Lữ hành ‘sốc’ vì dự thảo tăng giá phi mã của Ban quản lý vịnh Hạ Long
Ban quản lý vịnh Hạ Long vừa gửi văn bản xin ý kiến điều chỉnh tăng mức thu phí tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long tới các doanh nghiệp du lịch. Vấn đề là mức phí khiến tất cả đều choáng váng…
Trưa ngày 24/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh vừa ký văn bản yêu cầu ban quản lý vịnh Hạ Long tạm dừng văn bản số 934/BQLVHL- KHTC gửi các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, dịch vụ du lịch “Về việc xin ý kiến Dự thảo Đề án điều chỉnh tăng mức thu phí tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long (lần 2).
Sở dĩ có động thái này là bởi trước đó, Ban quản lý vịnh Hạ Long đã có văn bản khiến “cả làng” lữ hành và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên vịnh một đêm mất ngủ trước mức phí tăng khủng. Chưa kể, văn bản lấy ý kiến được ký ngày 22/10, nhưng phải tới chiều 24/10 các đơn vị liên quan mới nhận được và chỉ có vỏn vẹn 26 tiếng để phản hồi (trước 16 giờ 30, ngày 25/10).
Văn bản “chạy giờ”
Theo văn bản này, thực hiện nội dung văn bản số 7497/UBND- TM4 ngày 17/10/2019 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, về việc hoàn thiện Đề án điều chỉnh tăng mức thu phí thăm quan vịnh Hạ Long, Bái Tử Long; văn bản số 1912/SDL-KH ngày 22/10/2019 của Sở Du lịch Quảng Ninh về việc tiếp tục hoàn thiện lấy ý kiến đối với Đề án nói trên; căn cứ Điều 6, Nghị định số 120/2016/ NĐ- CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật phí và lệ phí ; Ban quản lý vịnh Hạ Long đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và dịch vụ du lịch tham gia ý kiến vào Dự thảo Đề án điều chỉnh tăng mức thu phí tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long (lần 2).
Văn bản do Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long Phạm Hồng Hà ký và đề nghị các ý kiến tham gia bằng văn bản ghi rõ nhất trí hoặc không nhất trí hoặc có ý kiến khác gửi về Ban quản lý chậm nhất đến 16 giờ 30 ngày 25/10/2019. Tính đến giờ đó, ngày đó, nếu các đơn vị không có ý kiến tham gia bằng văn bản gửi về Ban quản lý coi như đã đồng ý với dự thảo Đề án.
Tức là từ lúc văn bản được ký đến khi hết thời hạn góp ý, doanh nghiệp có 3 ngày để suy nghĩ. Nhưng trong thực tế, hầu hết các doanh nghiệp tới 14 giờ 30 ngày 24/10 mới nhận được văn bản.
Có nghĩa họ chỉ có 26 tiếng đồng hồ để “góp ý” cho dự thảo Đề án mà nếu được thực thi (từ tháng 1/2020 như trong dự thảo). Nhiều doanh nghiệp tỏ ra rất bức xúc bởi họ cho rằng kiểu “xin ý kiến” với thời hạn như vậy không khác nào ép phải đồng ý.
Trong khi đó, mức tăng như dự thảo đưa ra có thể ví như chiếc thòng lọng “giết chết” doanh nghiệp, bởi việc tăng giá sẽ ảnh hưởng mạnh tới doanh thu cũng như công việc kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng. Thậm chí, họ còn phải bù lỗ cho các hợp đồng đã ký với khách.
Phí tăng “phi mã”
Theo dự thảo này, mức phí thăm quan ban ngày (tàu rời bến thăm quan từ 6 giờ 30 đến 16 giờ 30 cập bến) có mức tăng 22% so với năm 2019; thăm quan các tuyến 1-2-3-4 tăng từ 20-25%.
Mức phí thăm quan, lưu trú nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long (thời gian lưu trú tối đa 1 đêm là 24 tiếng, thời gian lưu trú tối đa 2 đêm là 48 tiếng kể từ thời điểm xuất bến) có mức tăng là 63%.
Cụ thể, phí thăm quan tuyến 2 và lưu trú 1 đêm tăng từ 550.000 đồng/ người/đêm lên 950.000 đồng/người/đêm (tăng 73% so với hiện tại); tuyến 2 và lưu trú 2 đêm tăng từ 750.000 đồng/người/đêm lên 1.200.000 đồng/người/đêm (tăng 60%); thăm quan tuyến 3 trong 1 đêm và tuyến 4 trong 1 đêm, tăng từ 500.000 đồng/người/đêm lên 800.000 đồng/người/đêm (tăng 60%); tuyến 3, 2 đêm và tuyến 4, 2 đêm, tăng từ 650.000 đồng/ người/ đêm lên 1.050.000 đồng/ người/ đêm (tăng 62%); thăm quan tuyến 4 và lưu trú 1 đêm tăng từ 500.000 đồng/người/đêm lên 800.000 đồng/người/đêm (tăng 60%)…
Dự thảo cũng đề xuất bổ sung danh mục các mức thu phí theo văn bản số 1505/UBND-XD2 ngày 1/3/2019 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể là tham quan vịnh Hạ Long ban ngày, khách được tham quan tuyến 1-2-3-4 và các điểm thuộc tuyến, mức thu 900.000 đồng/lần/người (chỉ thực hiện thu phí khi có đủ điều kiện phê duyệt cấp phép của cơ quan có thẩm quyền).
Khách thăm quan 2 ngày 1 đêm tuyến 2 (thăm quan ban ngày tuyến 1-2-3-4 và lưu trú 1 đêm tại tuyến 2) thu 1.500.000 đồng/lần/người; thăm quan 3 ngày 2 đêm tại tuyến 2 (thăm quan ban ngày tuyến 1-2-3-4 và lưu trú 2 đêm tại tuyến 2) thu 1.700.000 đồng/lần/người; thăm quan 2 ngày 1 đêm tại tuyến 3 (thăm quan ban ngày tuyến 1-2-3-4 và lưu trú 1 đêm tại tuyến 3) thu 1.400.000 đồng/lần/người; thăm quan 3 ngày 2 đêm tại tuyến 3 (thăm quan ban ngày tuyến 1-2-3-4 và lưu trú 2 đêm tại tuyến 3) thu 1.600.000 đồng/lần/người. Mức tăng này không có ghi chú về việc thực hiện khi có đủ điều kiện cấp phép của cơ quan có thẩm quyền.
Doanh nghiệp phẫn nộ
Năm 2018 Việt Nam đã đón 15,5 triệu khách quốc tế, doanh thu đạt 620.000 tỷ đồng. Theo số liệu thống kê thì mỗi du khách thu được trung bình gần 4 triệu đồng/khách cho 1 chuyến ghé thăm Việt Nam.
“Vậy mà Hạ Long đòi thu tiền vé 950.000-1.500.000 đồng/khách, chưa kể phí vào cổng cầu cảng là 40.000 đồng/khách. Vị chi mỗi khách sẽ chịu mức phí là 1-1,7 triệu đồng/đêm lưu trú trên tàu Hạ Long, chiếm tới 25%-42% trung bình giá của 1 khách quốc tế đến Việt Nam, số còn lại chia đều cho các địa phương khác, các doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở lưu trú, nhà hàng, vận chuyển…,” một Giám đốc kinh doanh hãng tàu chuyên dịch vụ ngủ đêm trên vịnh Hạ Long ngán ngẩm.
Theo vị giám đốc này, chịu mức phí cao như vậy mà họ vẫn phải xấu hổ khi du khách nước ngoài thường xuyên hỏi: “sao Hạ Long lắm rác thế,” “sao bãi biển đẹp thế kia mà không cho bơi mà nhồi hết vào Titov…?” (trong khi Soi Sim, Rặng Dừa, Đền Bà Men… là những bãi cát dài để không). Bao nhiêu địa điểm chèo kayak đẹp Ban quản lý vịnh không cho chèo mà dồn hết vào Hang Luồn, Tiên Ông, Cửa Vạn và nếu chọn các điểm thăm quan khác tuyến thì phải trả gấp đôi số tiền. Để rồi các điểm thăm quan luôn trong tình trạng quá tải. “Hạ Long đang suy kiệt và mất dần khách rồi,” vị giám đốc thở dài nói.
Nếu dự thảo được thông qua, du khách ngủ đêm trên vịnh sẽ phải trả mức phí đắt đỏ, lên tới 1,5 triệu đồng/đêm/người chưa kể các chi phí khác.
Trong khi đó, bà Đỗ Ngọc Ánh, đồng sáng lập Công ty Bản sắc Mekong cho hay Ban quản lý vịnh Hạ Long nói gửi văn bản cho doanh nghiệp nhưng thực chất chỉ là các đội tàu trên vịnh, sau đó nhà tàu mới gửi thông tin này tới các đối tác lữ hành là doanh nghiệp đại diện bán tour trực tiếp tới khách hàng.
“Bên tôi chuyên làm khách đoàn, lãi mỗi khách được mấy chục USD, giờ tăng giá thế này là lỗ rồi. Vấn đề bây giờ là đã chốt giá với khách, nên không thể làm gì. Đổi tuyến đường sang Lan Hạ cũng không phải là giải pháp tốt vì hạ tầng cơ sở bên đó chưa đáp ứng được. Tôi chưa thấy kỳ quan thế giới nào thu tiền vô tội vạ mà lại không làm gì để bảo tồn như vịnh Hạ Long nhà mình. Phí thăm quan giờ đang gần đắt nhất thế giới,” bà Ngọc Ánh nói.
Nhiều công ty hiện đã báo giá hết năm 2021 cho đối tác, đặc biệt là các hãng nước ngoài, nên thực sự hoang mang trước văn bản của Ban quản lý vịnh Hạ Long.
Thông thường cuối tháng Tám đến đầu tháng Chín là các doanh nghiệp Việt Nam đã báo giá tour đoàn 2020-2021 cho hãng nước ngoài. Cuối tháng Chín, các hãng đã in brochure (ấn phẩm quảng cáo), cập nhật website và bán cho khách hàng.
“Như thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần biết thông báo tăng giá dịch vụ muộn lắm là giữa tháng Tám để không bị ảnh hưởng. Thiết nghĩ, chính quyền du lịch Quảng Ninh không biết điều này hay cố tình không biết để ‘bóp chết’ các doanh nghiệp inbound,” ông Trịnh Thành Đức, đồng sáng lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Tropical Journeys chia sẻ.
“Theo thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 2020 là năm du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn ở Việt Nam, và tôi đã thấy ‘mũi nhọn’ chuẩn bị đâm thẳng vào tim các doanh nghiệp inbound rồi, thật là buồn cho nghành du lịch nước nhà.”./.
Một chuyên viên của Tổng cục Du lịch cho hay, việc tăng giá thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, nên Tổng cục Du lịch không thể can thiệp. Tổng cục Du lịch chỉ có thể đề nghị họ xem xét lại mức giá và thời gian áp dụng, sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày có quyết định. Còn quyết định thuộc về họ. Hiện tại Tổng cục Du lịch chưa nhận được thông tin gì về vấn đề này. |
Ý kiến ()