Lừa “chạy án”, bài học không của riêng ai
Bị cáo Hán Thị Thảo trước vành móng ngựa |
Đầu tháng 8/2016, Đỗ Thị Nhinh và Nguyễn Thị Lan làm việc tự do tại Trung Quốc, bị công an nước này bắt giữ vì tội trộm cắp tài sản. Lợi dụng sự việc này, Hán Thị Thảo gọi điện cho gia đình Nhinh và Lan nói rằng mình có khả năng lo cho họ ra tù nhưng phải mất tiền. Thảo liên tục gọi điện thúc giục gia đình bị hại (chị Đỗ Thị Bẩy (em gái Nhinh), sinh năm 1987, trú tại xã Hiệp Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh và ông Nguyễn Văn Dậu (bố của Lan), sinh năm 1957, trú tại xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) nói nếu không gửi tiền nhanh thì người thân sẽ bị tra tấn, hành hạ… khiến cho ông Dậu, chị Bẩy lo lắng, sốt ruột, đã sang tận Trung Quốc đưa tiền cho Thảo, ngoài ra còn chuyển khoản từ Việt Nam cho Thảo với tổng số tiền gần 344 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, 2 bên gia đình vẫn không thấy người thân trở về như lời Thảo đã hứa, thậm chí còn bị Thảo gọi điện yêu cầu tiếp tục chuyển tiền để “chạy án”.
Nghi ngờ bị Hán Thị Thảo lừa, ông Dậu đã đến cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Lạng Sơn trình báo sự việc. Cuối tháng 12/2016, Thảo bị công an tỉnh bắt giữ tại địa phận huyện Cao Lộc. Ngày 4/7/2017, Tòa án Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt bị cáo Hán Thị Thảo 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hán Thị Thảo đã có gia đình, hoàn toàn có thể cùng chồng xây dựng cuộc sống bằng sức lao động chân chính, nhưng chỉ vì lòng tham mà Thảo đã bất chấp pháp luật và phải nhận hình phạt thích đáng. Về phía các bị hại, vừa đáng thương lại vừa đáng trách. Bản thân ông Dậu và chị Bẩy chưa nhận thức được chạy án thực chất là tội đưa hối lộ, là hành vi phạm pháp. Con em của họ tuy xuất cảnh hợp pháp sang Trung Quốc lao động nhưng lại vi phạm pháp luật, tuy nhiên thay vì nghiêm túc tuân thủ pháp luật, gia đình lại để kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo, rơi vào cảnh nợ nần.
Vụ việc trên không chỉ là bài học đối với gia đình ông Dậu, chị Bẩy mà còn là bài học đề cao cảnh giác đối với mọi gia đình, cần bình tĩnh, xử lý tình huống đúng pháp luật, không tạo cơ hội cho kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của kẻ phạm tội. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng.
Ý kiến ()