Lựa chọn 'xế hộp': Ôtô gầm cao đô thị ngày càng được ưa chuộng
Những năm gần đây, phân khúc xe gầm cao đang ngày càng tăng trưởng mạnh. Đây là phân khúc xe được nhiều người tiêu dùng Việt lựa chọn bởi giá cả hợp lý cùng tính thực dụng cao.
Anh Tiến Hải (quận Hoàng Mai, Hà Nội) sở hữu một chiếc Kia K3 từ khi mới đi bắt đầu đi làm. Trong những năm đầu, chiếc sedan cỡ C phù hợp với nhu cầu di chuyển của anh khi thi thoảng chở vợ và con nhỏ đi chơi. Thế nhưng, khi con lớn, chiếc K3 trở nên không đủ rộng rãi, cộng thêm mỗi lần quê ông bà gửi đồ đạc nên chiếc xe càng chật chội.
Sau một thời gian tích góp và tìm hiểu thông tin, anh Hải bán chiếc K3 và “tậu” Mazda CX-5. Chiếc crossover 5 chỗ đã giải quyết những vấn đề ở chiếc sedan mà anh từng sử dụng như khoang ghế ngồi rộng rãi, cốp thể tích lớn, tầm nhìn tốt hơn…
Doanh số bùng nổ
Không chỉ với anh Tiến Hải, đây cũng là quan điểm của nhiều bộ phận người dùng Việt khi chọn mua xe ôtô hiện nay.
Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lũy kế cả năm 2017 số lượng bán ra thị trường của sedan đạt 72.946 chiếc, trong khi đó số lượng SUV đạt 31.072 chiếc và crossover chỉ vọn vẹn 9.003 chiếc, gộp chung đạt 40.075 chiếc, xấp xỉ 54%.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó đến nay, doanh số phân khúc xe này tăng liên tục theo các năm.
Đến hết năm 2021, doanh số của dòng xe gầm cao đô thị đã lên đến 92.183 chiếc, tăng 230% so với thời điểm 2017; còn đối với dòng sedan, doanh số cùng năm đạt 75.588 chiếc, tăng vỏn vẹn 3% sau 4 năm. Hầu như tháng nào doanh số của SUV/crossover cũng cao hơn sedan, ngoại trừ tháng 1 và tháng 6/2022.
Còn lũy kế hết tháng 11/2022, doanh số của SUV và Crossover đạt khoảng 110.040 chiếc, còn sedan đạt 83.565 chiếc. Tính trung bình mỗi tháng người Việt mua 10.000 chiếc xe gầm cao đô thị nói chung.
Kèm theo đó, Top những mẫu xe bán chạy nhất trên thị trường cũng đang dần thay đổi. Nếu như trước kia trong top 10 có thể điểm mặt một số mẫu sedan quen thuộc như “vua hạng B” Toyota Vios, Hyundai Accent, xe hạng A như Kia Morning, i10… thì nay những cái tên này đang dần biến mất, thay vào đó là những cái tên như Toyota Corolla Cross, Kia Seltos, Hyundai Tucson…
Cụ thể, trong tháng 11/2022 với 10 xe bán chạy nhất thì có đến 6 mẫu xe gầm cao chiếm các vị trí lần lượt là Toyota Corolla Cross (2.418 chiếc), Toyota Veloz Cross (1.621 chiếc), Hyundai Creta (1.237 chiếc), Ford Everest (1.105 chiếc), Ford Territory (1.036 chiếc)…
Hơn nữa, trong từ đầu năm trở lại đây khi có sự ra mắt của hàng chục chiếc xe mới thì có quá nửa là sản phẩm xe gầm cao đô thị trải khắp các phân khúc MPV, SUV/CUV cỡ lớn nhỏ và thuộc tầm giá từ bình dân đến hạng sang.
Ford Explorer thế hệ thứ 6 “mở màn” năm 2022 cho nhóm xe gầm cao 7 chỗ. Mẫu SUV cỡ lớn chỉ có 1 phiên bản giá 2,36 tỷ đồng nhận sự quan tâm lớn và rơi vào tình trạng khan hàng, đội giá tại đại lý, hay Toyota Fortuner với phiên bản Defender cũng đã tăng giá ở phiên bản mới.
Tại phân khúc gầm cao cỡ vừa và nhỏ, sự ra mắt của hàng loạt mẫu xe như Hyundai Creta, Ford Territory, Kia Carens, Nissan Kicks… hay các mẫu SUV xe điện từ VinFast như VF8, VF5 cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm của người dùng.
Trong nhiều giải thưởng cho các mẫu xe tại thị trường Việt Nam, xe gầm cao thường xuyên góp mặt ở nhiều hạng mục. Theo thống kê ban đầu của Car Choice Awards 2022, SUV/CUV góp mặt ở toàn bộ hạng mục với lượt bình chọn cao từ cộng đồng, hầu hết vị trí dẫn đầu là dòng xe như Hyundai Santa Fe, Hyundai Tucson, Ford Everest, Kia Sportage… hay nhóm “Xe trang bị nổi bật” với các mẫu Kia Sorento, Toyota Corolla Cross, VinFast VF8, Volvo XC90…
Tại sao ôtô gầm cao đô thị ‘hút’ người dùng Việt?
Theo một số chuyên gia trong ngành ôtô, phân khúc xe gầm cao đô thị đang được người Việt ưa chuộng bởi một số lý do.
Đầu tiên, giá bán phần lớn các mẫu ôtô gầm cao tại Việt Nam hiện nay đang có mức giá “mềm” với túi tiền của nhiều khách hàng. Nếu khoảng 5 năm trước, xe gầm cao chỉ có một vài sự lựa chọn đến từ Toyota Fortuner, Honda CR-V hay Hyundai Santa Fe… với mức giá khá cao trên 1 tỷ đồng thì nay đã hợp lý hơn rất nhiều – chỉ từ 500 triệu đồng cho một chiếc xe. Bên cạnh đó, mẫu mã của phân khúc ôtô này cũng đa dạng từ cỡ A, B đến C… cùng thiết kế thời trang, trẻ trung hơn.
Ngoài ra, đường xá Việt Nam có nhiều chỗ hố ga, nắp cống, đặc biệt đậu xe trong đô thị thường phải đi lên vỉa hè bởi vậy đi xe gầm thấp rất hay bị va chạm. Đặc biệt, vào mùa mưa, xe SUV/crossover hay bán tải thường có khoảng sáng gầm cao, có thể lội nước sâu mà không lo chết máy.
“Xe SUV, crossover nói chung được thiết kế vị trí ngồi cao, mũi xe thấp cùng cột A dốc đứng mang lại tầm nhìn tốt hơn cho người lái. Ngoài ra, những mẫu xe cỡ trung và nhỏ cũng dễ dàng xoay trở trên đường phố đông đúc hoặc địa hình gập ghềnh…,” anh Nhật Linh, một người chuyên review ôtô cho biết.
Đặc biệt, những mẫu xe gầm cao mới giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn với thiết kể thể thao, không gian cabin lớn tiện dụng trong khi động cơ vẫn chia sẻ với các sản phẩm sedan cùng tầm giá, cho mức tiêu thụ nhiên liệu gần như không khác biệt…
“Từ khi đổi lên chiếc xe gầm cao này tôi không còn muốn quay lại lái xe sedan nữa,” anh Tiến Hải cho biết.
Ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết xe gầm cao đang trở thành xu hướng không chỉ trong nước mà cả trên thế giới nhờ tính đa dụng, thuận lợi di chuyển trên mọi địa hình. Sức tiêu thụ trung bình của xe gầm cao tăng trưởng khoảng 10%/năm. Nhu cầu tăng nên nhiều hãng xe lớn, kể cả những hãng xe sang như Rolls Royce, Mercedes…, chuyển hướng tập trung cho dòng xe này.
Có thể thấy, với sự thay đổi trong xu hướng lựa chọn của khách hàng Việt cùng với động thái chuyển mình của các nhà sản xuất kinh doanh ôtô… thì phân khúc xe đa dụng, gầm cao đô thị sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()