Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc hợp tác thi công công trình
Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đại diện chủ đầu tư Ban Quản lý dự án (PMU) đường Hồ Chí Minh đang khẩn trương hoàn tất thủ tục tìm nhà thầu mới cho gói thầu số 9, thuộc dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ (QL) 14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên), đoạn qua tỉnh Đác Lắc, do nhà thầu để xảy ra nhiều sai phạm và đã bị chấm dứt hợp đồng.
Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 qua địa bàn tỉnh Đác Lắc được chia thành 10 gói thầu. Liên danh Tổng công ty CP Sông Hồng – Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn trúng gói thầu số 9 với giá trị gần 111 tỷ đồng (trong đó Tổng công ty CP Sông Hồng đảm nhận phần khối lượng khoảng 82 tỷ đồng). Theo quy định của Bộ GTVT, dự án này không có nhà thầu phụ (nếu có phải được Bộ GTVT phê duyệt mới được quyền tham gia) và nhà thầu phụ (được phê duyệt) chỉ được quyền tham gia không quá 30% tổng giá trị gói thầu. Thế nhưng, Tổng công ty CP Sông Hồng lại giao quyền trực tiếp thi công gói thầu nêu trên cho công ty con là Công ty CP Sông Hồng 36 khi chưa được Bộ GTVT phê duyệt. Một lần nữa, Công ty CP Sông Hồng 36 lại tự ý mang gói thầu số 9 đi ký hợp tác, liên danh với các nhà thầu phụ khác như: Công ty TNHH Xây dựng Thành Đô (Đác Lắc); Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng – Khai thác mỏ Tân Việt Bắc (Hà Nội),… để thi công gói thầu này khi chưa thông qua Bộ GTVT và đại diện chủ đầu tư PMU đường Hồ Chí Minh.
Công ty CP Đầu tư Xây dựng hạ tầng và Khai thác mỏ Tân Việt Bắc (Công ty Tân Việt Bắc) một trong hai nhà thầu “phụ” nêu trên khẳng định mình đã bị lãnh đạo Công ty CP Sông Hồng 36 lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc hợp tác thi công công trình. Ông Nguyễn Văn Bắc, đại diện công ty cho biết: Để tìm kiếm nguồn việc cho công ty, qua môi giới, tôi được biết Công ty CP Sông Hồng 36 trúng hai gói thầu; trong đó, có một gói thầu số 9 thuộc dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng QL14 đoạn qua tỉnh Đác Lắc. Cuối năm 2013, đại diện Công ty CP Sông Hồng 36 đã bàn giao mặt bằng tại tuyến đường thuộc gói thầu số 9 (thuộc địa phận xã Pơng Drăng, huyện Krông Búc, tỉnh Đác Lắc), cho Công ty Tân Việt Bắc. Ngay sau khi được giao mặt bằng thi công, Công ty Tân Việt Bắc đã chủ động ứng vốn, điều động nhân lực, máy móc, thiết bị thi công và triển khai công việc theo đúng yêu cầu của đại diện chủ đầu tư và nhà thầu chính Công ty CP Sông Hồng 36. Nhưng ngay sau khi triển khai, Công ty Tân Việt Bắc phát hiện lãnh đạo Công ty CP Sông Hồng 36 còn ký hợp đồng thi công chính gói thầu này với Công ty TNHH Xây dựng Thành Đô (trụ sở tại tỉnh Đác Lắc). Một gói thầu chỉ có 4 km đã bị nhà thầu chính “bán” cho hai nhà thầu phụ thi công. Điều đáng nói hơn, Công ty CP Sông Hồng 36 luôn lảng tránh hoàn thiện các thủ tục cần thiết để đưa Công ty Tân Việt Bắc vào danh sách nhà thầu phụ chính thức của chủ đầu tư dù công ty nhiều lần thúc giục. Nửa năm trời thi công từ đó đến nay, Công ty Tân Việt Bắc đã bỏ ra hơn bảy tỷ đồng ứng trước vật tư, thiết bị và nhân lực thi công. Công ty CP Sông Hồng 36 đã lấy hồ sơ thi công để làm nghiệm thu thanh toán với đại diện chủ đầu tư PMU đường Hồ Chí Minh nhưng không thanh toán lại cho Công ty Tân Việt Bắc. Sự việc vỡ lở, Công ty Tân Việt Bắc đã làm đơn tố cáo tới đại diện chủ đầu tư và Tổng Công ty CP Sông Hồng, đồng thời yêu cầu thanh toán toàn bộ chi phí bỏ ra cho phần việc đã thi công ở gói thầu số 9. Giám đốc Công ty Thành Đô, Đỗ Hồng Thanh cho biết: Công ty Thành Đô cũng đã bỏ tiền ứng vốn khoảng 6 tỷ đồng để thi công gói thầu nêu trên, nhưng khi nghiệm thu, thanh toán với chủ đầu tư, Công ty Sông Hồng 36 đã dùng khối lượng thi công của Công ty Thành Đô để nhận tiền và cũng không thanh toán cho Thành Đô một đồng nào (!?)
Dự án mở rộng, nâng cấp QL 14 đi qua huyện Cư M'gar và thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đác Lắc) có tổng chiều dài hơn 25 km được khởi công từ tháng 6-2013, do liên danh nhà đầu tư Công ty Kinh doanh xuất nhập khẩu Quang Đức – Gia Lai, Công ty CP Đông Hưng – Gia Lai và Công ty CP Sê San 4A thực hiện theo hình thức BOT.Sau đó, liên danh này thành lập Công ty CP BOT Quang Đức để ký hợp đồng với công ty mẹ (Công ty Kinh doanh xuất nhập khẩu Quang Đức) làm chủ đầu tư dự án này. Dự án được chia thành 10 gói thầu, đến nay đã được bàn giao toàn bộ mặt bằng, nhưng mới có 8 trong số 10 gói thầu triển khai thi công. Theo báo cáo của PMU đường Hồ Chí Minh, tính đến đầu tháng 6, khối lượng thực hiện của các gói thầu quá chậm so với yêu cầu của Bộ GTVT.Đến nay, các nhà thầu chủ yếu chỉ mới thi công nền đường, cống thoát nước, móng đá,… Trong những ngày đầu tháng 6, các nhà thầu đã đồng loạt dừng thi công vì chủ đầu tư không chịu thanh toán tiền cho họ. Bộ GTVT đã có công điện yêu cầu Công ty CP BOT Quang Đức giải quyết vướng mắc để các nhà thầu thi công trở lại nhưng đến nay, chỉ có gói thầu số 5 thi công, còn lại chín gói thầu khác của dự án vẫn “án binh bất động”.
Trước tình hình trên, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) và PMU đường Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị xử lý nhà thầu Tổng công ty CP Sông Hồng do sử dụng thầu phụ không đúng quy định tại gói thầu số 9 dự án mở rộng QL 14 đoạn qua tỉnh Đác Lắc. Với vi phạm này, Bộ GTVT đã yêu cầu PMU đường Hồ Chí Minh chấm dứt hợp đồng với nhà thầu này. Bộ GTVT cũng yêu cầu PMU đường Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo nhà thầu thực hiện theo đúng yêu cầu. Bộ GTVT còn có văn bản số 6433/BGTVTCQLXD chấp thuận nội dung đề nghị của PMU đường Hồ Chí Minh về việc xử lý nhà thầu thi công tại gói thầu số 2 đoạn qua tỉnh Đác Lắc do nhà thầu không huy động đủ năng lực theo cam kết, làm chậm tiến độ thi công và ảnh hưởng tiến độ chung của các dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()