Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp hội tụ gió trong đới gió tây trên cao cho nên ở Bắc Bộ có mưa, mưa rào và dông; các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, có nơi mưa vừa và dông; Vịnh Bắc Bộ và khu vực bắc Biển Đông gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7, biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có tố lốc và gió giật mạnh.
Hiện nay, mực nước các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi đang lên; các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế và Bình Định có dao động; các sông khác ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm. Dự báo, mực nước các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có dao động; các sông khác ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm.
Hai, ba ngày tới, các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có khả năng xuất hiện một đợt lũ nhỏ.
Theo Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, đến nay, lũ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã làm 60 người chết, 95 nghìn 824 nhà bị ngập nước, 23 nghìn 901 ha lúa bị ngập úng, 1.533,83 km đê bao, bờ bao bị sạt lở. Hiện đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đi kiểm tra công tác phòng, chống lũ tại một số địa phương, chỉ đạo các địa phương khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân.
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư đã đi kiểm tra công tác phòng, chống lũ và triều cường tại tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ. Tại Vĩnh Long, sau khi đi kiểm tra thực tế tại Cồn Sừng và vùng chuyên canh rau xã Thuận An (huyện Bình Minh), Đoàn công tác lưu ý Vĩnh Long cần tăng cường kiểm tra, rà soát, sử dụng có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”, tích cực phòng, chống ngập, bảo vệ đê, bờ bao, cống, đập, bảo vệ sản xuất và đời sống của dân. Về các dự án thủy lợi phục vụ sản xuất và dự án chống ngập do tỉnh đề xuất, bộ sẽ khẩn trương xem xét để sớm phê duyệt; đồng thời sẽ báo cáo Chính phủ hỗ trợ kinh phí khắc phục các công trình sạt lở, hư hại và hỗ trợ bơm, tát bảo vệ lúa vụ thu đông muộn và lúa thu đông sớm.
Tại TP Cần Thơ, Đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình phòng, chống lũ kết hợp triều cường tại hệ thống các cồn trên sông Hậu thuộc ba quận Bình Thủy, Ninh Kiều và Cái Răng. Theo đánh giá, các huyện đã thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, chính quyền và nhân dân trên các cồn đã có nhiều biện pháp bảo vệ như dùng cừ tràm, bao cát đắp chắn các tuyến đê xung yếu; đồng thời duy trì lực lượng trực canh 24/24 giờ, chú trọng thời điểm triều cường đạt đỉnh điểm vào buổi sáng và buổi tối mỗi ngày; huy động phương tiện cứu hộ, cứu nạn chuyên ngành, kịp thời ứng phó những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra. Hiện tại các tuyến đê luôn được tuần tra, cảnh báo và liên tục gia cố những điểm xung yếu, bảo đảm an toàn trong những ngày tới.
Chiều tối 28-10, đợt triều cường cuối tháng 10 dâng cao 1m56 (cao nhất trong vòng 50 năm qua) đã gây ngập hàng loạt tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh. Vào thời điểm triều dâng lại xuất hiện cơn mưa lớn kéo dài gần 30 phút càng làm tình hình ngập thêm trầm trọng. Tại quận 2, quận 8, quận 7, Thủ Đức… nước dâng cao khiến nhiều tuyến đường ngập gần một mét. Tại nhiều tuyến đường lớn và hẻm như: Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh), Lương Đình Của (quận 2), Phạm Thế Hiển (quận 8) nước tràn vào nhiều nhà dân gây thiệt hại về tài sản. Hàng loạt cửa hàng, quán ăn phải đóng cửa sớm hoặc rơi vào tình trạng ế khách. Do nước ngập lớn nên nhiều vụ va quệt, tai nạn cho người dân đi đường xảy ra, đặc biệt, triều dâng đã làm xuất hiện một hố sâu đường kính khoảng 50 cm trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8) khiến việc lưu thông của người dân gặp nhiều khó khăn. Tại Thủ Đức, đến chiều 28-10, cơ quan chức năng đã gia cố điểm bờ bao bị vỡ tối 27-10.
UBND thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các ban, ngành liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó đợt triều cường lên cao cuối tháng 10. Các đơn vị kiểm tra, rà soát các đoạn bờ bao, đê quây, cống xung yếu, các dự án thủy lợi, cải thiện môi trường, giao thông, tiêu thoát nước trên địa bàn, bảo đảm an toàn, hạn chế tình trạng sụt lún, tràn, vỡ bờ bao, đê quây, gây ngập úng tại các khu vực thuộc các gói thầu của dự án. Các quận, huyện khẩn trương huy động lực lượng kiểm tra các tuyến bờ bao xung yếu nhằm kịp thời gia cố, xử lý các vị trí có nguy cơ tràn và vỡ bờ bao, bảo đảm an toàn công trình và đời sống, sinh hoạt của nhân dân.
Trong ba ngày qua, trên địa bàn hai huyện Giang Thành và Hòn Đất (Kiên Giang) xuất hiện nhiều lốc xoáy, làm bị thương nặng một trẻ em, đổ và tốc mái gần 250 nhà. Như vậy, đợt lũ vừa qua tại hai huyện nói trên có 11 người chết, 5.808 ha lúa bị ngập nước, trong đó 1.360 ha bị mất trắng; 44 điểm trường tạm đóng cửa, hơn 2.000 học sinh phải nghỉ học; 105 km đường giao thông nông thôn bị ngập tràn và hàng trăm km đê bao bị sạt lở, hư hỏng… Ước tính thiệt hại hơn 100 tỷ đồng.
Triều cường đột ngột dâng cao trong mấy ngày qua đã làm vỡ 162 đoạn đê bao, với tổng chiều dài hơn 886 m tại huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Triều cường còn gây ngập 113 nhà, gây thiệt hại 2.000 ha mía… Ngay sau khi xảy ra vỡ đê bao, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng gia cố, khắc phục được 120 đoạn đê bao, hiện vẫn còn 42 đoạn đê bao, với chiều dài 272 m chưa được khắc phục, nước tiếp tục uy hiếp diện tích mía, hoa màu của bà con.
Ý kiến ()