Tràng Định tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ
- Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn huyện Tràng Định đã có mưa lớn kéo dài. Mưa lũ gây ngập lụt khiến nhiều ngôi nhà, cánh đồng chìm trong biển nước. Ngay sau khi nước rút, người dân cùng lực lượng chức năng nhanh chóng bắt tay vào việc dọn dẹp, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Từ ngày 9/9, nước bắt đầu rút dần và đến ngày 10/9, nước đã cơ bản rút hết khỏi những khu vực nhà bị ngập úng trên địa bàn huyện Tràng Định. Nước rút đến đâu, người dân chủ động dọn dẹp đến đó.
Thiệt hại nặng nề
Từ ngày 6/9 đến nay, trên địa bàn huyện Tràng Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mưa lớn kéo dài dẫn tới tình trạng ngập úng ở nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Nhiều người dân nơi đây cho biết, đây là một trong những trận lụt lớn nhất trong gần 40 năm trở lại đây (sau trận lụt năm 1986).
Theo số liệu của UBND huyện Tràng Định, đến 8 giờ 30 phút ngày 10/9, toàn huyện có 2.376 hộ dân có nhà bị ngập lụt, trong đó thị trấn Thất Khê có 906 hộ, xã Hùng Sơn có 358 hộ, xã Đề Thám có 550 hộ, xã Đại Đồng có 415 hộ...
Cùng đó, toàn huyện có 413 ha cây cối, hoa màu bị ngập úng; ngập 2 cầu dân sinh; 35 vị trí giao thông bị chia cắt; 4 xã bị cô lập hoàn toàn; 6 xã, thị trấn có các thôn bị chia cắt, cô lập...Đối với diện tích hoa màu bị ngập lụt gần như thiệt hại hoàn toàn. Còn đối với những ngôi nhà bị ngập lụt đã gây hư hỏng tường, mái, cửa nhà cùng nhiều vật dụng trong gia đình... Tràng Định là một trong những huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do ảnh hưởng của bão số 3 trên địa bàn tỉnh.
Đến ngày 10/9, nước đã rút. Có mặt tại huyện Tràng Định vào sáng 10/9, cảnh tượng trước mắt chúng tôi là cảnh hoang tàn của những ngôi nhà vừa bị ngập lụt, hư hỏng và sự bừa bộn, lẫn lộn giữa đồ đạc và rác.
Chưa hết bàng hoàng sau trận lụt kinh hoàng, bà Hoàng Thị Chao, thôn Cắp Kẻ, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định chia sẻ: Tối ngày 8/9, nước ngập đến sát mái của ngôi nhà cấp 4 của gia đình. Mặc dù đã có sự chuẩn bị từ trước song tôi không nghĩ nước lũ lại dâng cao và nhanh như vậy. Sau khi nước rút, gia đình đã nhanh chóng thực hiện việc lau dọn lại nhà cửa, di chuyển đồ đạc vào trong nhà để sớm ổn định cuộc sống.
Tương tự gia đình bà Chao, ngay sau khi nước rút, gia đình ông Hoàng Văn Quang, khu 4, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định cũng tập trung dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả mưa lũ. Ông Quang chia sẻ: Khi nhận được thông tin mưa bão, gia đình tôi đã chủ động di chuyển một số đồ đạc. Tuy nhiên do nước dâng lên nhanh nên một số đồ đạc trong nhà không di chuyển kịp bị hư hỏng, toàn bộ 400 con gà thịt bị chết, thiệt hại ước tính khoảng 100 triệu đồng. Ngay sau khi nước rút, gia đình đã chủ động dọn dẹp nhà cửa cũng như vận chuyển toàn bộ gà chết đến nơi quy định; thực hiện phun tiêu độc, khử trùng, chỉnh sửa chuồng trại để chuẩn bị lứa chăn nuôi mới.
Cùng với 2 gia đình kể trên, từ ngày 9/9 (khi mực nước bắt đầu rút dần) đến nay, người dân ở khu vực nước rút trên địa bàn huyện Tràng Định đã chủ động dọn dẹp nhà cửa, khắc phục sự cố như hỏng mái, cửa nhà... Từ đó nhanh chóng ổn định lại cuộc sống cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chung tay khắc phục
Bên cạnh sự chủ động của người dân, các cấp, ngành liên quan đã triển khai các biện pháp để hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại sau mưa bão. Ông Lèo Văn Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết: Ngay sau khi nước rút, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trong huyện phối hợp cùng các lực lượng khác tập trung nhân lực, phương tiện, nhu yếu phẩm để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa bão.
Cụ thể, chỉ tính riêng trong ngày 10/9, các đơn vị liên quan đã huy động 1.196 người gồm các lực lượng quân đội, công an, dân quân và các lực lượng tại chỗ khác cùng nhiều trang thiết bị, máy móc như máy xúc, ô tô, cuốc, xẻng, xe thu gom rác để tham gia hỗ trợ người dân sữa chữa nhà cửa, di chuyển đồ đạc cũng như tham gia hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường tại các khu vực đường giao thông, khu vực công cộng...
Ông Lương Văn Hữu, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thời điểm này chúng tôi phân công cán bộ bám sát vị trí, khu vực dân cư để nắm bắt tình hình thực tế, từ đó kịp thời đề xuất hỗ trợ về trang thiết bị, nhu yếu phẩm cho người dân và lực lượng chức năng để tham gia khắc phục hậu quả mưa bão.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, trưa và chiều ngày 10/9, mặc dù mưa to hơn, song các lực lượng chức năng cùng người dân vẫn khẩn trương thực hiện việc quét dọn nhà cửa cũng như các công trình công cộng. Đến chiều tối 10/9, các trục đường chính trên địa bàn thị trấn Thất Khê, xã Đại Đồng đã được dọn dẹp cơ bản xong; nhiều hộ dân đã hoàn thành việc sửa chữa, lau dọn, sắp xếp lại đồ đạc trong nhà để nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Mặc dù đã bước đầu hoàn thành việc lau dọn, sắp xếp lại đồ đạc, song sau ngập lụt, nhiều hộ dân bị hư hỏng nhiều thiết bị, lượng lương thực không còn, điện, nước ở một số nơi vẫn chưa có. Trước thực tế đó, UBND huyện Tràng Định đã trưng thu, trưng mua và tiếp nhận nhu yếu phẩm gồm: 1.358 thùng mì tôm, 144 túi lương khô, 274 thùng sữa, 448 thùng nước lọc, 22 thùng bánh các loại, 500 suất cơm, cháo...để hỗ trợ người dân.
Đồng thời UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp phát thuốc, hướng dẫn người dân thực hiện phun tiêu độc, khử trùng sau khi nước rút để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ; triển khai các biện pháp để khắc phục thiệt hại về lúa, ngô và một số loại hoa màu...
Mặc dù hiện nay, nước đã rút, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện không còn bị cô lập, chia cắt. Tuy nhiên dự báo ngày 11/9, trên địa bàn huyện Tràng Định và các nơi khác trong tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to. Chính vì vậy, các cấp, ngành liên quan và người dân tiếp tục tập trung dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau ngập úng, đồng thời tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết để có phương án ứng phó kịp thời.
Bão lũ đi qua gây thiệt hại về tài sản cho người dân trên địa bàn huyện Tràng Định. Vượt qua những khó khăn đó, các cấp, ngành liên quan và người dân trên địa bàn huyện đang tiếp tục chung sức, đồng lòng để nhanh chóng khắc phục, ổn định cuộc sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Ý kiến ()