Lựa chọn chủ đề môn khi dạy học STEM: Sáng kiến gỡ khó cho giáo viên môn sinh học
– Qua khảo sát nhận thấy, giáo viên môn Sinh học còn gặp khó khi tiếp cận với định hướng giáo dục STEM (STEM là một mô hình giáo dục, dạy học sinh kiến thức, kỹ năng về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học một cách tích hợp, liên môn), trong đó, khó khăn nhất là tìm kiếm tài liệu về các chủ đề dạy học nên cô giáo Vương Thùy Lê, giáo viên môn Sinh học, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đã nghiên cứu thực hiện một sáng kiến kinh nghiệm với phương pháp giảng dạy mới.
Cô giáo Lê chia sẻ: Nguyên nhân dẫn đến khó khăn khi lựa chọn chủ đề dạy học STEM đối với giáo viên môn Sinh học là do một số giáo viên chưa hiểu đúng về phương pháp, ngại tìm hiểu và tham gia. Với môn học này, giáo viên cũng phải có phương pháp khơi dậy niềm đam mê khám phá, nghiên cứu khoa học đối với học sinh bằng những chủ đề hấp dẫn, gần gũi với cuộc sống hằng ngày. Chính vì vậy, tôi đã nghiên cứu và đưa ra sáng kiến “Xây dựng một số chủ đề dạy học STEM trong chương trình Sinh học lớp 10 theo định hướng phát triển năng lực học sinh” để giáo viên môn Sinh học tham khảo, làm phong phú hơn bài giảng của mình.
Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh học môn Sinh học theo phương pháp giáo dục STEM của cô giáo Vương Thuỳ Lê
Môn Sinh học lớp 10 có cấu trúc 3 phần, được chia làm 6 chương với 35 tiết. Nội dung đề cập đến các cấp độ của tổ chức sống; chức năng của tế bào; cấu tạo, vai trò và ứng dụng của vi sinh vật. Để xây dựng một chủ đề dạy học theo định hướng giáo dục STEM đối với môn Sinh học lớp 10, tác giả đã lựa chọn, nghiên cứu, xây dựng 4 chủ đề dạy học (xây dựng quy trình làm đậu khuôn tại gia đình; sản xuất rau mầm; ứng dụng các sản phẩm lên men vào đời sống; xà phòng, nước rửa tay diệt khuẩn). Quá trình dạy học được thiết kế với 5 hoạt động cơ bản gồm: xác định vấn đề, nghiên cứu kiến thức và đề xuất giải pháp, lựa chọn giải pháp, chế tạo mẫu, thử nghiệm và đánh giá, chia sẻ, thảo luận và điều chỉnh.
Theo phương pháp dạy học truyền thống, giáo viên truyền đạt kiến thức, học sinh nghe, ghi chép lại, ít có sự trao đổi, thực hành, tranh luận, do đó kiến thức lưu lại không sâu, học sinh khó nắm được nội dung trọng tâm của bài học. Với phương pháp giáo dục STEM, giáo viên nêu ra vấn đề và học sinh sẽ chia thành từng nhóm để tìm cách giải quyết. Khi làm việc nhóm, các em sẽ vận dụng những kiến thức đã học, thảo luận, tranh luận, đưa ra phương án giải quyết… Sau đó, giáo viên sẽ giải đáp thắc mắc của học sinh, tổng kết lại kiến thức cần nhớ và thực hành. Quá trình này học sinh không chỉ hiểu kiến thức của môn học mà còn có sự liên hệ với những môn học khác và thực tiễn đời sống.
Năm học 2020 – 2021, cô Vương Thùy Lê đã tiến hành thực nghiệm sáng kiến của mình tại các trường THPT: Dân tộc nội trú tỉnh, Tân Thành (Hữu Lũng), Hoàng Văn Thụ (thành phố Lạng Sơn), Pác Khuông (Bình Gia), Lộc Bình (Lộc Bình). Kết quả cho thấy, tỷ lệ học sinh đạt điểm yếu, trung bình môn Sinh học đã giảm, tỷ lệ học đạt điểm khá, giỏi tăng từ 3 đến 6%. Đặc biệt, từ những kiến thức mà giáo viên cung cấp, học sinh tự thể hiện theo cách riêng của bản thân, do đó, các em có thể nhớ rất lâu những kiến thức trọng tâm của bài học. Em Lý Lê Na, lớp 10A2, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh cho biết: Với cách dạy mới này, chúng em được tự do thảo luận, tranh luận, sau đó, cô giáo giải đáp và được thực hành những kiến thức đã học. Vì vậy, chúng em không chỉ hiểu bài mà còn rất hứng thú, yêu thích môn Sinh học hơn.
Bên cạnh áp dụng sáng kiến tại trường, tác giả đã giới thiệu, chia sẻ đến đồng nghiệp tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh. Khảo sát trên 86 giáo viên về việc áp dụng các chủ đề STEM vào chương trình môn học thì có đến 45,5% đánh giá rất hiệu quả, 31,8% đánh giá khá hiệu quả. Cô Đặng Thị Hoa, Giáo viên môn Sinh học, Trường THPT Tân Thành, huyện Hữu Lũng cho biết: Tôi đã áp dụng sáng kiến của cô Lê vào thực tiễn dạy học đối với chủ đề xà phòng, nước rửa tay diệt khuẩn. Với phương pháp này, học sinh hứng thú hơn với môn học, được rèn luyện khả năng giao tiếp, làm việc nhóm. Ngoài kiến thức của môn Sinh học, các em còn hiểu biết hơn về những môn học liên quan như: hóa học, vật lý, công nghệ…
Với những lợi ích mang lại, năm 2021, sáng kiến này được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là sáng kiến cấp tỉnh. Sau khi được công nhận, đã có nhiều giáo viên bộ môn Sinh học tìm hiểu, học tập và ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy. Được biết, không chỉ thực hiện với môn Sinh học, sáng kiến có thể áp dụng với nhiều môn học khác.
Ý kiến ()