Lựa chọn SGK mới: Rà soát kỹ để tránh “sạn” tối đa
S ách giáo khoa (SGK) là tài liệu quan trọng đối với quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nên suốt thời gian qua thông tin về thời điểm công bố ấn phẩm này luôn được dư luận đặc biệt quan tâm.
Ảnh minh họa |
Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT đang trong quá trình phê duyệt bộ SGK được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo quy định, sau khi Bộ GD&ĐT công bố danh sách các SGK đã qua thẩm định thì các địa phương có thể thực hiện việc chọn sách phù hợp để sử dụng, bắt đầu từ năm học 2020-2021.
Bộ GD&ĐT cũng đang dự thảo thông tư quy định việc chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông. Dự thảo này đã được gửi các cơ sở giáo dục để lấy ý kiến góp ý trước khi ban hành.
Theo quy định mới, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cả nước sẽ thực hiện theo chương trình thống nhất do Bộ GD&ĐT ban hành, nhưng có thể sử dụng các SGK khác nhau trong số những sách đã được Hội đồng thẩm định SGK quốc gia đánh giá đạt. Việc chọn sách nào cho các cấp học, các vùng miền trên phạm vi một tỉnh do UBND cấp tỉnh quyết định.
SGK mới khác gì so với SGK hiện hành?
Trong một tiết dạy thực nghiệm môn Toán theo thiết kế của chương trình mới, tiết học sẽ bắt đầu bằng hoạt động khởi động. Giáo viên không đưa ra kiến thức, bài tập có sẵn mà thiết kế các tình huống khám phá kiến thức, luyện tập và vận dụng.
PGS.TS Phan Doãn Thoại, Chủ biên sách giáo khoa Toán lớp 1 của một trong những bộ SGK mới đã có những chia sẻ về việc dạy và học với SGK mới.
Ông Thoại cho biết, đối với bộ SGK mới, giáo viên cần thay đổi cách thức dạy học, năng lực của học sinh chỉ phát triển khi luôn được trải nghiệm qua các hoạt động học tập hoặc qua các hoạt động ngoài cuộc sống.
SGK mới tập trung thiết kế qua các mô hình hoạt động. Sách của học sinh thể hiện mô hình thông qua các hoạt động của học sinh. Sách giáo viên phải hướng dẫn, tổ chức các hoạt động học tập đó.
Theo cách đó, ông Thoại cho rằng, phương pháp dạy học bây giờ cũng hoàn toàn thay đổi. “Thay vì truyền thụ kiến thức một cách giáo điều như trước đây chúng ta vẫn làm, giờ giáo viên tập trung tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh. Trên cơ sở đó, học sinh có thể phát triển những năng lực cần thiết”, ông Thoại nói.
Theo đó, giáo viên phải hiểu được mục tiêu của mỗi một hoạt động học tập, đồng thời biết được các bước để hướng dẫn học sinh thực hiện và phải biết kiểm tra, đánh giá năng lực, hoạt động học tập đó.
Khi cách dạy thay đổi thì cách học cũng sẽ phải thay đổi. Học sinh thay vì thụ động tiếp thu kiến thức thì bây giờ sẽ thực hiện các hoạt động tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Với việc tiếp thu kiến thức, học sinh sẽ biết cách giải quyết vấn đề như thế nào.
“Cách học này là cách học tích cực, giúp cho học sinh dần dần hình thành và phát triển các kỹ năng tự học, đó là yêu cầu cơ bản của chương trình hiện nay”, ông Thoại đánh giá.
Trước đây, khi ta muốn dạy cho học sinh một phép toán cộng, ta sẽ đưa ra cách thực hiện. Bây giờ học sinh sẽ biết cách cộng qua một tình huống cụ thể. Ví dụ như khi gộp hai nhóm vật lại, hoặc người ta thêm vào một số nhóm vật khác để hiểu được ý nghĩa của phép cộng đó. Học sinh sẽ biết cách luyện tập trên những tình huống cụ thể và vận dụng trong cuộc sống.
Cũng theo ông Thoại, để học sinh đổi mới cách học và giáo viên đổi mới cách dạy thì SGK dứt khoát phải theo mô hình hoạt động. SGK thiết kế như vậy phải đảm bảo kiến thức tường minh, tối thiểu, tạo cơ sở kiến thức cốt lõi cơ bản để học sinh phát triển năng lực. Đồng thời cách thiết kế như vậy thì dù giáo viên ở trình độ trung bình cũng có thể sử dụng sách giáo khoa này để dạy học một cách hiệu quả.
Giáo viên muốn tiếp cận sớm SGK để có sự chuẩn bị
Những bộ sách nào sẽ được Hội đồng quốc gia duyệt và sách nào sẽ được địa phương chọn đang là băn khoăn lớn nhất của các giáo viên.
Đa phần giáo viên khi được hỏi đều trả lời sẵn sàng tiếp nhận chương trình mới. Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Thanh Lan (Tiểu học Bình Minh, Hà Nội), đội ngũ giáo viên lo ngại là quỹ thời gian còn lại có hạn, việc tổ chức thực nghiệm đánh giá SGK dường như là nhiệm vụ bất khả thi, điều này sẽ gây thiệt thòi cho các em học sinh những khóa đầu đổi mới.
Chính vì vậy, nguyện vọng của cán bộ, giáo viên là được tiếp cận sớm SGK để chuẩn bị cho năm học triển khai chương trình mới.
Một vấn đề quan trọng là tập huấn giáo viên. PGS.TS Phan Doãn Thoại cho biết, khi tập huấn, giáo viên sẽ được tập trung hiểu rõ cách thức của chương trình và của SGK mới. Giáo viên sẽ hiểu rõ mô hình cấu trúc của SGK và sách giáo viên. Và điều quan trọng, xuyên suốt trong quá trình tập huấn và giảng dạy là giáo viên hiểu được phương pháp tổ chức dạy học, phương pháp tổ chức các hoạt động của học sinh như thế nào.
Theo ông Tài, những học sinh lớp 1 đến trường với nhiều bỡ ngỡ sẽ khó khăn khi bị gò vào nề nếp. Nhưng khi các hoạt động học của học sinh được giáo viên tổ chức bằng cách vận dụng nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học tích cực, trẻ vượt qua khó khăn rất nhanh.
Rà soát kỹ để tránh “sạn” tối đa
TS. Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết thời gian công bố chính thức kết quả thẩm định SGK phục vụ cho thực hiện chương trình mới vào năm học 2020-2021 sẽ vào khoảng cuối tháng 11/2019.
Theo ông Tài, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục rà soát các cơ sở pháp lý đối với các SGK đã đạt để đảm bảo sách được thẩm định đạt yêu cầu so với quy định trong luật, nhất là những SGK có các nội dung liên quan tới hội nhập quốc tế, các yếu tố nhạy cảm.
Bộ GD&ĐT cũng đang trưng cầu ý kiến về dự thảo hướng dẫn chọn SGK, dự kiến ban hành vào tháng 12/2019. Căn cứ vào đó, các địa phương sẽ tiến hành quy trình chọn SGK và kết hợp với các tổ chức, tác giả soạn SGK tập huấn cho giáo viên các nhà trường trong việc sử dụng SGK.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định: “SGK phải duyệt mang tính chuẩn mực rất cao, đặc biệt là sự phối hợp, thống nhất và kiểm soát rất kỹ. Sau khi Hội đồng thẩm định đã thẩm định, trước khi trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê, chúng tôi sẽ một lần nữa rà soát lại để đảm bảo giảm “sạn” một cách tối đa”.
Ý kiến ()