Lũ lụt miền Trung: Hàng chục nghìn học sinh 'khát' sách giáo khoa
Lũ chồng lũ, bão chồng bão, hàng chục nghìn học sinh vùng lũ miền Trung đang “khát” sách giáo khoa, đồ dùng học tập để có thể quay trở lại trường sau khi nước rút.
Lực lượng quân đội phối hợp cùng các giáo viên trường Tiểu học số 1 thị trấn Kiến Giang tổng vệ sinh môi trường sau khi lũ rút.
Liên tiếp các đợt bão, lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân miền Trung. Khi gia đình mất trắng tài sản, sinh kế khó khăn, con đường đến trường của học sinh vùng lũ càng thêm gian nan khi ngay từ cuốn sách giáo khoa, tấm bảng đen đến cây bút viết cũng đã bị cuốn trôi trong lũ.
Lo học sinh đói
Cô giáo Dương Thị Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) buồn rầu nhìn ngôi trường thân yêu bị tàn phá sau liên tiếp hai cơn lũ. Mức nước lịch sử lên đến ba mét đã làm hỏng toàn bộ hệ thống bơm lọc nước lên bể bơi của trường, cuốn trôi hàng trăm bộ thiết bị dạy học, sách vở… Cơ sở vật chất bị thiệt hại nặng nề.
Nhưng đó vẫn chưa phải là nỗi lo lớn nhất bởi thiệt hại của trường chưa thấm gì so với những mất mát của người dân nơi đây. Chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, cô Hải cho hay, Hàm Ninh có tới 90% người dân làm nghề nông. Cơn lũ đã cuốn trôi thóc lúa, tài sản của gia đình các em nên học sinh thiếu đói là nguy cơ hiện rõ ngay trước mắt.
Trường Trường Tiểu học Hàm Ninh chỉ là một trong số hàng trăm trường của tỉnh Quảng Bình bị thiệt hại nặng nề trong trận lũ vừa qua. Theo thống kê của tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh có 334 trường với khoảng 3.000 phòng học và phòng chức năng bị lũ nhấn chìm. Đặc biệt, đồ dùng học tập, sách vở của học sinh vùng lũ đã bị hư hỏng do ngâm nước lâu ngày. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính 360 tỷ đồng.
Tại Hà Tĩnh, có khoảng hơn 20.000 học sinh chịu ảnh hưởng về sách vở, đồ dùng học tập do đợt mưa lũ lịch sử vừa qua. Tại Thừa Thiên Huế, thống kê của tỉnh cho thấy thiệt hại của ngành giáo dục tỉnh này trong các đợt bão lũ vừa qua là trên 72 tỷ đồng. Toàn tỉnh có trên 26.000 học sinh bị ướt, hư hỏng sách vở, đồ dùng học tập do mưa lũ, ước thiệt hại là trên 8,8 tỷ đồng.
Tại Quảng Trị, báo cáo nhanh của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho hay thiệt hại của ngành do lũ khoảng 98 tỷ đồng. Hiện Quảng Trị còn thiếu khoảng 14.000 bộ sách giáo khoa các cấp do mưa lũ làm hư hại hoặc cuốn trôi, tập trung ở các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Triệu Phong, Hải Lăng, thành phố Đông Hà…
Với thực trạng đó, nhu cầu sách vở, đồ dùng học tập để hỗ trợ cho học sinh trở lại trường là rất lớn.
Gom sách cho học sinh vùng lũ
Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết Sở đang tích cực kêu gọi các mạnh thường quân, tổ chức từ thiện chung tay góp sức giúp các trường học khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm đưa hoạt động dạy học trở lại bình thường…
Chia sẻ với những khó khăn của thầy và trò vùng lũ, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao gần 1,4 tỷ đồng hỗ trợ cho ngành giáo dục các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho hay Bộ đã và đang kêu gọi các nhà xuất bản, các nhà hảo tâm cung cấp sách giáo khoa, vở, thiết bị dạy học cho các trường học, đảm bảo học sinh vùng lũ khi đến trướng có đủ sách vở, đồ dùng học tập tối thiểu. Công đoàn Giáo dục Việt Nam ngày 26/10 cũng đã kêu gọi cán bộ, nhà giáo, các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ giáo dục các địa phương vùng lũ trở lại hoạt động bình thường đồng thời thông báo tiếp nhận sách giáo khoa từ lớp 2 đến lớp 12, các dụng cụ học tập cho học sinh.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đơn vị độc quyền cung ứng sách giáo khoa từ lớp 2 đến lớp 12 và chiếm 68% thị phần sách giáo khoa lớp 1 mới đang gấp rút chuẩn bị bổ sung sách giáo khoa phục vụ học sinh quay trở lại trường học. Đơn vị này sẽ cung ứng sách giáo khoa với mức hỗ trợ đặc biệt là giảm 25% giá sách cho các tổ chức, nhóm thiện nguyện có nhu cầu mua sách giáo khoa để tặng học sinh khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Bên trong Trường Mầm non Hướng Việt đã được dọn dẹp nhưng cơ sở vật chất còn thiếu thốn sau cơn lũ dữ.
Để mua sách với mức hỗ trợ đặc biệt, các tổ chức, nhóm thiện nguyện cần trao đổi cụ thể với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về địa chỉ, số lượng sách cần tặng. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ làm việc với đơn vị phân phối sách giáo khoa tại địa bàn đó để tổ chức, nhóm thiện nguyện có thể mua sách với mức chiết khấu cao hơn mức thông thường hiện nay với tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh vùng lũ. Các nhà trường, địa phương vùng lũ cần mua sách cho học sinh có thể tập hợp danh sách, số lượng sách, liên hệ với Nhà xuất bản Giáo dục để hưởng mức giá ưu đãi trên.
Bên cạnh các cơ quan, tổ chức, nhiều nhóm, cá nhân cũng đang kêu gọi gom sách vở, đồ dùng học tập gửi về miền Trung, chung tay hỗ trợ hết sức cho học sinh vùng lũ sớm trở lại trường./.
Ý kiến ()