Lớp học xóa mù chữ tại Quý Hòa: Gieo con chữ, thắp niềm tin
– Quý Hòa là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bình Gia với khoảng 2.000 nhân khẩu sinh sống. Năm 2022, trên cơ sở rà soát nhu cầu và xem xét điều kiện mở lớp, Trung tâm Học tập cộng đồng xã đã mở được 3 lớp học xóa mù chữ. Đây cũng là những lớp học xóa mù chữ đầu tiên trên địa bàn huyện.
Đã thành thông lệ, mỗi buổi tối trong tuần, sau khi cơm nước, dọn dẹp nhà cửa xong, chị Hoàng Thị Đèm (43 tuổi), thôn Nà Kéo lại chuẩn bị bút, vở để đến lớp tìm “con chữ”. Chị Đèm chia sẻ: Trước đây, vì điều kiện khó khăn, tôi không được đến trường. Không biết chữ thiệt thòi lắm, muốn đọc cái gì, làm giấy tờ gì đều phải nhờ các con giúp nhưng rất bị động vì không phải lúc nào các con cũng có nhà. Bởi vậy, khi có lớp học xóa mù chữ, tôi đã đăng ký học ngay.
Các lớp học xóa mù chữ được tổ chức vào các buổi tối trong tuần với sự tham gia khá đầy đủ của các học viên
Cũng như chị Đèm, dù thời tiết có khắc nghiệt, đường xá có khó khăn đến đâu, các học viên của các lớp học xóa mù chữ vẫn đến lớp đều đặn hằng ngày. Cứ từ 7 rưỡi, 8 giờ mỗi tối, khi ánh điện các lớp tại điểm trường thôn, điểm trường chính thuộc Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú Tiểu học và THCS xã bật sáng là lúc những tiếng đánh vần lại vang lên,.
Tháng 10/2022, Trung tâm Học tập cộng đồng xã đã mở được 3 lớp xóa mù chữ dành cho 72 học viên thuộc 3 thôn của xã gồm: Nà Lùng (24 người), Khuổi Lùng (16 người), Nà Kéo (32 người). Dự kiến khóa học sẽ kéo dài đến tháng 7/2023. Đối tượng học là người dân trên địa bàn, độ tuổi từ 35 đến 60 tuổi. Lớp học được tổ chức vào các buổi tối do các giáo viên Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS xã giảng dạy. Ngoài việc dạy chữ, các thầy cô còn dạy những phép tính và một số kiến thức khoa học cơ bản.
Cô Triệu Thị Đào, giáo viên giảng dạy lớp học xóa mù chữ tại thôn Nà Lùng cho biết: Trên cơ sở khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi đã soạn giảng giáo án, lựa chọn phương pháp dạy phù hợp để học viên dễ tiếp thu nhất. Chúng tôi cũng thuận lợi là đều biết tiếng dân tộc nên trong quá trình dạy đôi khi sử dụng cả tiếng Nùng để truyền đạt giúp bà con hiểu nhanh nhất. Qua một thời gian tiếp xúc nhận thấy, các học viên kiên trì và chăm chỉ, không khí học khá sôi nổi, cởi mở.
Hiện nay, sau khi trải qua 5 tháng, các lớp học đã thu được những thành quả nhất định, các học viên đã biết đọc, biết viết căn bản. Nhiều người đã bắt đầu tự tin đến xã giải quyết các thủ tục hành chính, tìm hiểu sách báo, tra tìm thông tin về thuốc men, phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi… từ đó, vận dụng vào lao động, sản xuất.
Nắn nót từng dòng chữ viết tên mình, chị Nông Thị Sỷ (37 tuổi), thôn Nà Lùng không giấu được niềm vui khi đã biết đọc, biết viết. Chị vui vẻ nói với chúng tôi: Biết chữ rồi, tôi đã có thể đến xã làm giấy tờ, ký tên mà không lo sợ như trước, có thể đọc sổ liên lạc, nhắn tin zalo để nắm tình hình học tập của các con. Những thông tin gì không biết, tôi còn có thể tra cứu thuận tiện, nhanh chóng qua điện thoại có kết nối mạng, chẳng hạn như cách sử dụng thuốc, phân bón, cách chăm sóc cây lúa, cây hồi đạt hiệu quả cao…
Việc mở các lớp học xóa mù chữ đã nhận được sự hưởng ứng của bà con trên địa bàn xã, tạo ra phong trào học tập trong cộng đồng. Biết chữ giúp người dân nơi đây tự tin hơn, phấn khởi hơn và quan trọng là biết vận dụng tri thức vào phục vụ cuộc sống tốt hơn.
Ông Hoàng Văn Thêm, Chủ tịch UBND, Giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng xã Quý Hòa cho hay: Khi mở các lớp học này, chúng tôi cũng động viên, khích lệ bà con dẹp bỏ sự tự ti, e ngại, phải nỗ lực, cố gắng để học chữ. Hiện nay, những người học cơ bản đều đã biết đọc biết viết nâng tỷ lệ người dân biết đọc, biết viết của toàn xã đạt 96,4% (tháng 10/2022 là khoảng 95%). Đây là động lực để chính quyền xã và nhà trường tiếp tục xem xét mở thêm các lớp xóa mù trong thời gian tới.
Hiện nay, ở xã còn hơn 30 người mong muốn được tham gia lớp học xóa mù chữ. Điều đó cho thấy người dân nơi đây còn có nhu cầu học tập, khát khao học chữ, học văn hóa để có cơ hội thay đổi cuộc sống. Tin rằng, sắp tới, sau khi bế giảng các lớp hiện tại, chính quyền, Trung tâm Học tập cộng đồng xã sẽ tiếp tục mở các lớp mới, đáp ứng nguyện vọng của bà con trên địa bàn.
Ý kiến ()