơn 12 giống lúa lai với nhiều đặc điểm khác nhau.
Qua vụ khảo nghiệm đầu tiên, 12 giống đã loại 7. Vừa may, vụ khảo nghiệm thứ 2 tiến hành đúng lúc Phòng NN&PTNT Lộc Bình thời điểm đó đang triển khai thực hiện đề tài về so sánh giống. Vậy là lồng ghép luôn với khảo nghiệm 5 loại giống còn lại so với giống đối chứng Nhị ưu 838. Đây được coi là vụ khảo nghiệm quan trọng nhất, bởi nó sẽ quyết định loại giống nào sẽ được chọn ra để trình sản xuất thử nghiệm.
Vì vậy tham gia đánh giá vụ này có cả các chuyên gia đánh giá của Trung tâm khảo nghiệm giống quốc gia. Những giống này, khi ấy, người ta đã đặt tên cho chúng và LS1 mang trong mình những ưu điểm nổi trội và tỏ ra đặc biệt thích hợp với điều kiện của các tỉnh miền núi. Nếu như các giống lúa lai trước đây hầu hết mang một nhược điểm là năng suất cao, nhưng chất lượng gạo lại không bằng các giống thuần, thì LS1, thuộc thế hệ lúa lai thứ 2 đã hoàn toàn khắc phục được nhược điểm này.
Năm 2007, LS1 đã được gửi tới Trung tâm khảo nghiệm giống quốc gia và 1 năm sau đó đã được công nhận cho sản xuất thử nghiệm, tức là có thể đưa ra rộng hơn khảo nghiệm, nhưng không được quá 2.000ha. Quá trình sản xuất thử nghiệm, LS1 tiếp tục thể hiện “phong độ” ổn định, đến bước này, giống lúa lai mới đã hoàn toàn dẹp đi những băn khoăn, hồ nghi trước đó. Con đường đến với đồng đất Xứ Lạng không còn bao xa nữa. Tháng 12/2009, LS1 chính thức được công nhận là giống quốc gia.
Việc đưa giống mới vào sản xuất đại trà thì Trung tâm khuyến nông đã có quá nhiều kinh nghiệm. Ông Nguyễn Công Bình, Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh cho biết: thời điểm ấy, trung tâm chỉ đạo mỗi cán bộ khuyến nông phải thực hiện một mô hình trình diễn về lúa lai LS1 và vận động nhân dân cùng làm theo. Có mô hình điểm đã đạt tới 9 tấn/ha; trên diện rộng, mô hình 150 ha ở Lộc Bình đã đạt năng suất bình quân 7,8 tấn/ha. Một con số ấn tượng so với năng suất lúa bình quân của toàn tỉnh. Thế rồi, LS1 nhanh chóng lan tỏa đi các tỉnh trong khu vực, cho đến nay đã đến với 8 tỉnh miền núi phía Bắc. Ở Lạng Sơn, vụ xuân có trên 1.000 ha lúa sử dụng loại giống này và theo khảo sát thì nhu cầu vẫn tiếp tục tăng.
Ông Bình cho biết: đây là loại giống ngắn ngày, nếu đưa vào sản xuất trong vụ mùa thì quá tốt, sẽ giúp đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu mùa vụ để chống rét và hạn cuối vụ. Như ở Bắc Sơn, mùa sớm sử dụng LS1 đạt tới hơn 7 tấn/ha. Các mô hình do cán bộ khuyến nông thực hiện ở tất cả 11 huyện thành phố trong tỉnh, năng suất đều ở mức trên 6 tấn/ha. Việc tìm ra những giống lúa mới phù hợp như LS1 là nền tảng quan trọng để Lạng Sơn củng cố an ninh lương thực, tạo động lực cho nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững.
Vũ Như Phong
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()